Giáo viên dạy thêm không sai trái, quan trọng là chống tiêu cực
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết. Bên cạnh đó, có thể quy định để giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm.
Sáng 6/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Nội dung về dạy thêm, học thêm được nhiều đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận.
Nêu ý kiến góp ý về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho hay quan điểm của ngành giáo dục hiện nay là hạn chế dạy thêm, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, học tập tích cực.
Để không hợp pháp hóa dạy thêm tràn lan và vẫn ghi nhận thực tế nghề nghiệp, giữ được tính pháp lý, định hướng của đạo đức giáo dục, bà Ngọc đề nghị bổ sung quy định các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ đúng quy định của pháp luật được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp.
Để được coi là một phần hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng quy định pháp luật, không vụ lợi và tuân thủ các quy định quản lý về dạy thêm, học thêm hiện hành.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Ảnh: Media Quốc hội).
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, việc dự thảo quy định cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức có thể sẽ được hiểu gián tiếp, thừa nhận việc dạy thêm, học thêm.
Theo ông Tám đây là vấn đề được người dân quan tâm và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư 29/2024 về dạy thêm, học thêm. Nhưng có nhiều dư luận còn quan tâm.
Ông cho rằng nếu như thấy chương trình, lượng kiến thức trong chương trình mà cách dạy ở trường có thể giúp học sinh nắm ngay trên lớp hay về nhà chỉ cần học thêm bài cũ sẽ hiểu được bài thì không có nhu cầu học thêm.
"Như vậy có phải chương trình, lượng kiến thức trong chương trình nặng quá khiến học sinh không hiểu được hết và phải đi học thêm không?", ông Tám đặt vấn đề và đề nghị cần xem xét kỹ nội dung này.

Đại biểu Tô Văn Tám (Ảnh: Media Quốc hội).
Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu quan điểm cần nhìn nhận vấn đề học thêm phải xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh và phụ huynh chứ không hẳn tất cả quy việc giáo viên ép buộc trong vấn đề học thêm.
Bà cho hay nhiều con em vẫn tự nguyện ra trung tâm học thêm tiếng Anh, tự nguyện đi học thêm các môn văn hóa khác như âm nhạc, mỹ thuật, thậm chí các tiếng khác nên đây là nguyện vọng chính đáng.
Theo bà Thu, khi có nhu cầu của học sinh, gia đình thì giáo viên cũng mong muốn, nhu cầu có thêm thu nhập và họ chọn cách đi làm thêm là dạy thêm. Thu nhập của giáo viên ở đây hoàn toàn chính đáng, phù hợp.
Bà chỉ rõ sau 8 tiếng dạy ở trên lớp, ở trường, giáo viên hoàn toàn có thể bỏ công sức ra để dạy thêm.
"Việc các giáo viên từ bỏ thời gian cho gia đình để làm thêm công việc liên quan đến chuyên môn và mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập, tôi nghĩ không có gì sai trái cả. Còn điều quan trọng nhất là chúng ta cần chống là khía cạnh tiêu cực. Đó là việc lợi dụng chuyện này để ép buộc học sinh đi học thêm, khi đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác", bà Thu nêu rõ.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Ảnh: Media Quốc hội).
Bà Thu nhấn mạnh, bản thân không chấp nhận chuyện giáo viên ép buộc để dạy thêm và trục lợi từ dạy thêm. Nhưng rõ ràng, cần phải có một quy định làm sao để tổ chức các hoạt động này một cách chính thống như một loại hình dịch vụ khác và có nề nếp có quy định. Nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực.
Từ đó, bà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định của dự luật về những việc không được làm của nhà giáo từ "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức" thành "cấm tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật".
Bởi, theo đại biểu Thu, quy định không ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức đã được quy định trước đến nay song việc hạn chế dạy thêm, học thêm không đạt được hiệu quả.
Có rất nhiều hình thức không ép buộc nhưng học sinh vẫn phải học thêm bởi chương trình học hiện nay đang gây áp lực rất lớn cho học sinh, nhất là bậc tiểu học.
"Do vậy, việc luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết. Bên cạnh đó, có thể quy định để giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai như các trung tâm và xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí, không cần thiết", đại biểu Thu nói thêm.