Giáo dục văn học nghệ thuật góp phần định hình năng lực và nhân cách cho học sinh

Văn học nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục và phát triển nhân cách của học sinh. Không đơn thuần là những tác phẩm văn chương, văn học nghệ thuật là công cụ mạnh mẽ giúp hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực và nhân cách của thế hệ trẻ.

Câu lạc bộ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tái hiện trích đoạn tác phẩm văn học “Chiếc lược ngà” bằng hình thức kịch trên sân khấu.

Câu lạc bộ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tái hiện trích đoạn tác phẩm văn học “Chiếc lược ngà” bằng hình thức kịch trên sân khấu.

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực và nhân cách của học sinh trở thành một ưu tiên hàng đầu. Trong các trường học tại Yên Bái, văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, góp phần hình thành những giá trị nhân văn, tư duy sáng tạo và cảm xúc sâu sắc cho thế hệ trẻ, tạo nên một thế hệ học sinh giỏi về kiến thức, phong phú về tâm hồn, giàu tình cảm và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Phát triển năng lực và phẩm chất học sinh

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa "đức, trí, thể, mĩ”; dạy người, dạy chữ và dạy nghề...; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Quán triệt tinh thần đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; đồng thời, hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cùng những năng lực đặc thù: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ.

Có thể thấy, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục văn học giữ vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm, tư tưởng và hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, nhà trường bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực và ý thức trách nhiệm; đồng thời hình thành, phát triển các năng lực chung và hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

Đổi mới cách dạy môn ngữ văn

Giáo dục văn học nghệ thuật trong nhà trường hiện đang được thực hiện chủ yếu ở môn Ngữ văn - môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học là Tiếng Việt; ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản về tiếng Việt và văn học, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học.

Môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông đã tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và văn học nước ngoài với đa dạng thể loại, phong cách, xoay quanh các chủ đề: tình yêu nước, yêu quê hương; tình yêu con người, yêu thiên nhiên và giá trị văn hóa. Các tác phẩm mang đậm tính nhân văn, hướng đến giáo dục thẩm mĩ.

Bằng ngôn từ nghệ thuật, văn học phản ánh diện mạo phong phú của hiện thực qua mọi thời đại, nền văn hóa. Học văn học không chỉ là lĩnh hội tri thức mà còn là quá trình thanh lọc tâm hồn, hướng thiện, làm phong phú thế giới tinh thần người đọc. Từ vẻ đẹp nghệ thuật, học sinh nhận ra vẻ đẹp cuộc sống, hình thành lý tưởng thẩm mĩ và nhân cách thể hiện qua hành vi ứng xử đẹp.

Trong những năm qua, việc đổi mới mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong các trường học ở Yên Bái.

Từ chủ trương đổi mới cách dạy, cách học môn Ngữ văn, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và đặc biệt là cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn học sinh thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh bảo đảm nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh...

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Cùng với các tác phẩm văn học trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, một số tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu viết về quê hương Yên Bái được lựa chọn đưa vào chương trình Tài liệu giáo dục địa phương như: "Gửi em ở cuối sông Hồng” (Dương Soái), "Kỉ vật cuối cùng” (Hà Lâm Kỳ), "Ngang trời mây đỏ” (Ngọc Bái), "Thêu cả bốn mùa” (Lâm Quý), "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?” (Hoàng Hạnh)...

Thông qua các tác phẩm văn học, học sinh được tiếp xúc với những giá trị nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm nổi bật của văn học Việt Nam và thế giới, từ thơ ca đến tiểu thuyết đều mang trong mình những thông điệp về tình yêu quê hương, lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng. Chẳng hạn, tác phẩm "Gửi em ở cuối sông Hồng” của tác giả Dương Soái không chỉ phản ánh vẻ đẹp của quê hương mà còn khơi dậy tình yêu đất nước trong mỗi học sinh.

Qua việc phân tích và thảo luận về các tác phẩm này, học sinh không chỉ tiếp thu tri thức mà còn rèn luyện khả năng tư duy và cảm nhận, từ đó hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Nhờ đó, chương trình giáo dục địa phương thực sự đã có tác dụng lan tỏa vẻ đẹp tinh thần của mảnh đất và con người Yên Bái tới thế hệ trẻ, góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước trong công cuộc hội nhập ngày nay.

sáng tạo trong giáo dục văn học nghệ thuật

Giáo dục văn học nghệ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực thẩm mĩ của học sinh. Qua việc tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật, học sinh không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ mà còn phát triển khả năng tư duy hình tượng. Điều này không những giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống mà còn khuyến khích sự sáng tạo trong học tập và cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều trường học tổ chức các câu lạc bộ văn học nghệ thuật, tạo ra một không gian sáng tạo, giúp học sinh giao lưu, học hỏi lẫn nhau, khuyến khích các em tham gia các hoạt động thực hành, từ viết văn đến sáng tác nghệ thuật. Từ đó, chất lượng giáo dục nâng cao qua từng năm học.

Năm 2024, Yên Bái có số lượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia cao nhất từ trước đến nay với 40 giải, tăng 7 giải so với năm học trước; kết quả tốt nghiệp THPT đạt 99,4%; có 2 dự án nghiên cứu khoa học của học sinh đạt giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; có 1 dự án đạt giải Nhì, 1 dự án đạt giải Ba trong Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp quốc gia”...

Mặc dù giáo dục văn học nghệ thuật tại Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít thách thức. Cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy chưa đáp ứng nhu cầu; một số giáo viên vẫn còn thiếu chủ động trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Để khắc phục điều này, các giáo viên cần xây dựng kế hoạch bài học linh hoạt, chú trọng khuyến khích học sinh tự học và thực hành. Việc tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp học như tham quan, trải nghiệm thực tế sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động hơn.

Cùng với đó, nội dung giáo dục địa phương cần được lồng ghép vào chương trình học để giúp học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người nơi mình sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và giúp học sinh phát triển ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Công nghệ thông tin nên được áp dụng trong giảng dạy văn học nghệ thuật để tăng tính trực quan và sinh động.

Các thư viện số hóa và các hoạt động tương tác trực tuyến sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt, nhà trường cần kết nối với các nghệ nhân, nghệ sĩ địa phương để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế và học hỏi từ những người có kinh nghiệm.

Giáo dục văn học nghệ thuật vừa là một phần của chương trình học vừa là nền tảng để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực và nhân cách cho học sinh. Tại Yên Bái, việc chú trọng giáo dục văn học nghệ thuật đã và đang góp phần xây dựng một thế hệ trẻ không chỉ có tri thức mà còn có tâm hồn, nhân cách và trách nhiệm với cộng đồng. Trong thời gian tới, với sự đầu tư và đổi mới tích cực, giáo dục văn học nghệ thuật sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

Thanh Vy

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/350172/giao-duc-van-hoc-nghe-thuat-gop-phan-dinh-hinh-nang-luc-va-nhan-cach-cho-hoc-sinh.aspx
Zalo