Giáo viên nói gì về việc thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa?

Nhiều giáo viên chia sẻ, qua 5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó một chương trình nhiều sách giáo khoa được cho là còn nhiều bất cập.

Sách luôn là chỗ dựa tri thức tin cậy đối với thầy và trò trong trường học. Ảnh: ĐQ

Sách luôn là chỗ dựa tri thức tin cậy đối với thầy và trò trong trường học. Ảnh: ĐQ

Sau 5 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học cơ sở và 3 năm ở bậc trung học phổ thông, cùng với đó là việc thay sách giáo khoa cuốn chiếu theo từng cấp học, nhiều giáo viên nhận thấy việc dạy và học còn khó khăn, bất cập.

Thứ nhất, nội dung sách giáo khoa còn quá nhiều "sạn". Điều này đã được truyền thông vào cuộc phản ánh thường xuyên, liên tục kể từ thời điểm năm học 2020-2021 - năm đầu tiên cả nước triển khai Chương trình mới đối với lớp 1.

Một số sách giáo khoa bị dư luận phản ánh có thể kể đến là Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều; Ngữ văn 6- bộ Kết nối tri thức và cuộc sống; Vật lí 10 – bộ Chân trời sáng tạo; Lịch sử và Địa lí 6, 7 - bộ Kết nối tri thức và cuộc sống…

Thứ hai, từ 5 bộ sách giáo khoa được sáp nhập còn 3 bộ gây lãng phí. Cụ thể, năm học 2020-2021có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt ban hành và đưa vào giảng dạy: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự Dân chủ và Bình đẳng trong giáo dục; Cánh diều.

Nhưng đến năm học 2021-2022, chỉ có 3 bộ sách giáo khoa là Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Việc hợp nhất này ảnh hưởng trực tiếp đến phụ huynh, 2 bộ sách này cũng không được trường nào trên cả nước tiếp tục tổ chức dạy ở lớp 1, không tái sử dụng được, trở thành giấy vụn, đây là sự lãng phí không nhỏ.

Thứ ba, mỗi trường sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau gây khó khăn cho phụ huynh. Ví dụ, sách giáo khoa Ngữ văn 10 thì học bộ Cánh Diều, sách giáo khoa Toán 10 lại học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống… Chưa kể, học sinh lớp 10 thì học sách giáo khoa Ngữ văn 10 bộ Cánh Diều nhưng lên 11 lại học bộ Chân trời sáng tạo.

Vậy nên, cứ đến đầu năm học, không ít phụ huynh đi hàng chục nhà sách vẫn không thể nào mua đủ bộ cho con, em học. Điều oái oăm, có 1 nhà sách khá lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bán duy nhất sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, không bán các nhà xuất bản khác.

Thứ tư, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhưng mỗi sách lại viết một kiểu, giáo viên cố đọc cũng không thể nào hiểu được, không biết đâu mà dạy.

Minh chứng, về định nghĩa "cấu tứ", sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Chân trời sáng tạo viết: "Cấu tứ là cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ trữ tình".

Còn sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Cánh Diều nêu: "Cấu tứ là cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc của bài thơ".

Trong khi đó, sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết: "Cấu tứ là một khâu then chốt, mang tính khởi đầu của của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ nói riêng.

Trong lĩnh vực thơ, cấu tứ gắn liền với việc xác định, hình dung hướng phát triển của hình tượng thơ, cách triển khai bài thơ, sao cho toàn bộ nhận thức,cảm xúc,cảm giác của nhà thơ về một vấn đề, đối tượng, sự việc nào đó có thể được bộc lộ chân thực, tự nhiên, sinh động và trọn vẹn nhất".

Thứ năm, cấu trúc chương trình lộn xộn, gây khó khăn cho học sinh học sinh chuyển trường. Theo đó, có phạm vi kiến thức ở bộ này thì dạy ở học kì 1 nhưng bộ khác lại dạy ở học kì 2.

Minh chứng, chương trình sách giáo khoa Toán 10 bộ Cánh Diều thiết kế bài "Bất phương trình bậc hai một ẩn" (Chương III. Hàm số và đồ thị) ở học kì 1. Còn chương trình sách giáo khoa Toán 10 bộ Chân trời sáng tạo thiết kế "Chương II: Bất phương trình bậc hai một ẩn" ở học kì 2.

Hoặc môn Ngữ văn 10 học kì 1, học kì 2 cả 3 bộ sách cho thấy: bộ Chân trời sáng tạo và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống dạy đánh giá về tác phẩm truyện ở học kì 1, còn bộ Cánh Diều thì dạy ở học kì 2. Bộ Chân trời sáng tạo và bộ Cánh Diều dạy văn bản thông tin ở học kì 1, còn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thì dạy ở học kì 2.

Nhiều giáo viên bậc phổ thông, nhất là thầy cô giáo đang dạy lớp 9, lớp 12 cho biết họ rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm rà soát, đi đến thống nhất, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-noi-gi-ve-viec-thuc-hien-mot-chuong-trinh-nhieu-sach-giao-khoa-179250122090222669.htm
Zalo