Học sinh được 'chấm điểm' qua hành vi

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá học sinh qua điểm số, Na Uy 'chấm điểm' học sinh bằng hành vi qua nhiều thập kỉ.

Học sinh Na Uy được cho điểm dựa trên hành vi.

Học sinh Na Uy được cho điểm dựa trên hành vi.

Cụ thể, trẻ em Na Uy được đánh giá 2 lần một năm qua 2 tiêu chí. Thứ nhất là ý thức trật tự cá nhân như đúng giờ, chuẩn bị kĩ lưỡng và hoàn thành bài tập về nhà. Thứ hai là hành vi xã hội như thể hiện sự quan tâm, tôn trọng người khác.

Ở một số trường, cách chấm điểm còn liên quan đến việc tuân thủ các quy định như không ném bóng tuyết, không ăn trong lớp học hoặc không rời khỏi khuôn viên trường mà không được phép. Điểm số được tính theo đơn vị là tốt, khá hoặc chưa tốt.

Giáo viên của tất cả các môn học sẽ báo cáo với giáo viên chủ nhiệm, người có nhiệm vụ tính điểm trung bình, ghi chú những hành vi kém hoặc ý thức trật tự cá nhân không đạt. Báo cáo cuối cùng sẽ được gửi về cho học sinh và phụ huynh học sinh.

Cách thức đánh giá học sinh phổ thông như trên được quy định trong Đạo luật Giáo dục Na Uy nhằm đảm bảo một môi trường học tập tốt, an toàn, đồng thời, thúc đẩy mô hình “học tập xã hội”. Khái niệm này có nghĩa là học sinh không chỉ học văn hóa mà còn học cách ứng xử với mọi người xung quanh thông qua quan sát, làm mẫu và bắt chước hành vi. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với trẻ em mẫu giáo và Tiểu học.

Phương pháp đánh giá trên đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống giáo dục từ năm 1939. Các nghiên cứu cho thấy giáo viên và học sinh xem đây là một công cụ giá trị để giải quyết các vấn đề hành vi gây gián đoạn môi trường học tập. Thậm chí, khi những người trẻ tuổi nộp đơn xin việc sau khi tốt nghiệp, các nhà tuyển dụng vẫn quan tâm đến điểm số về trật tự và hành vi.

Hệ thống đánh giá hành vi và ý thức như của Na Uy nhấn mạnh rằng trường học không chỉ dạy kiến thức học thuật mà còn là nơi rèn luyện các kỹ năng xã hội, giúp học sinh có trách nhiệm hơn trong cách ứng xử.

Điều này quan trọng không chỉ trong lớp học mà còn ở cộng đồng. Việc hiểu và tuân thủ các quy tắc xã hội, từ cách giao tiếp đến việc đảm bảo an toàn chung, đều góp phần tạo nên một môi trường học tập và xã hội hài hòa.

Tại nhiều quốc gia, câu hỏi đặt ra không chỉ là có nên đánh giá kỹ năng xã hội hay không, mà còn là làm thế nào để việc đánh giá này công bằng và hiệu quả nhất cho mọi học sinh.

Ở Phần Lan, một quốc gia nổi tiếng với hệ thống giáo dục tiên tiến, việc chấm điểm tập trung nhiều hơn vào phản hồi định tính. Học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở không nhận điểm số truyền thống cho đến khi bước vào các năm học cao hơn. Giáo viên thường sử dụng nhận xét cá nhân để đánh giá sự phát triển cả về học thuật lẫn kỹ năng xã hội.

Tại Mỹ, mỗi bang có các quy định riêng về việc đánh giá hành vi và ý thức của học sinh. Một số trường áp dụng hệ thống PBIS (hỗ trợ hành vi tích cực), tập trung vào việc củng cố hành vi tốt thông qua phần thưởng thay vì chấm điểm.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, học sinh được đánh giá toàn diện về sự chuyên cần, thái độ, và khả năng làm việc nhóm thông qua các bản báo cáo học kỳ. Văn hóa coi trọng kỷ luật và trách nhiệm tập thể được phản ánh rõ nét trong hệ thống giáo dục.

Ở Australia, như đã nêu trong Chương trình Giảng dạy Quốc gia, các kỹ năng xã hội và cảm xúc được đưa vào tất cả các môn học, nhưng việc có chấm điểm cụ thể hay không sẽ tùy thuộc vào từng bang và vùng lãnh thổ.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang tham khảo cách thức “chấm điểm” của Na Uy bởi họ không muốn đặt áp lực học tập lên học sinh. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng hệ thống này có thể phản ánh sự thiên vị của giáo viên, khi những “học sinh được yêu thích” có thể nhận điểm cao hơn dù hành vi thực tế không khác biệt đáng kể.

Với hệ thống đánh giá học sinh tập trung vào hành vi, phụ huynh Na Uy thường khuyên răn con rằng: “Nếu con cư xử không tốt hoặc đi học muộn, điều đó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tìm việc làm của con trong tương lai”.

Theo TC

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-duoc-cham-diem-qua-hanh-vi-post716792.html
Zalo