Gắn thuyên chuyển với điều động nhà giáo công tác ở vùng khó khăn

Chỉ ra tình trạng có cô giáo 10-20 năm vẫn 'cắm bản', Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định về luân chuyển gắn với điều động giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà giáo (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 42. Ảnh: VPQH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà giáo (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 42. Ảnh: VPQH

Đảm bảo chỗ ở cho giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà nước thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao làm nhà giáo; thu hút nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị thực hiện quy định chính sách thuê nhà ở công vụ cho nhà giáo theo quy định của Luật Nhà ở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho giáo viên khi đến công tác tại khu vực khó khăn theo quy định.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điểm a khoản 2 Điều 26 Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, theo đó, nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ; bỏ tiêu chí “đủ các điều kiện thiết yếu” trong quy định về nhà ở tập thể của giáo viên.

Giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa sẽ được bố trí nhà ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ. Ảnh: giaoduc.net

Giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa sẽ được bố trí nhà ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ. Ảnh: giaoduc.net

Thảo luận tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, cần thiết có quy định về nhà ở đối với nhà giáo tới công tác tại vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn của các giáo và cũng là một điều kiện để có thể điều động giáo viên về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ băn khoăn về quy định trong trường hợp cơ sở, địa phương không bố trí được nhà công vụ cho giáo viên thì nhà giáo được hỗ trợ khoản cho thuê.

“Việc này chưa đáp ứng được thực chất vấn đề là chăm lo đời sống hay đảm bảo điều kiện cho giáo viên để người ta yên tâm giảng dạy tại những vùng khó khăn. Nếu chỉ hỗ trợ không thì giáo viên có khi dùng tiền hỗ trợ đó để làm những việc khác, không thể đảm bảo đời sống, đảm bảo ổn định sinh hoạt khi chưa đạt được mục tiêu này” - Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ và đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, có những ràng buộc để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho giáo viên tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược “phải làm kiểu như quân đội”

Dự thảo Luật cũng quy định, Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần gắn thuyên chuyển với điều động giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ảnh: VPQH

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần gắn thuyên chuyển với điều động giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ảnh: VPQH

Đề cập đến quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: “Nêu có vẻ đúng, nhưng đặt trường hợp nhiều nơi không đồng ý, lấy đủ lý do như đủ biên chế, không cần chuyên ngành đó, dẫn đến có tình trạng cô giáo 10 năm, 20 năm vẫn cắm bản. Lần này ta làm Luật Nhà giáo và sau này là Luật Giáo dục phải tháo cho được chỗ này”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, để “tháo” được, cần gắn thuyên chuyển với điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập. Tức là, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền điều động các giáo viên đã đủ 3 năm trở lên công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về những nơi có điều kiện khác hơn để thực hiện chính sách vượt trội với đối tượng này.

“Nếu không lại như cũ thôi! Kính thưa các bác là em xin mãi chả được. 10 năm, 20 năm rồi em vẫn cắm bản thôi” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời nhấn mạnh: “Phải làm như kiểu quân đội, điều đi anh phải đi, anh là công chức nhà nước cơ mà, còn không đi là nghỉ việc; ưu ái nhưng phải kỷ luật nghiêm minh”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế quy định cho rõ, trong trường hợp không thuyên chuyển được thì cơ quan nhà nước có quyền điều động từ miền ngược về miền xuôi, từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi để giáo viên được “gần nhà hơn 1 tí cũng được”, nếu không thì chẳng có chỗ nào để đi.

Phải tăng cường công tác quản lý nhà nước để tạo điều kiện thực hành chính sách vượt trội. Đây là một đối tượng cần có chính sách vượt trội thì cần có quy định rõ hơn” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, chính sách dành cho vùng dân tộc thiểu số và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở rất nhiều luật đã quy định.

“Chúng ta hay dùng cụm từ "ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện" nhưng không có gì cụ thể thêm sau đó. Giám sát của Hội đồng Dân tộc trong năm 2024 cho thấy, ngay cả tuyển dụng giáo viên hay luân chuyển giáo viên giữa vùng cao và vùng thấp của các tỉnh miền núi cũng có những khó khăn, do biên chế nằm trong khung giới hạn. Có nhiều giáo viên lên vùng cao ở 10 năm không về được” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu thực tế và đề nghị trong thẩm quyền Chính phủ phải có dự thảo nội dung kèm theo Dự thảo Luật để có cơ sở xác định các chính sách này thật sự hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung chính sách thu hút đối với nhà giáo dạy tiếng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.

NGUYÊN AN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/gan-thuyen-chuyen-voi-dieu-dong-nha-giao-cong-tac-o-vung-kho-khan-38090.html
Zalo