Hàng loạt trường đại học phía Bắc công bố phương án tuyển sinh năm 2025

Hàng loạt trường đại học phía Bắc công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: HaUI

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: HaUI

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 9.680 sinh viên dựa trên 3 phương thức: Phương thức xét tuyển tài năng (≈20%); phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (≈40%); phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 (≈40%).

Riêng với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội giữ nguyên 10 tổ hợp xét tuyển và môn chính theo các năm trước bao gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26, D28 và D29.

Đồng thời, bổ sung một tổ hợp mới K01 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin. Trong đó Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn Lý hoặc Hóa hoặc Sinh hoặc Tin có nhân hệ số.

Với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy, năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy trong tháng 1-4/2025.

Bài thi đánh giá tư duy đánh giá 3 năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề.

Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng ngành, chương trình/nhóm ngành; theo từng phương thức xét tuyển và trình độ đào tạo năm 2025 sẽ được nhà trường thông báo sau.

Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, học phí đại học chính quy chương trình chuẩn năm học 2025-2026 theo ngành/chương trình học năm 2025 khoảng từ 18 triệu đồng đến 25 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ.

Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở thêm 2 ngành mới, gồm ngành Công tác xã hội và ngành Kỹ thuật hình ảnh y học trong năm 2025.

Bên cạnh đó, nhà trường dự kiến cơ bản giữ vững ổn định các phương thức tuyển sinh so với năm trước, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Y Hà Nội; xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA).

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh theo các phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét kết quả đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; xét kết quả đánh giá đầu vào đại học trên máy tính của Đại học Thái Nguyên (V-SAT-TNU); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 kết hợp thi năng khiếu thể dục thể thao; xét chuyển học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học.

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết, nhà trường không xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ và không tổ chức thi năng khiếu ngành Giáo dục mầm non.

Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh theo các phương thức sau: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.990 chỉ tiêu cho 62 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy theo 5 phương thức, cụ thể:

Phương thức 1, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không giới hạn chỉ tiêu);

Phương thức 2, xét tuyển theo điểm chứng chỉ quốc tế/giải học sinh giỏi kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10,11,12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 10%);

Phương thức 3, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (chỉ tiêu dự kiến 80%);

Phương thức 4, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10,11,12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%);

Phương thức 5, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy năm 2025 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10,11,12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%).

Bên cạnh 3 phương thức được ổn định duy trì qua nhiều năm như xét kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng, năm 2025, Trường Đại học FPT còn tuyển sinh theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với phương thức xét kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông 2025, thí sinh cần đạt xếp hạng Top 50 năm 2025 theo điểm học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (chứng nhận thực hiện trên trang http://SchoolRank.fpt.edu.vn) với điều kiện điểm Toán và điểm 2 môn bất kỳ của học kỳ 2 năm lớp 12 đạt từ 21 điểm trở lên.

Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ xét theo tổ hợp Toán và 2 môn bất kỳ. Trong đó, điểm môn toán nhân hệ số 2. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả kỳ thi.

Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển 2.650 sinh viên, tăng 150 so với năm 2024.

Về phương thức tuyển sinh, tại trụ sở chính, nhà trường dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức, giữ ổn định so với năm ngoái, gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các thí sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển đối với các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức; xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả học tập của bậc trung học phổ thông năm 2025 (kết quả học tập cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12) theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành (xét học bạ), trong đó có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành, trong đó có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Đáng chú ý, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết năm 2025 nhà trường xây dựng và ban hành chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật, chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Luật kinh tế cho năm học 2025-2026.

Năm 2025, Học viện Kỹ thuật quân sự dự kiến mở lại các chương trình đào tạo hệ kỹ sư dân sự với các ngành đào tạo gồm: Công nghệ thông tin; Khoa học máy tính; An toàn thông tin; Kỹ thuật Điện tử - viễn thông; Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật xây dựng.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hang-loat-truong-dai-hoc-phia-bac-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-nam-2025-179250122100802794.htm
Zalo