Giáo viên Hải Phòng 'xây cầu trực tuyến' tới học sinh vùng cao

Hàng nghìn tiết học trực tuyến môn tiếng Anh được thầy cô giáo Hải Phòng xây dựng, trao truyền tri thức cho học trò vùng cao tỉnh Yên Bái.

Giáo viên Hải Phòng trong hành trình "gieo chữ" cho học sinh vùng cao tỉnh Yên Bái.

Giáo viên Hải Phòng trong hành trình "gieo chữ" cho học sinh vùng cao tỉnh Yên Bái.

“Xây” hàng nghìn giờ dạy trực tuyến

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh. Trước tình hình này, ngày 4/10/2024, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái gửi công văn tới Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đề nghị hỗ trợ dạy học trực tuyến môn học này với học sinh Tiểu học, THCS vùng khó khăn, vùng cao của tỉnh. Số lượng tiết dạy bậc Tiểu học là 3.950 tiết/năm học tại 10 trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải; cấp THCS là 1.720 tiết/năm học tại 6 trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, khi nhận được văn bản của Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, Hải Phòng đã ban hành các văn bản triển khai gửi các trường học trên địa bàn để kịp thời phối hợp.

Nhiều trường học của các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền (TP Hải Phòng) tích cực tham gia hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí cho 15 trường vùng cao của tỉnh Yên Bái. Chỉ tính riêng từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ dạy cho 63 lớp với 1522 học sinh; dạy trực tuyến 1867 tiết học bậc Tiểu học; 720 tiết học thuộc cấp THCS.

Không chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, các trường học tại Hải Phòng còn chia sẻ những phần quà thiết thực và ý nghĩa về cơ sở vật chất cho các trường vùng cao Yên Bái. Thời gian qua, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đã hỗ trợ cho các nhà trường nhiều thiết bị học trực tuyến môn tiếng Anh gồm 18 camera, 32 bộ loa mic, 11 máy tính, 16 màn hình Ti vi, 30 bộ bàn ghế, 267 chiếc áo ấm, 2 nghìn quyền vở, 200 đôi tất…

Qua một số giờ dạy học trực tuyến, lãnh đạo 2 Sở, cán bộ, giáo viên chuyên môn các phòng GD&ĐT còn trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cách dạy học hiệu quả để thống nhất nội dung phối hợp, giải quyết khó khăn.

Hạnh phúc người “gieo chữ”

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) tình nguyện dạy tiếng Anh học sinh Trường tiểu học Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Trường tiểu học Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là trường học vùng cao, vùng xa của tỉnh Yên Bái, từ tỉnh xuống huyện khoảng 200km, từ trung tâm huyện vào nhà trường khoảng 35km. Hiện tại, trường tiểu học Chế Tạo cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn đang thiếu giáo viên dạy học ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018.

Cô Phạm Thị Xuân, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, được phân công dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Chế Tạo. Để giờ học hiệu quả, cô ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, kết hợp trình chiếu hình ảnh, âm thanh, video và các trò chơi trực tuyến. Các em học sinh rất hào hứng tương tác cùng cô.

 Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ yêu thương tới thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ yêu thương tới thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù.

Trong hành trình “gieo chữ” đến với học sinh vùng cao, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tình nguyện dạy tiếng Anh cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Sử dụng phần mềm Zoom, cô Mai Thị Nguyệt Anh “xây cầu trực tuyến” dạy tiếng Anh cho học trò khi khoảng cách cô trò tới hơn 400 km. Tuy khoảng cách địa lý khá xa, nhưng qua màn hình máy tính cô say sưa trao truyền kiến thức, dạy trò cách phát âm từ mới và làm quen cấu trúc câu.

Với trò nhỏ Cứ Thị Tang, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù không gian lớp học mở khiến em hào hứng và chăm chỉ học ngoại ngữ hơn.

Cô Nguyệt Anh cho hay, hơn 1 tháng học cùng cô, trò có tiến bộ và tự tin hơn. Đầu cầu bên này, cô dạy trò những kiến thức về từ mới, mẫu câu và ngữ pháp. Tại điểm cầu lớp học, cô giáo sở tại quản lý lớp, chụp phần ghi chép của học sinh chiếu lên màn hình để cô kiểm tra, nhận xét và có định hướng giảng dạy tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Thắm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố cho biết, không chỉ dạy tiếng Anh cho học trò trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù , nhà trường còn hỗ trợ thêm về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện dạy học trực tuyến như: Ti vi, máy tính, camera, hệ thống đường truyền internet. Ngoài ra, trường còn tặng đồng phục, đồ dùng học tập cho các em.

Cô Nguyễn Thị Hồng Sen, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù xúc động, với những điểm trường xa xôi, chưa có giáo viên tiếng Anh như Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù, việc nhận được hỗ trợ của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với học trò nơi đây, học tiếng Anh không đơn thuần là đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 mà còn mở ra định hướng tương lai cho các em khi địa danh này là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ, điều mà ngành Giáo dục thành phố muốn hướng tới là vượt ra ngoài không gian lớp học trực tuyến là tình thầy trò giữa 2 địa phương được gắn kết, chất lượng giáo dục bộ môn được nâng lên và lan tỏa được hiệu quả của mô hình đến nhiều đơn vị giáo dục, tỉnh, thành khác.

Để tiếp tục xây dựng chương trình phối hợp trong năm học 2025-2026, từ ngày 2-5/4/2025, Sở GD&ĐT Hải Phòng; Phòng GD&ĐT quận Lê Chân thăm, khảo sát thực tế tại tỉnh Yên Bái. Các trường học tham gia đoàn sẽ dạy học trực tiếp, trao đổi chuyên môn, thăm và giao lưu với giáo viên, học sinh các Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù, THCS Khấu Ly.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-hai-phong-xay-cau-truc-tuyen-toi-hoc-sinh-vung-cao-post726054.html
Zalo