Giao thông tạo không gian phát triển
Từ những tuyến đường 'nhỏ' trong xóm, làng đến những tuyến đường trọng điểm của tỉnh đã và đang được xây dựng tạo nên hệ thống giao thông liên kết, thông suốt để đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Mặt khác với những tuyến đường đối ngoại liên tỉnh, liên vùng tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đến đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút khách du lịch đến Bình Thuận ngày càng nhiều hơn...
Giao thông thay đổi diện mạo vùng quê
Tôi về Hàm Thuận Bắc, huyện nhiều năm liền có phong trào làm giao thông nông thôn nằm trong “tốp” đầu của tỉnh. Xã nông thôn mới Hàm Liêm (được công nhận năm 2017), trong thời gian vừa qua xã liên tục nâng cao các tiêu chí để tiến tới đạt xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí cần đạt là giao thông nông thôn. Vì vậy một số tuyến đường nông thôn đang được thi công “chạy đua” với thời gian để kịp tiến độ cuối năm về nông thôn mới nâng cao. Ông Nguyễn Thanh Giang – Chủ tịch UBND xã Hàm Liêm cho biết: Từ năm 2016 - tháng 8/2024, trên địa bàn xã đã tổ chức thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng được 104 tuyến đường bê tông xi măng ở các thôn (theo cơ chế dân đóng góp 35%, Nhà nước hỗ trợ 65%), với chiều dài là 34.909 m, tổng kinh phí là 33, 884 tỷ đồng, trong đó phần huy động nhân dân đóng góp để thực hiện là 11,090 tỷ đồng. Đến nay, xã đã thực hiện cơ bản hoàn thành các nội dung theo quy định của tiêu chí số 2 về giao thông trong Bộ tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao...
![Đường ĐT. 719 đã góp phần kích cầu phát triển kinh tế các huyện phía nam tỉnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_416_35236114/e40152fc60b289ecd0a3.jpg)
Đường ĐT. 719 đã góp phần kích cầu phát triển kinh tế các huyện phía nam tỉnh.
Ở Măng Tố, xã có người đồng bào dân tộc thiểu số K’ho, Rắc – lây sinh sống là xã nghèo nhất nhì của huyện Tánh Linh. Trước đây hầu hết các tuyến đường trong xã đều là đường đất, mùa mưa sình lầy lội nên lưu thông từ xóm này qua xóm khác cũng gặp khó khăn, nhất là vào những vụ thu hoạch nông sản, việc vận chuyển về nhà hoặc đến đại lý bán vô cùng vất vả. Nhiều năm nay xã rất nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới, đến nay còn tiêu chí giao thông nông thôn nên cả hệ thống chính trị vào cuộc huy động dân đóng góp để kịp về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024. Bây giờ, hầu hết những con đường trong xã Măng Tố đã đổ bê tông, mỗi sớm mai thôn xóm rộn ràng người chở mủ cao su về bán cho tư thương, cho thấy sự thay đổi diện mạo nơi những vùng quê xa xôi của tỉnh.
![Đường Hàm Kiệm - Tiến Thành.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_416_35236114/bcb56c485e06b758ee17.jpg)
Đường Hàm Kiệm - Tiến Thành.
Ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã thực hơn 1.600/2.167,5 km đường giao thông nông thôn (GTNT) theo Đề án của tỉnh. GTNT không chỉ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn tạo nên diện mạo cho vùng nông thôn Bình Thuận “xanh sạch đẹp” và trù phú. Bây giờ không chỉ các xã ở gần đô thị có điều kiện phát triển kinh tế mà về các xã ở vùng sâu vùng xa như Măng Tố (Tánh Linh), Đa Kai (Đức Linh), Đông Giang, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) hay Phan Điền (Bắc Bình)... đi trên những tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy sâu vào cuối thôn, xóm nhìn những ngôi nhà mới xây của người dân do được mùa trúng giá mấy vụ lúa vừa qua hay có gia đình có lãi lớn từ hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sầu riêng, cao su... Cảm nhận được vùng quê Bình Thuận đang “thay da đổi thịt” hàng ngày.
Đến những tuyến huyết mạch mở không gian phát triển
Hôm lễ 30/4 và dịp lễ 2/9/2024, từng đoàn ô tô chở khách du lịch nối đuôi nhau từ tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rẽ qua Ba Bàu theo 2 tuyến đoạn Hàm Kiệm – Tiến Thành và đoạn đầu nối quốc lộ 1 của tuyến ĐT.719 B đến Tiến Thành đông nghẹt. 2 tuyến đường đến Tiến Thành chỉ dài khoảng 12 km nhưng như “dải lụa đào” vắt qua những triền đồi thoai thoải với những vườn thanh long chín mọng tạo thành bức tranh đẹp khiến nhiều du khách ngẩn ngơ. Một số xe gia đình về Tiến Thành du lịch đã dừng lại ven đường để check in khoe với bạn bè, người thân... Hệ thống giao thông đường bộ của Bình Thuận hiện có 4 tuyến quốc lộ dài 420 km, 27 tuyến tỉnh lộ dài 632,487 km và hơn 5.000 km tuyến đường huyện, xã, đường giao thông nông thôn, đường chuyên dùng cơ bản đáp ứng nhu cầu kết nối các địa phương với nhau, từ các xã vùng sâu đến trung tâm huyện, thị, thành phố cũng như giao thương với các vùng miền lân cận. Từ khi có 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Bình Thuận đã và đang đầu tư làm mới, nâng cấp các tuyến đường “xương sống” kết nối với cao tốc - quốc lộ 1 để liên kết các huyện, thị, thành và vùng miền như tuyến đường 719, Hàm Kiệm – Tiến Thành, nâng cấp đường ĐT. 714, đường vào sân bay Phan Thiết; Mở rộng quốc lộ 55 đoạn qua La Gi, Hàm Tân, nâng cấp quốc lộ 28 B nối Phan Thiết – Lương Sơn – Đà Lạt...
Với 3 tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành, ĐT. 719 và đoạn đầu tuyến ĐT. 719 B đã cho “trái ngọt” đầu mùa là “dẫn” được hàng triệu lượt khách đến các khu du lịch từ Tiến Thành đến Kê - Gà, Tân Thành – Dinh Thầy Thím... giúp tăng lượng khách du lịch góp phần cho ngành du lịch Bình Thuận phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid -19. Ở tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Hàm Tân có 2 điểm nối cao tốc - quốc lộ 55 - quốc lộ 1 - Hàm Tân - La Gi, ĐT. 720 - cao tốc - quốc lộ 1 - Hàm Tân đã tạo hiệu ứng thu hút hàng loạt nhà đầu tư vào phát triển các khu công nghiệp ở Sơn Mỹ và Tân Đức, Tân Nghĩa... Bên cạnh những tuyến đường đã hình thành, những tuyến đường đang hoàn thiện như Đ.T 719 B, Hòn Lan - Tân Hải và một số tuyến chuẩn bị khởi công như Tân Minh – Sơn Mỹ - quốc lộ 55 sẽ tạo cho các huyện, thị phía nam tỉnh thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược để phát triển mạnh công nghiệp, du lịch...
Việc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đường sá tạo kết nối đường ven biển ở các huyện, thị, thành và các huyện miền núi mở ra nhiều triển vọng thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận ngày càng bền vững...