Nền tảng cho tôi bước tiếp

Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước) là nơi đã thắp lên trong tôi tình yêu nghề nghiệp, là nơi cho tôi một công việc ổn định và một gia đình nhỏ ấm êm. Tất cả sắp tới sẽ chỉ là kỷ niệm khi tỉnh Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai, nhưng đây cũng là hành trang, là nền tảng để tôi bước tiếp trong sự nghiệp làm báo của mình.

Tác giả (đầu tiên bên phải) làm việc tại cơ sở

Tác giả (đầu tiên bên phải) làm việc tại cơ sở

Còn nhớ ngày tôi mới tốt nghiệp Đại học khoa học Huế, tôi làm đơn thi tuyển vào làm giảng viên bộ môn Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường nhưng không thành công. Tôi “Nam tiến” nộp đơn xin vào các cơ quan báo chí và được nhận vào công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (BPTV).

Tôi còn nhớ như in ngày đi phỏng vấn, vừa hồi hộp vừa căng thẳng. Điều lo lắng nhất là giọng miền Trung “đặc sệt” của tôi, sợ trả lời phỏng vấn mọi người nghe không rõ. Người phỏng vấn tôi lúc đó là anh Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính. Anh hỏi tôi khá nhiều, trong đó có câu: Nhỏ từng viết báo chưa?

Tôi trả lời: Dạ em từng viết trên Tạp chí Sinh viên.

Nói xong, tôi rút trong bộ hồ sơ đưa ra các bài báo viết thời sinh viên của tôi cho anh xem. Anh nói: Làm phát thanh - truyền hình có chút khác.

Một tuần sau, tôi nhận được điện thoại liên lạc gọi đi làm. Tôi vui không tả nổi. Người gây ấn tượng với tôi lúc đó là anh Huỳnh Nguyên, Tổ trưởng tổ phóng viên được Ban giám đốc gọi lên nhận người. Anh dẫn tôi về phòng và nói: Ngồi đó đọc tin, bài anh em 1 tuần để học cách viết… làm tôi ngơ ngác nhìn theo và càng lo lắng hơn.

Cũng trong ngày hôm đó, tôi đang tìm mấy tin, bài mà chị Trương Thùy (thủ quỹ hiện nay) vừa đánh máy xong để đọc thì phóng viên Thanh Phong đi làm về ghé vào phòng tôi hỏi:

- Nghe nói có người mới vào, em tên gì? Học trường nào? Ngày mai đi làm tin với anh không?

Nghe anh rủ đi làm, tôi mừng vô cùng. Ngày mai, anh chở tôi trên chiếc xe máy Cup 50 ngồi sau ôm chiếc camera lên thẳng Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước làm tin. Tin vừa xong, tôi lấy giấy A4 ra viết tin gửi Ban biên tập liền. Cầm tin tôi vừa viết để kẹp báo cáo thu hình phía sau, anh nói: Nhỏ viết chữ đẹp, làm tin nhanh đó.

Câu nói bình thường của anh nhưng tạo động lực rất lớn cho tôi. Ngay tối hôm đó, phóng viên Hồng Hải đi làm về, ghé phòng tôi nói: Mai làm tin tập huấn dân vận với anh nghe nhỏ. Tôi nhận lời liền. Cũng qua hội nghị hôm ấy, tôi đã làm quen được rất nhiều cán bộ ở cơ sở và phát hiện được rất nhiều đề tài. Nhiều người cho tôi số điện thoại và mong được phóng viên về quay phim.

Thế nhưng, khó khăn nhất của tôi bấy giờ là không có phương tiện, trong khi anh em phóng viên ai cũng có cặp, có đôi. Khi tôi gọi hẹn được cơ sở thì đi tìm phóng viên quay không có nên đành hoãn lại, vì thế mỗi khi hẹn được phóng viên quay phim là tôi đi cơ sở cả tuần mới về.

Tôi nhớ lần đầu đi làm phóng sự với phóng viên Đức Hiển về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hai anh em chạy xe máy lên đến xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp mất gần hết một buổi sáng. Lúc đó, đường từ Phước Bình lên Đa Kia đang làm lại gặp mưa nên đất đỏ dính sình dẻo quẹo bánh xe. Sợ té ảnh hưởng đến camera, thế là hai anh em để camera trên xe và người dắt, người đẩy. Từ Long Điền đến xã Đa Kia mà hai anh em đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Chiều quay ở Thiện Hưng xong, tôi và anh Hiển chạy về Bình Long, vào nhà anh Hiển ở lại để tiếp tục hôm sau quay ở xã Minh Đức. Tôi và anh Hiển rong ruổi 5 ngày ở cơ sở. Sau chuyến đi đó, tôi viết được 9 tin, 3 phóng sự và được Ban giám đốc khen. Cũng sau lần này, các anh quay phim thấy tôi viết được, có sản phẩm nhanh nên liên hệ được là các anh sắp xếp đi làm cùng tôi. Các anh Bá Thanh, Đức Hiển, Hoàng Sơn là những phóng viên quay phim đi làm với tôi nhiều nhất, chỉ cho tôi nhiều kỹ năng trong quá trình tác nghiệp.

Một lần, tôi liên hệ đi làm tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư để làm chương trình tết, tìm mãi không có người quay phim nên Đoàn Hằng (kỹ thuật viên phát thanh hiện nay) đi quay cho tôi. Hai chị em chạy lên nhà anh họ của Hằng ở Lộc Ninh ở lại rồi đi thực hiện phóng sự tết. Sau chuyến đi này, Hằng và tôi đều cảm nhận được nỗi vất vả của nữ phóng viên nên sau đó Hằng xin Ban giám đốc sang làm kỹ thuật dựng.

Ngày đó, làm báo không như bây giờ. Ngày đi quay, ghi lại xong, tối viết ra giấy A4, sau khi đọc lại, thấy đoạn nào chưa được lại bỏ đi viết lại cả bài vào tờ giấy khác, viết tay mà có phóng sự phải viết đi, viết lại mấy lần mới vừa ý. Vì thế, mỗi từ, mỗi câu trong bài dường như thuộc lòng.

Công việc cứ cuốn hút, tôi đã nhỏ bé, gầy lại còn gầy hơn vì đi nhiều mà hay bị say xe. Khi đó, tôi cũng đã vỡ mộng với thần tượng hình ảnh cô phóng viên mặc áo vest hoặc ghi lê năng động trong phim Hồng Kông. Sau 3 tháng thử việc, tôi được ký hợp đồng. Tôi gọi điện kể với ba về công việc của mình. Ba tôi nói: Nếu cứ đi làm mà ở lại như thế thì sau này có gia đình không ổn đâu con. Hay con xin đi dạy hoặc làm văn phòng gì đó.

Nghe ba nói, tôi giấu cơ quan nộp hồ sơ và thi đậu biên chế vào ngành giáo dục. Tôi được tuyển dụng và phân công về Trường THPT Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Cầm quyết định trên tay, tôi không dám nói ai, chỉ nói với anh Hưng Cát, khi đó là Phó ban biên tập. Anh nói ngày mai anh mượn xe chở tôi đi nhận nhiệm sở.

Trường THPT Tân Hòa tôi cũng đã đến làm tin nên không còn xa lạ. Khi tôi về trường, một nhóm học sinh cứ khóc thút thít nhìn và chỉ vào tôi. Tôi không hiểu chuyện gì nên bước thẳng vào phòng họp hội đồng và chứng kiến cuộc tranh cãi “nảy lửa” diễn ra giữa thầy hiệu trưởng và cô giáo dạy môn Văn (dạy hợp đồng). Nội dung câu chuyện là tôi về trường, trường đủ giáo viên nên sẽ cắt hợp đồng với cô giáo dạy hợp đồng môn Văn.

Tôi bước ra nói với anh Hưng Cát: Chắc em không về đây dạy đâu, mới vào mà thấy chẳng đoàn kết.

Nói rồi, tôi đi thẳng lên phòng hiệu trưởng và nói với thầy là tôi sẽ không về trường nữa, thầy hãy tạo điều kiện để cô giáo tiếp tục với nghề của mình. Thầy hiệu trưởng tức giận nói với tôi: Tôi sẽ báo với Ban giám đốc đài.

Tôi lo lắng nói với anh Hưng Cát. Trên đường về, hai anh em chạy thẳng qua Sở Giáo dục - Đào tạo gặp cô Trúc, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính trả quyết định và nhờ can thiệp.

Tác giả (bên phải) trong một chuyến công tác ở Bến Nhà Rồng

Tác giả (bên phải) trong một chuyến công tác ở Bến Nhà Rồng

Vậy là cuộc “đào tẩu” của tôi bất thành. Tôi tiếp tục đi làm phóng viên thời sự và phụ trách phóng sự trong chương trình Pháp luật và đời sống. Trong một phóng sự điều tra nhiều kỳ tại khu Trung tâm thương mại Phước Bình, tôi đã giúp bà con trong diện giải tỏa khi làm Trung tâm thương mại Phước Bình “lấy lại công bằng”. Và cũng từ phóng sự này, tôi lọt vào “tầm ngắm” của Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Phước Diệp Văn Tuyết, người Phước Bình, Phước Long. Anh gọi tôi qua và nói muốn nhận tôi sang làm chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy. Tôi gọi điện thoại trao đổi với ba tôi thì ngay hôm sau, ba tôi làm hồ sơ cho tôi gửi qua Tỉnh ủy.

Biết tin, trong một bữa tiệc tổng kết tại phòng ăn khu tập thể cơ quan, anh Phan Minh Hoàng lúc đó là Phó Giám đốc phụ trách nội dung kêu tôi lại ngồi gần, anh nói về công việc thiệt hơn ở đài và những nơi khác, nói về tinh thần đoàn kết, sự đồng cam cộng khổ của anh em trong cơ quan… Bẻ một chiếc đũa trong tâm trạng rất tức giận, anh nói: Tôi từng đi làm phóng viên, mọi khó khăn của anh em tôi đều hiểu và biết hết. Khó khăn nào cũng sắp xếp được. Gái có công thì chồng chẳng phụ, miễn sao đừng ăn cháo đá bát. Câu nói ấy của anh làm tôi suy nghĩ rất nhiều!

Hôm sau, anh Phan Văn Thảo (Ba Thảo), Phó Giám đốc gọi tôi lên làm tư tưởng. Anh hỏi tôi nguyên nhân chuyển việc và khuyên tôi về suy nghĩ lại.

Sau một tuần suy nghĩ, tôi sang gặp anh Diệp Văn Tuyết trả lời, quyết định không sang Văn phòng Tỉnh ủy mà ở lại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước làm việc.

Năm 2002, Phòng Chuyên mục - Chuyên đề tách ra từ Ban biên tập, tôi được phân về phụ trách chuyên mục Dân số, sức khỏe sinh sản. Năm đó, tôi và anh Hữu Phước đoạt giải Bạc tại Liên hoan truyền hình về dân số, sức khỏe sinh sản, được Ban Giám đốc khen thưởng và cho đi tham quan du lịch Côn Đảo cùng một số cán bộ của cơ quan.

Sau đó, tôi tiếp tục phụ trách chuyên mục Nông nghiệp nông thôn. Cứ thế, công việc, sự thân tình, chia sẻ của anh em đồng nghiệp trong BPTV đã giúp tôi quên đi những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả của nghề mà cố gắng vươn lên mỗi ngày. Thế rồi, năm 2003, một ngã rẽ mới đến với tôi, đó là hôn nhân. Có thể nói, nghề báo là môi trường, nhịp cầu để nhiều đôi lứa nên vợ, nên chồng. Vợ chồng tôi cũng thế, cũng đến với nhau từ thực tế và sự đồng cảm, chia sẻ trong công việc. Anh luôn đồng hành cùng tôi vô điều kiện, nhất là công việc của một nữ phóng viên.

Tác giả trong một chuyến công tác ở Côn Đảo năm 2002

Tác giả trong một chuyến công tác ở Côn Đảo năm 2002

Sau khi tôi lập gia đình, có con, năm 2004, Ban Giám đốc rút tôi về làm thành viên Hội đồng biên tập, phụ trách nội dung phát thanh. Công việc lúc đó không còn vất vả và áp lực như làm phóng viên, nhưng lại rất bận rộn. Tôi thường đi sớm về muộn, không có khái niệm nghỉ cuối tuần hay đón con mỗi ngày. Đặc biệt, từ tháng 10-2019, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và Báo Bình Phước hợp nhất, công việc của tôi lại càng bận rộn hơn vì phòng tôi vừa thực hiện công tác chuyên môn vừa xử lý thêm văn bản hành chính, đối ngoại nên hầu như ngày nào cũng về muộn. Thế nhưng, may mắn cho tôi là có “người đồng nghiệp cùng nhà” nên anh luôn hiểu và chia sẻ khó khăn, giúp tôi toàn tâm, toàn ý với công việc.

25 năm trôi qua, hạnh phúc riêng của gia đình tôi hòa trong niềm vui chung của gia đình BPTV. Tôi luôn biết ơn, tự hào và mãn nguyện khi nói với mọi người tôi được sống và làm việc trong ngôi nhà BPTV, nơi vợ chồng tôi gửi gắm cả một thời thanh xuân, tuổi trẻ, nơi thắp lên cho tôi tình yêu nghề để tôi theo đuổi công việc mà mình yêu thích, cho tôi được gặp anh để có một gia đình nhỏ ấm êm. Thế mà tất cả sắp tới chỉ còn là kỷ niệm, nhưng sẽ là hành trang, nền tảng để tôi bước tiếp trong sự nghiệp làm báo của mình ở tỉnh Đồng Nai mới.

Thanh Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172691/nen-tang-cho-toi-buoc-tiep
Zalo