Cần định danh rõ, bảo đảm quyền lợi và vị thế người thầy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 6/5, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: media Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: media Quốc hội

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế Nguyễn Thị Sửu đã có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo luật, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu hoàn thiện các quy định về định danh, quyền và nghĩa vụ nhà giáo, cũng như các chế độ đặc thù nhằm bảo vệ vị thế và phát huy vai trò của đội ngũ này trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, dự thảo hiện chưa có quy định cụ thể về khái niệm “nhà giáo”, trong khi thuật ngữ này lại được dùng làm nền tảng để xác định các chủ thể như giáo viên, giảng viên trong toàn bộ dự thảo luật. Tờ trình số 656 ngày 17/10/2024 từng nhấn mạnh “định danh nhà giáo” là một trong 5 chính sách quan trọng cần được xây dựng. Vì vậy, bà đề nghị ban soạn thảo (BST) cần bổ sung khái niệm “nhà giáo” vào Điều 4 để đảm bảo tính chặt chẽ và thuận lợi trong áp dụng thực tiễn.

Góp ý vào Điều 7, bà Sửu nhận định: Dự thảo mới chỉ quy định cụ thể các hoạt động nghề nghiệp như giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, trong khi các nội dung như “phục vụ cộng đồng” và “các hoạt động chuyên môn khác” lại chưa được làm rõ. Điều này dễ dẫn đến việc giáo viên bị giao các nhiệm vụ không phù hợp chuyên môn, làm ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng giảng dạy và hình ảnh người thầy. Bà đề xuất BST cần bổ sung hoặc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chi tiết các nội dung này.

Tại Điều 8, quy định hiện hành mới chỉ đề cập đến quyền lao động đối với nhà giáo ngoài công lập và người nước ngoài, trong khi một bộ phận không nhỏ giáo viên tại các cơ sở công lập đang làm việc theo chế độ hợp đồng hoặc chuyên gia cũng cần được bảo vệ quyền lợi tương ứng. Do đó, bà Sửu kiến nghị bổ sung nội dung: “Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về viên chức; nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập theo chế độ hợp đồng lao động, nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài thực hiện các quyền theo pháp luật về lao động”. Tương tự, cũng cần bổ sung các quy định liên quan đến những việc không được làm đối với nhà giáo công lập theo chế độ hợp đồng tại Điều 11 để bảo đảm sự đồng bộ, rõ ràng.

Đối với Điều 14, bà Nguyễn Thị Sửu nêu băn khoăn về việc cấm “người đang bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc” tham gia thi tuyển làm giáo viên. Theo bà, quy định này cần được rà soát lại để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, vốn chỉ áp dụng cho lứa tuổi từ 12 đến dưới 18. Trong khi đó, độ tuổi tuyển dụng viên chức là từ 18 trở lên. Việc quy định không khéo có thể gây mâu thuẫn pháp lý hoặc áp dụng sai đối tượng.

Tại Điều 15, bà đề nghị sửa nhan đề thành “Tiếp nhận vào làm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập”, đồng thời bổ sung cụm từ “vào làm nhà giáo” ở các khoản 1, 3, 4 để thống nhất cách diễn đạt và tránh hiểu sai bản chất quy định.

Về chính sách nghỉ hưu quy định tại Điều 28, bà Sửu kiến nghị không nên chỉ áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu cho riêng giáo viên mầm non. Bà cho rằng, giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT hiện nay cũng chịu nhiều áp lực và điều kiện làm việc không kém phần khắc nghiệt – từ việc giảng bài liên tục ảnh hưởng sức khỏe đến việc phải thích ứng nhanh với công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học. Vì thế, cần xem xét mở rộng chính sách để đảm bảo công bằng, hợp lý cho toàn bộ đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, xử lý vi phạm và quản lý nhà giáo.

Các chính sách nổi bật trong dự thảo tập trung vào việc định danh rõ ràng nhà giáo; chuẩn hóa chức danh, tiêu chuẩn nghề nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo chất lượng cao.

Một điểm mới đáng chú ý là định hướng trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Việc tuyển dụng phải gắn với thực hành sư phạm, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo từng cấp học, trình độ.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể việc điều động, biệt phái, phân công nhà giáo dạy liên trường, liên cấp tại cơ sở giáo dục công lập, tạo căn cứ pháp lý để ngành giáo dục bố trí nhân sự phù hợp thực tiễn.

Chính sách tiền lương được thiết kế theo hướng ưu tiên: Bảng lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp khác theo vùng, theo đặc thù công việc…

Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/can-dinh-danh-ro-bao-dam-quyen-loi-va-vi-the-nguoi-thay-153301.html
Zalo