Giao thông công cộng là then chốt trong chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh đô thị giúp giảm phát thải, trong đó giao thông công cộng là một trong những yếu tố quan trọng, giúp giảm 20% lượng khí thải toàn cầu.

Công cuộc chuyển đổi xanh của Đan Mạch đã bắt đầu vào đầu những năm 70 khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn. Sau quá trình chuyển đổi xanh đô thị, chất lượng sống của người dân Đan Mạch được cải thiện rất nhiều.

Các chuyên gia Đan Mạch cho rằng nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhất là trong cải thiện giao thông công cộng, Đan Mạch đã tạo nên một môi trường đô thị đáng sống.

Chất lượng sống ở Đan Mạch bây giờ đã rất tốt. Nhiều người đi xe đạp đi làm, thậm chí là đi bộ đến cơ quan làm việc. Đi làm và đưa đón trẻ em, cho phép trẻ em có thể thoải mái chơi trong thành phố. Đầu tư vào giao thông công cộng là một phương án dài hạn, giảm phương tiện cá nhân và tăng tỷ lệ người đi bộ. Như vậy, cần có những phương án về hạ tầng dành cho người đi bộ và phương tiện công cộng.

Bà Henriette Vamberg - Giám đốc điều hành Gehl Architects - Đan Mạch.

Tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, ô nhiễm môi trường từ giao thông đang ngày càng trở thành thách thức lớn. Do vậy, giao thông công cộng là một trong những giải pháp quan trọng trong giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường.

Với các đô thị lớn như Hà Nội thì quá trình chuyển đổi xanh bao gồm nhiều yếu tố và cũng cần phải có thời gian. Giao thông là một trong những vấn đề mà Hà Nội cần phải thay đổi và cải thiện. Nếu chúng ta muốn đẩy nhanh giai đoạn chuyển đổi bền vững thì chúng ta cần phải xem xét yếu tố này.

Bà Henriette Vamberg - Giám đốc điều hành Gehl Architects - Đan Mạch.

Để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, cùng với xây dựng vùng phát thải thấp, Hà Nội đã và đang đẩy nhanh xanh hóa hệ thống giao thông nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí độc hại khác ra môi trường.

Nhiều dự án đường sắt đô thị sau khi hoàn thiện đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để trở thành thành phố xanh, đáng sống thì yếu tố thuận tiện rất quan trọng. Do vậy, cơ sở hạ tầng và sự kết nối giữa các phương tiện giao thông rất cần thiết.

Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030.

Với tốc độ này, chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu cần thiết để tạo nên những không gian đáng sống, tăng cường khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai.

Thu Hòa

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/giao-thong-cong-cong-la-then-chot-trong-chuyen-doi-xanh-302736.htm
Zalo