Xếp hạng đại học: Động lực để các trường hoàn thiện hơn

Năm 2025, Việt Nam có 9 trường đại học (ĐH) vào bảng xếp hạng ĐH THE 2025, nhiều hơn 3 trường so với năm 2024. Thông qua các bảng xếp hạng hàng đầu, các trường nhận được đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó xác định được những điểm mạnh và chưa mạnh để thúc đẩy, có mục tiêu, chiến lược, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của các hoạt động.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong lễ nhập học năm học 2024 - 2025. Ảnh: HMU.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong lễ nhập học năm học 2024 - 2025. Ảnh: HMU.

Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố kết quả xếp hạng ĐH thế giới 2025 theo lĩnh vực. Việt Nam có 9 đại diện, đông nhất từ trước đến nay với 6 ĐH và 3 trường ĐH. Điều bất ngờ là ngay trong lần đầu tiên góp mặt, ĐH Kinh tế TPHCM được xếp ở vị trí 501 - 600, cao nhất trong các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam. Tiếp đến là ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hạng 601 - 800. Cũng lần đầu tiên được xếp hạng, Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Mở TPHCM nằm trong nhóm 801 – 1.000 và 1.201-1.500, cao hơn hai ĐH Quốc gia, ĐH Huế và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cụ thể, lĩnh vực kinh tế, kinh doanh của ĐH Kinh tế TPHCM vào top 301+ và lĩnh vực khoa học xã hội vào tốp 501+ các ĐH trên thế giới, dẫn đầu các ĐH Việt Nam thuộc các lĩnh vực này. Trước đó, ngày 4/10/2023, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã chính thức chuyển đổi thành ĐH Kinh tế TPHCM. Tới cuối năm 2024, nhà trường đã có 19 chương trình đào tạo được kiểm định thành công theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế FIBAA (châu Âu). Định hướng sắp tới của ĐH Kinh tế TPHCM đó là mở rộng đào tạo các chương trình mới mang tính liên đa ngành, liên ngành, xuyên ngành như ArtTech, MarTech, FinTech, LogTech, Kinh doanh số, Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường, Phân tích dữ liệu… Đồng thời, các chương trình đào tạo mới gắn liền xu thế ở lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, thiết kế ứng dụng như Đô thị thông minh, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Robot và Trí tuệ nhân tạo…

GS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội (HMU) thông tin từ tháng 9/2024, THE đã xếp HMU ở vị trí 801 - 1.000 thế giới trong bảng xếp hạng chung. Tới năm nay, trường nằm trong nhóm 501 - 600 về khoa học sức khỏe. Lý giải kết quả này, ông Tú cho rằng từ năm 2021 đến tháng 9/2024, hàng năm trường có trung bình 400 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, tăng mạnh so với giai đoạn trước. Tổng cộng trường có hơn 52.000 trích dẫn từ các bài báo. Trong những năm gần đây, trường đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các ĐH và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, để sinh viên và giảng viên tiếp cận với các chương trình trao đổi học thuật và nghiên cứu tiên tiến.

Ông Tú cho biết trước đó, trường chưa chú trọng tham gia các bảng xếp hạng nhưng đã xuất hiện trong một số bảng xếp hạng như ShanghaiRanking, US News and World Report… do các tổ chức này xem xét nhiều chỉ số học thuật từ dữ liệu của bên thứ ba, không phải do trường cung cấp dữ liệu. Mục tiêu của trường đó là từ nay đến năm 2030 lọt vào nhóm 100 ĐH hàng đầu châu Á.

Cũng chung mục tiêu, chiến lược phát triển ĐH Kinh tế Quốc dân đã xác định mục tiêu đến năm 2030, nhà trường sẽ thuộc nhóm 100 trường ĐH tốt nhất châu Á trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế. Theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân, để làm được điều đó cần tập trung vào các định hướng phát triển đã được vạch ra để giữ vị thế của một ĐH trọng điểm, hàng đầu. Bởi theo phương pháp xếp hạng của các tổ chức xếp hạng ĐH uy tín hàng đầu trên thế giới, muốn có thứ hạng cao, các cơ sở giáo dục ĐH không chỉ bảo đảm phát triển toàn diện, mà còn phải khẳng định được vị thế dẫn dắt trong cộng đồng các trường ĐH.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bô Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, xếp hạng ĐH là tự nguyện và không bắt buộc đối với các trường. Thời gian qua, số lượng các trường tham gia xếp hạng gia tăng. Cùng đó, ngày càng có nhiều trường đăng ký tham gia kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục ĐH đối với các tổ chức kiểm định uy tín của nước ngoài. Qua đó cho thấy, tín hiệu tốt về việc hội nhập quốc tế của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Qua xếp hạng, kiểm định giúp các trường đối sánh cải tiến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và định vị được mình đang ở đâu trong bản đồ giáo dục ĐH thế giới. Đây là một trong những tác động tích cực đáng kể từ chính sách tự chủ ĐH.

Trước đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm, các cơ sở giáo dục ĐH nên tham gia xếp hạng ĐH bởi đây là sân chơi giúp các trường có khả năng đối sánh để biết mình mạnh, yếu ra sao và đang ở đâu so với các trường ĐH khác trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, cải tiến chất lượng, nâng cao vị thế.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xep-hang-dai-hoc-dong-luc-de-cac-truong-hoan-thien-hon-10299450.html
Zalo