Giáo viên dạy thêm không đăng ký kinh doanh sẽ đối diện với mức phạt thế nào?
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (áp dụng từ ngày 14/02/2025).
Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh từ 14/2/2025
Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường từ ngày 14/02/2025:
(1) Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
(2) Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
(3) Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
Như vậy, từ ngày 14/2/2025, việc dạy thêm ở ngoài trường phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Dạy thêm không đăng ký kinh doanh bị phạt thế nào?
Theo quy định hiện hành, từ ngày 14/02/2025, giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu phí bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo pháp luật.
Việc không tuân thủ có thể dẫn đến các mức phạt hành chính như sau:
Trường hợp dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký:
Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đối với tổ chức: Mức phạt gấp đôi, tức từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp nhưng không đăng ký:
Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bao gồm việc buộc phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp theo quy định.
Giáo viên nào được đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm?
Giáo viên ở khối ngoài công lập có thể tổ chức dạy thêm học thêm, có thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Những trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm
Điều 4 của Thông tư 29 nêu rõ những trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Cụ thể:
Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".
Như vậy, nếu bạn đang là giáo viên các trường công lập thì không bao giờ được phép tự tổ chức dạy thêm, do đó không thể đăng ký kinh doanh để dạy thêm.