Giáo sư ở Trung Quốc chia sẻ lợi ích từ 40.000km đường sắt tốc độ cao

Trung Quốc sở hữu mạng lưới đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới với hơn 40.000km. Trong đó, hơn 10 thành phố có mạng lưới đường sắt đô thị.

Chiều 20/2, trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) tổ chức tọa đàm kinh nghiệm trong phát triển vận tải và điều khiển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Trung Quốc.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH GTVT nhấn mạnh, giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) và đường sắt đô thị (ĐSĐT, Metro), đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH GTVT. Ảnh: N. Huyền

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH GTVT. Ảnh: N. Huyền

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu kết nối vùng ngày càng cao, việc xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững.

“Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực đường sắt với những thành tựu ấn tượng về quy hoạch, phát triển và quản lý khai thác hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Tọa đàm là cơ hội để trường ĐH GTVT học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia hàng đầu đến từ đại học Giao thông Bắc Kinh và Hiệp hội Đường sắt Đô thị Trung Quốc, đồng thời tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, từ đó làm rõ những luận cứ khoa học cho sự phát triển đường sắt tại Việt Nam”, PGS. TS Nguyễn Thành Chương nhấn mạnh.

 GS. Jiang Bo - Hiệp hội đường sắt đô thị Trung Quốc chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: N. Huyền

GS. Jiang Bo - Hiệp hội đường sắt đô thị Trung Quốc chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: N. Huyền

GS. Jiang Bo - Hiệp hội đường sắt đô thị Trung Quốc cho biết, hiện Trung Quốc sở hữu mạng lưới ĐSTĐC lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2024, Trung Quốc đã có hơn 40.000km ĐSTĐC. Trong đó có hơn 10 thành phố có tuyến ĐSĐT.

“Việc phát triển ĐSTĐC, ĐSĐT đã giúp Trung Quốc giải quyết tình trạng quá tải giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và nâng cao chất lượng giao thông công cộng”, GS. Wang Chao thông tin.

Ngoài ra, việc đưa vào khai thác các tuyến đường sắt tốc độ cao giúp giảm thời gian di chuyển, gia tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, có tuyến Bắc Kinh đi Thượng Hải, mỗi ngày đạt 400.000 lượt/ngày.

“Giá vé trung bình ở Trung Quốc chỉ khoảng 0,5 tệ/km, so với thu nhập bình quân của người dân là thấp nhất và hấp dẫn nhất”, GS. Wang Chao nói.

Cần xây dựng bộ kỹ thuật chung, đảm bảo tương thích giữa các tuyến metro

Từ thực tế mạng lưới ĐSĐT đang vận hành tại Việt Nam, trong đó có hệ thống Metro ở Hà Nội, TS Nguyễn Thị Hoài An, trường ĐHGTVT chỉ ra thực trạng khả năng vận hành liên thông do không đồng bộ về công nghệ (hệ thống tàu, đường ray… có sự khác biệt về thông số kỹ thuật) giữa các tuyến metro… Điều này khiến cho các tuyến ĐSĐT thiếu khả năng tích hợp dẫn đến khó khăn trong vận hành.

Đồng tình với nhận định này, các chuyên gia tại tọa đàm kiến nghị cơ quan chức năng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho metro Việt Nam để đảm bảo tương thích giữa các tuyến; thiết lập trung tâm điều hành tích hợp cho toàn bộ hệ thống metro, nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ để giảm phục thuộc vào nước ngoài đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực để vận hành hiệu quả hệ thống metro trong tương lai.

Trường ĐH GTVT đã hoàn thiện chương trình đào tạo tích hợp đường sắt hiện đại đồng thời tích cực hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, chia sẻ tri thức và tiến tới làm chủ công nghệ cốt lõi về đường sắt hiện đại.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-su-o-trung-quoc-chia-se-loi-ich-tu-40-000km-duong-sat-toc-do-cao-2373360.html
Zalo