Trường dừng dạy thêm, phụ huynh sấp ngửa tìm 'cửa' mới cho con học thêm
Ngay sau khi biết tin trường THCS nơi con học và lớp tại nhà thầy cô đều không tiếp tục dạy thêm, chị Nhung lập tức hỏi người quen, lên mạng tìm kiếm gia sư kèm con. 'Cháu học kém, sang năm thi vào 10 rồi, giờ không học thêm làm sao kịp', chị nói.
Chị Nhung có con học lớp 8 tại một trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội. Từ ngày 12/1, trường đã thông báo dừng các hoạt động dạy thêm theo quy định từ Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Lớp học nhóm của con chị ở nhà cô giáo cũng đóng, chưa biết khi nào mở lại.
Biết con vốn học yếu, khả năng tập trung và tự học không tốt, chị Nhung lên mạng tìm kiếm và nhờ bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu các thầy cô, trung tâm dạy thêm. Hiện tại, chị mới tìm được gia sư môn toán cho con nhưng họ chỉ dạy online vì nhà chị ở ngoại thành, cách trung tâm gần 20 km. “Trung tâm nói gia sư chỉ dạy trực tiếp tại 4 quận nội thành. Chi phí 150.000 đồng một buổi 1 tiếng 45 phút cho học online. Con tôi đã học được 2 buổi”, chị Nhung kể.
Trước đây, khi con tham gia nhóm học thêm tại nhà của giáo viên vốn dạy chính trong trường, mỗi tháng chị đóng khoảng 400.000 đồng/môn.
Hiện tại, chị muốn cho con học thêm 3 môn chính (Toán, Văn, Anh), mỗi môn 2 buổi/tuần, nếu thuê gia sư thì chi phí lên tới gần 4 triệu/tháng.
“Mức chi như vậy thực sự là một gánh nặng. Tôi đang hỏi khắp nơi để tìm nơi dạy có giá phải chăng hơn. Mới đây, tôi được giới thiệu một gia sư khác, chi phí thấp hơn, là 100.000 đồng/buổi và đang cho con học thử. Sau vài buổi, khi so sánh, nếu thấy lượng kiến thức và cách truyền đạt của hai gia sư không quá chênh lệch, tôi sẽ chọn người có chi phí thấp hơn để gia đình có thể theo được lâu dài”, chị Nhung nói.
Chị đã nghĩ tới một số phương án khác để duy trì cho con học thêm mà tiết kiệm chi phí như gom nhóm lớp rồi mời thầy cô về nhà dạy nhưng chưa được giáo viên nào nhận lời.
Chị Lê Phương Thảo (ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cậu con trai lớp 7 của chị cũng chuyển sang học kèm 1-1 tại nhà từ đầu học kỳ 2 tới nay với 2 môn Toán và Văn, chi phí lần lượt là 150.000 và 160.000 đồng/buổi. “Đó là mình chọn gia sư sinh viên, nếu chọn giáo viên qua trung tâm, học phí sẽ là 200.000 đồng/buổi”, chị Thảo nói.
Chị Thảo cho biết, học kỳ 1, con chị học thêm một tuần 3 buổi chiều tại trường và 3 buổi tối tại nhà cô giáo.
Từ học kỳ 2, con chị nghỉ tất cả các lớp học thêm ở trường và tại lớp bên ngoài của giáo viên trong trường. Tìm đến một trung tâm gia sư có tiếng tại Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị được tư vấn lựa chọn gia sư và con sẽ được học thử 2 buổi, nếu phụ huynh thấy không ổn có thể đổi người khác và không tính phí 2 buổi học đó.
“Thành thực mà nói mình không biết đánh giá thế nào là ổn hay không. Chỉ hỏi con học có hiểu bài, thấy hợp với cách giảng, dạy của gia sư hay không, chứ bố mẹ không thể ngồi giám sát hay căn cứ tiêu chí nào để đánh giá chất lượng gia sư. Như cô gia sư môn Văn, sau 2 buổi học đầu, con nói muốn học tiếp vì thấy cô dạy hay nhưng vài buổi sau, mình quan sát thì thấy hai cô trò học ít mà trêu đùa nhiều. Mình đã yêu cầu cô nghiêm khắc hơn với con nhưng chẳng biết cô có tiếp thu không. Nếu cô không thay đổi thái độ, cách dạy, có khi lại phải tìm gia sư khác”. Chị Thảo bộc bạch.
Mặc dù mất thời gian tìm gia sư, chi phí học cao hơn và vẫn lo lắng không biết con có phù hợp với người dạy mới, chị Thảo cho rằng, quy định hạn chế dạy thêm học thêm theo Thông tư mới của Bộ GD-ĐT có nhiều mặt tích cực.
“Tôi cho rằng giờ cấm dạy thêm tại trường và không cho phép giáo viên dạy thêm bên ngoài với học sinh của chính mình, tại các giờ học chính khóa, thầy cô sẽ chú tâm dạy hết kiến thức trên lớp hơn. Trước nay, một phần vì dạy thêm nhiều quá nên trên lớp có những giáo viên dạy qua loa, dành kiến thức mang về lớp dạy thêm và học sinh nào cũng phải đi học thêm. Giờ không còn các lớp ở trường hay ở nhà của giáo viên, học sinh có thể học thêm tốn kém hơn chút nhưng đúng nhu cầu. Cần củng cố hay nâng cao môn nào thì học môn đó. Có thể tự chọn giáo viên hay gia sư giỏi theo ý. Bạn nào tự giác, có mục tiêu rõ ràng có thể tự học”, chị Thảo nêu ý kiến.
Thầy Hữu Đông, vừa quản lý và dạy thêm tại một trung tâm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh phổ thông tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, từ thời điểm trước Tết và trong vài ngày của tuần đầu trở lại làm việc sau Tết, trung tâm đã nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn tư vấn chọn gia sư hay đăng ký lớp học thêm, đông nhất là các phụ huynh có con sức học yếu hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp.
Từng có hơn 10 năm là giáo viên trường công trước khi đứng ra mở trung tâm riêng, thầy Đông cho rằng, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT với những quy định cụ thể về trường hợp được hoặc không được dạy thêm chắc chắn sẽ gây nhiều dư luận trái chiều trong xã hội nhưng đó là một bước tiến tích cực của cơ quan quản lý giáo dục, giúp nhiều học sinh không phải đi học thêm tràn lan, có nhiều thời gian vui chơi giải trí và tự học hơn.
Theo ông Đông, các quy định này cũng có thể giúp giáo viên chuyên tâm hơn vào hướng đi cụ thể: tập trung cho việc dạy học sinh chính khóa, đàng hoàng đứng ra đăng ký tham gia dạy thêm và thu hút học sinh bằng chính năng lực, uy tín của mình, hoặc thậm chí nghỉ ở trường để ra ngoài dạy trung tâm hay tự mở lớp…
Thầy Xuân Phú, giáo viên Ngữ văn tại một trường THPT ở TPHCM cho rằng, nhu cầu cho con học thêm, bổ trợ kiến thức của phụ huynh là chính đáng và cần được quan tâm. Các quy định hạn chế việc dạy thêm, học thêm không giải quyết được những tiêu cực liên quan tới vấn đề này mà có thể càng gây ra vòng luẩn quẩn.
"Tôi cho rằng học thêm trong trường là uy tín, chi phí thấp và dễ quản lý nhất. Sau quy định cấm dạy thêm, đáng ngại nhất là giáo viên sẽ lách luật, đăng kí mở trung tâm, đưa học sinh lớp chính khóa của mình ra đó học rồi có thể kéo theo một số hệ lụy không tốt", thầy Phú nói.
Về việc nhiều cha mẹ vội vã tìm các trung tâm, gia sư để kèm con sau khi trường học và giáo viên dừng dạy thêm, thầy Phú cho rằng, phụ huynh nên bình tĩnh, nếu muốn cho con học thêm, cần cẩn trọng chọn cho con học ở các trung tâm, thầy cô đã được cấp phép, có uy tín.
"Học sinh không thể như vịt, muốn lùa đi đâu học thì lùa. Học là phải ổn định, phải tin tưởng và thích thú mới hiệu quả", thầy nói.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_23_51415018/476f844bbc05555b0c14.jpg)