Sáng kiến nâng cao hoạt động tác chiến cho không quân
Đại úy Tống Văn Vương, Trợ lý Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật là kỹ sư trẻ năng động, sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của Nhà máy A32, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ).
Từ khi về công tác tại Nhà máy đến nay, Tống Văn Vương đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài, sáng kiến có hàm lượng khoa học cao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Mới đây, sáng kiến “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo khối kiểm tra mặt đất H001-66 để kiểm tra, hiệu chỉnh tổ hợp Ш101ВЭП trên máy bay Su-30MK2” của anh được Hội đồng Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá xuất sắc.
![Đại úy Tống Văn Vương (giữa), Trợ lý Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật, Nhà máy A32 hướng dẫn thao tác khối kiểm tra mặt đất H001-66 cho các nhân viên kỹ thuật.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_16_51486697/fb029d34ae7a47241e6b.jpg)
Đại úy Tống Văn Vương (giữa), Trợ lý Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật, Nhà máy A32 hướng dẫn thao tác khối kiểm tra mặt đất H001-66 cho các nhân viên kỹ thuật.
Tổ hợp điều khiển vũ khí Ш101ВЭП được trang bị trên máy bay Su-30MK2 dùng để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến.
Trong quá trình khai thác, sử dụng, phải có thiết bị để kiểm tra khả năng làm việc của tổ hợp, phát hiện hỏng hóc. “Sáng kiến không chỉ có chi phí thấp hơn so với mua hàng ngoại nhập cùng loại hàng chục lần, mà với kích thước gọn nhẹ, dễ thao tác, lắp đặt và khai thác, sử dụng, bảo đảm quá trình kiểm tra, phát hiện hỏng hóc của tổ hợp Ш101ВЭП nhanh chóng và chính xác”, Đại úy Tống Văn Vương cho biết.
Cùng chung niềm đam mê sáng tạo, Thiếu tá Vũ Văn Minh, nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu hóa-vật liệu, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo xốp PU dùng trong thùng nhiên liệu máy bay Su-27, Su-30”. Xốp PU được sử dụng trong hệ thống nhiên liệu của các loại máy bay phản lực Su-27, Su-30, Yak-130... Theo yêu cầu của nhà sản xuất, các tấm xốp PU được cắt theo hình dạng, kích thước xác định và được lấp đầy trong các khoang của thùng nhiên liệu, có tác dụng cân bằng trọng tâm và giảm sự va đập giữa chất lỏng với chất khí và thành thùng nhiên liệu khi máy bay hoạt động.
Trước đây, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vật liệu xốp PU dùng trong thùng nhiên liệu máy bay, tuy nhiên, các tấm xốp này đều có kích thước nhỏ, độ bền cơ học thấp, khả năng chống chịu trong môi trường TC-1 và Jet A1 kém, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong thùng nhiên liệu máy bay.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá chi tiết, cụ thể những thành công cũng như hạn chế của các công trình nghiên cứu trước đó, Thiếu tá Vũ Văn Minh đã đưa ra những giải pháp cụ thể như tiến hành biến tính nguyên liệu đầu, thiết kế và chế tạo các trang thiết bị phù hợp với quá trình chế tạo xốp PU ở trong nước; xây dựng bộ chỉ tiêu đầy đủ cho sản phẩm... Đặc biệt, anh Minh đã nghiên cứu và làm chủ được phương pháp phá màng tế bào xốp PU bằng “nhiệt-áp”, một công nghệ mới mà hiện nay chưa có đơn vị nào trong nước thực hiện được.
Thiếu tá Vũ Văn Minh khẳng định: “Nhờ có những giải pháp công nghệ mới mà sản phẩm tạo ra có kích thước và các tính chất cơ lý bảo đảm theo yêu cầu, đặc biệt là khả năng chịu được môi trường nhiên liệu TC-1 và Jet A1 trong thời gian dài. Vì vậy, sau thời gian sử dụng trên máy bay, qua các lần kiểm tra định kỳ không phát hiện cặn, mùn, các đơn vị đều đánh giá sản phẩm tốt”.
Đây là 2 trong hàng chục đề tài, sáng kiến của cán bộ, sĩ quan trẻ Quân chủng PK-KQ, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội PK-KQ nói chung và lực lượng không quân nói riêng. Qua đó thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của những người lính canh trời.