Giáo viên dừng dạy thêm, phụ huynh lo lắng
Quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14-2. Nhiều giáo viên dừng dạy thêm để nghe ngóng, có người chuyển qua dạy trực tuyến.
Theo Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh (HS) mà mình đang dạy trên trường.
Trước tình hình này, theo ghi nhận của PV, nhiều giáo viên dừng dạy thêm, giải tán lớp học, có giáo viên chuyển sang dạy ở các trung tâm có giấy phép hợp pháp.
![Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_114_51416142/71773174093ae064b92b.jpg)
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI
Giáo viên dừng dạy thêm
Trước Tết Ất Tỵ, cô MT, ở Gò Vấp đã đóng cửa lớp học thêm. Nhiều năm qua, cô T mở lớp dạy với khoảng 25-30 HS. HS theo học đa phần là lớp chính khóa.
“Dạy không thu tiền lấy chi phí đâu để trang trải tiền thuê nhà. Tôi biết, nghỉ dạy thêm sẽ giảm thu nhập hàng tháng nhưng vì an toàn nên vẫn phải dừng, theo dõi tình hình sao rồi tính tiếp” - cô T nói.
Trong khi đó, để tránh vi phạm quy định mới về dạy thêm, học thêm, một cô giáo ở Tân Bình quyết định chuyển lớp học thêm qua hình thức dạy trực tuyến.
“Đây là giải pháp tạm thời hiện nay, còn lâu dài tôi cũng chưa biết thế nào vì đa phần phụ huynh vẫn mong con được học trực tiếp hơn” - cô giáo này nói.
Là một giáo viên dạy giỏi và có tiếng nên các lớp học thêm của cô TP luôn đông HS tham gia. Khác với những giáo viên khác, HS của cô không phải là HS dạy chính khóa.
Tuy nhiên từ cuối tuần này, cô P sẽ chuyển toàn bộ HS của mình đang theo học tại nhà về dạy tại các trung tâm.
“Khi dạy tại nhà, tôi sẽ hưởng 100% học phí các em đóng. Mỗi tháng chỉ mất khoảng 2 triệu tiền thuế kinh doanh. Trong khi đó, chuyển HS qua trung tâm, tôi chỉ nhận được 80% nhưng vẫn phải chấp nhận. Bù lại phía trung tâm sẽ lo hết các vấn đề phòng cháy chữa cháy, đăng ký kinh doanh, hồ sơ, kế hoạch...” - cô P nói.
Là một giáo viên cấp 3 cũng tham gia dạy thêm, thầy TD cho biết HS theo học hầu hết không phải là học sinh chính khóa.
"Trong lớp chỉ có 1 vài em, tôi có dạy trên lớp. Do đó, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, tôi đang hỏi xem các em có muốn chuyển qua thầy cô giáo khác học không?"- thầy D nói.
Phụ huynh lo lắng
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, con gái chị Cù Thị Phương (Yên Mỹ, Hưng Yên) đi học thêm ba môn Toán, Văn và tiếng Anh ngoài trường, mỗi tuần một buổi với học phí 60.000-70.000 đồng/buổi, mỗi buổi từ 1,5-2 tiếng.
Tuy nhiên, từ sau kỳ nghỉ Tết, chị Phương cho biết các thầy cô đều đã ngừng dạy thêm cả ở trường và lớp bên ngoài.
“Đầu cấp học, tôi chưa đặt áp lực chuyện học thêm nhiều đối với con. Tuy nhiên, chương trình học với nhiều điểm mới nên tôi không muốn con chủ quan. Đặc biệt môn tiếng Anh, ở quê không có điều kiện như TP, cần học thêm bên ngoài mới tiến bộ. Tôi sợ từ giờ không đi học thêm, con sẽ ít môi trường để thực hành, dần dần thụt lùi” - chị Phương nói.
Cùng tâm trạng lo lắng, chị Minh Thư (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết hiện con trai lớp 9 vẫn đi học thêm ba buổi tại trường và ba buổi bên ngoài. Tuy nhiên, các thầy cô đã thông báo sau ngày 14-2 sẽ ngừng dạy.
“Năm nay là năm cuối cấp, thi cử theo chương trình mới, tôi không biết con tự học có ổn không?" - chị Thư nói.
Theo chị Thư, con trai chị và bạn bè đã thống nhất nếu không đi học thêm, các con vẫn tổ chức học nhóm tại nhà để có môi trường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau.
“Các con học nhóm để cùng ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10" - chị Thư cho hay.
![Học sinh đến lớp học thêm sau giờ học chính khóa. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_114_51416142/c43c823fba71532f0a60.jpg)
Học sinh đến lớp học thêm sau giờ học chính khóa. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trong khi đó, chị Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết con trai lớp 9 của chị vẫn đi học thêm và chưa có bất kỳ thông báo nào. Hiện, mỗi tuần con học thêm ngoài trường hai buổi Toán, hai buổi tiếng Anh và một buổi Văn. Trong đó, cô giáo dạy môn Văn cũng là cô giáo đang dạy chính khóa.
“Khả năng tự học của con tôi không cao. Cô giáo dạy Văn trên lớp dạy rất hay, con rất thích, tôi cũng tin tưởng. Nếu cô ngừng dạy, kiểu gì tôi cũng phải tìm lớp khác cho cháu, chỉ mong chất lượng dạy vẫn tốt như vậy” - chị Trang bộc bạch.
Trường học xoay sở sao khi không thu tiền?
Hiệu trưởng Trường THCS tại quận 11 chia sẻ trường thầy dạy 1 buổi. Nếu HS có nhu cầu ôn thi tuyển sinh chỉ có thể tổ chức vào buổi tối. Chiếu theo Thông tư 29, hoạt động này sẽ không thu tiền.
"Giáo viên phải đi dạy buổi tối lại không có thêm thu nhập cũng khó có thể tổ chức vì không biết lấy kinh phí từ đầu ra" - vị này nói và cho biết nếu có thể vẫn nên thu, nhưng quy định số tiết, số tiền được thu. Như vậy, các trường cũng dễ dàng quản lý hơn.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức, cho biết từ trước đến giờ, việc ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 cho HS được tổ chức miễn phí. Kinh phí do trường tự xoay sở trong khả năng cho phép.
![Một tiết học của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_114_51416142/e03fb83c8072692c3063.jpg)
Một tiết học của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Thầy Phạm Đức Bình, giáo viên dạy môn Lịch sử ở Hoài Đức, Hà Nội, đã thông báo với các lớp học thêm về việc ngừng dạy từ ngày 15-2.
“Các em theo học đều thuộc lớp 12 tôi dạy chính khóa ở trường. Theo quy định mới, tôi không được dạy thêm có thu tiền đối với các em nên phải ngừng dạy. Tuy nhiên, do các em chọn Sử làm môn thi tốt nghiệp THPT nên tôi vẫn phải tìm phương pháp, điều kiện để giúp các em ôn luyện, nắm chắc kiến thức trong những tháng cuối chạy nước rút” - thầy Bình bộc bạch.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thành Giáp, giáo viên môn Toán trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Hưng Yên) cho biết các giáo viên trong trường đã trao đổi thống nhất dạy không thu tiền đối với học sinh lớp 12 trong giai đoạn này.
Cũng theo thầy Giáp, nếu không học thêm tại trường hoặc tại nhà thầy cô giáo dạy chính khóa, HS gần như không còn lựa chọn nào khác bởi ở quê có rất ít trung tâm dạy thêm. Nếu có, học phí rất đắt, phụ huynh khó có thể cho con theo học.
Theo thầy Giáp, học thêm tại trường THPT Nguyễn Trung Ngạn có học phí 18.000 đồng/buổi, kéo dài 3 tiết. Để các thầy cô tham gia dạy thêm tại trường cho học sinh lớp 12 sau ngày 14-2 không thiệt thòi, lãnh đạo nhà trường cho biết đã lên kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch tài chính để có một phần trả lương cho giáo viên.
Chia sẻ với PLO, một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã có báo cáo, đề nghị tiếp tục duy trì công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 như trước đây và dừng thu tiền.
“Chỉ còn ít tháng nữa là đến kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách của các em. Các thầy cô đều biết rõ nếu ngừng dạy thêm, phần lớn các em sẽ phải tìm đến các trung tâm khác chứ cũng không ở nhà, việc thay đổi này có thể gây ảnh hưởng lớn đến quá trình ôn tập” - vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, cần tiếp tục có những hướng dẫn, nghiên cứu, tham mưu về việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, để từ năm sau, học sinh cuối cấp vẫn có đủ điều kiện, môi trường để ôn tập tốt và đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp cũng không bị thiệt thòi.
Sẽ thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 28/2024 quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.
Theo đó, thông tư quy định nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, gồm: việc thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10-2.