Giết thịt trâu chọi: Truyền thống hay hủ tục?

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) một lần nữa dấy lên tranh cãi khi trâu số 17 hoảng loạn, mất kiểm soát, rồi bị xử lý khiến nhiều người tự hỏi: Có nên tiếp tục duy trì tập tục giết thịt trâu chọi hay không?

Ảnh: Trần Long

Ảnh: Trần Long

Chọi trâu: Tấm gương phản chiếu văn hóa

Không thể phủ nhận, chọi trâu là một phần trong bức tranh văn hóa dân gian của nhiều địa phương. Hải Lựu và Đồ Sơn là hai vùng nổi tiếng với những hội chọi trâu có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần, thể hiện tinh thần thượng võ và lòng tôn kính đối với vật nuôi đã gắn bó với con người từ thuở khai thiên lập địa.

Trâu tham gia lễ hội không chỉ là những con vật nuôi thông thường mà được tuyển chọn kỹ lưỡng, chăm sóc đặc biệt để bước vào đấu trường như những “võ sĩ giác đấu”. Ở một góc nhìn nào đó, việc rước trâu vô địch về đình làm lễ tế thần là sự tri ân dành cho linh vật đã cống hiến hết mình.

Tuy nhiên, mọi sự kiện văn hóa đều phản ánh xã hội ở thời điểm nó tồn tại. Nếu ngày xưa, lễ hội chọi trâu chỉ mang tính cộng đồng, gắn với đời sống nông nghiệp, thì ngày nay, với sự phát triển của truyền thông và kinh tế thị trường, yếu tố thương mại hóa đã len lỏi vào từng khía cạnh.

Trâu thắng, trâu thua đều đem ra làm thịt. Thịt trâu chọi thắng trận được tế vị Thánh, Thần của làng, rồi đem đi biếu, đi bán. Vì vậy, thịt trâu không còn đơn thuần là “lộc Thánh”, mà trở thành món hàng xa xỉ với giá hàng triệu đồng mỗi kg, khiến giá trị tâm linh dần bị che mờ bởi lợi nhuận, khi nhiều nơi trâu chọi thật, trâu chọi giả lẫn lộn, bị đánh tráo.

Quang cảnh lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu. Ảnh: PH Yến

Quang cảnh lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu. Ảnh: PH Yến

Chọi trâu: Khi truyền thống nhuốm màu bạo lực

Nhìn từ khía cạnh nhân văn, lễ hội chọi trâu đang đặt ra những câu hỏi lớn về tính bạo lực và tác động của nó đối với cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Hình ảnh những con trâu lao vào nhau, húc đến khi đối thủ gục ngã, rồi sau đó bị giết thịt công khai có thể gây ám ảnh, thậm chí tạo ra nhận thức sai lệch về sự vinh danh và chiến thắng, khi mà trâu thắng, trâu thua đều bị làm thịt.

Không ít người cho rằng, có thể tổ chức chọi trâu như một môn thể thao, nhưng không nhất thiết phải giết thịt. Thế giới có nhiều lễ hội đấu bò, đua ngựa... mà con vật không nhất thiết phải đổ mạng. Một lễ hội vẫn có thể giữ được bản sắc nếu biết cách điều chỉnh phù hợp với thời đại.

Ban tổ chức đang “xử lý” chú trâu mất kiểm soát. Ảnh cắt từ clip

Ban tổ chức đang “xử lý” chú trâu mất kiểm soát. Ảnh cắt từ clip

Giữ hay bỏ: Câu hỏi không dễ trả lời

Giữ hay bỏ chọi trâu là một câu chuyện lớn hơn chuyện của một địa phương, mà là câu chuyện về cách chúng ta nhìn nhận truyền thống. Có những phong tục vẫn tồn tại bền bỉ qua thời gian, nhưng cũng có những tập tục cần được thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại.

Nếu lễ hội chọi trâu thực sự mang giá trị văn hóa và tâm linh, hãy để nó tồn tại theo cách nhân văn hơn: Tổ chức chọi trâu nhưng không giết thịt, giảm thiểu yếu tố bạo lực, lan tỏa việc bảo vệ động vật. Nếu không, e rằng một ngày nào đó, lễ hội này sẽ chỉ còn lại trong ký ức như một hủ phong, không còn phù hợp với xã hội đương thời.

Bình An

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/giet-thit-trau-choi-truyen-thong-hay-hu-tuc-a27887.html
Zalo