Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Những ngày này, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), khắc sâu bài học về cội nguồn dân tộc.
Nhiều hoạt động thú vị được tổ chức nhân dịp Giỗ tổ
Trên sân trường THCS Nguyễn Văn Cừ, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, các em học sinh háo hức với các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy sạp, bịt mắt bắt dê được tổ chức nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Em Nguyễn Việt Hùng và em Trần Văn Bảo, học sinh lớp 8B, cho biết đây không chỉ là các trò chơi mà còn là hoạt động trong hành trình tìm hiểu về cội nguồn dân tộc .
“Qua chương trình em tự hào về truyền thống của dân tộc và cũng cho em thêm nhiều kiến thức về truyền thống. Em cảm thấy biết ơn về công lao dựng nước của Vua Hùng. Là một học sinh thì em cần học hành chăm chỉ để không phụ lòng thầy cô và cha mẹ và xứng danh với danh hiệu là Cháu ngoan Bác Hồ”
“Các bạn trình diễn rất hay và sôi nổi, vui vẻ và em thích nhất là buổi trình diễn về kịch truyền thuyết sự tích bánh chưng, bánh dày. Vở kịch đó rất là ý nghĩa và nhân văn mang lại nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử. Em cũng học được bài học là chúng ta cố gắng học tập tốt để có thể cố gắng xây dựng và góp phần trở thành công dân có ích cho xã hội.”

Các em học sinh vui háo hức với trò chơi ném còn
Ngay từ đầu tháng 3 âm lịch, thầy và trò trường THCS Nguyễn Văn Cừ, đã tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ để tham gia hoạt động ngoại khóa định kỳ. Với chủ đề “ Dòng máu Lạc Hồng” hoạt động ngoại khóa lần này hướng đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Cô Vũ Thị Thu Hằng, Tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân của trường chia sẻ: Không chỉ đơn thuần là một sinh hoạt, chúng tôi muốn học sinh cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của ngày giỗ tổ, để các em hiểu rằng lòng yêu nước không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua thái độ và hành động cụ thể.
“Ở hoạt động dòng máu Lạc Hồng, tổ đã hướng cho các em tìm hiểu những bài hát nói về thời kỳ mẹ Âu Cơ, Lạc Long quân và cho các bạn xây dựng hoạt cảnh vui nữa là “sự tích bánh chưng, bánh dày “của thời Vua Hùng, kể lại câu chuyện Vua Hùng đã truyền lại ngôi cho Lang Liêu, câu chuyện “Trăm trứng nở trăm con” với một hoạt cảnh múa. Từ những hoạt động này giúp các em tìm lại các trò chơi dân gian của các miền để xây dựng các hoạt động sôi nổi hơn”.
Để giúp học sinh tiếp cận lịch sử một cách sinh động, nhà trường cũng đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thời đại Hùng Vương, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các em được chia thành nhóm để trả lời các câu hỏi về lịch sử, văn hóa và truyền thuyết liên quan đến các Vua Hùng. Cùng với đó, các lớp còn chuẩn bị những tiết mục tái hiện các truyền thuyết nổi tiếng như: Sơn Tinh - Thủy Tinh; Sự tích bánh chưng, bánh dày… Từ đó giúp các em có cái nhìn trực quan và sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Em Nguyễn Hoàng Nam, học sinh lớp 8C, trường THCS Nguyễn Văn Cừ, hào hứng chia sẻ:
“Em đóng vai hoàng tử Đệ Nhị trong buổi kịch về truyền thuyết bánh chưng, bánh dày. Qua hoạt động này, em nhận ra được ý nghĩa là việc Vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu vì có tài, có đức, vừa có lòng hiếu thảo và sáng tạo trong lao động. Từ đó mà cũng đề cao được tinh thần sáng tạo trong lao động của người dân Việt Nam. Em cũng tự hào về truyền thống của dân tộc ta hơn”.

Hoạt cảnh " Sự tích bánh chưng, bánh dày" được các em thể hiện trong buổi sinh hoạt ngoại khóa
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, việc giảng dạy lịch sử cũng như giáo dục truyền thống của các trường hiện nay rất đa dạng. Ngoài cách thức truyền thống là đi lễ, dâng hương tại đền thờ tưởng niệm Vua Hùng, trong bối cảnh hiện đại có rất nhiều cách giúp học sinh thực hành để hiểu về cội nguồn của dân tộc:
“Giáo dục các em hướng về cội nguồn, biết về dòng máu Lạc Hồng và giáo dục cho các em sâu sắc về lòng biết ơn ông cha ta đã có công dựng nước và giữ nước và để các em thấy được bổn phận trách nhiệm xây dựng đất nước. Hoạt động giáo dục này trải dài xuyên suốt, tạo cho các em hưng phấn, vui chơi vui vẻ, tạo nên không khí tích cực khi các em đến trường”.
Thông qua các hoạt động ngoại khóa, với các hình thức tổ chức phong phú học sinh Đắk Lắk hiểu thêm về lịch sử và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn đối với cội nguồn dân tộc. Đây chính là những giá trị quan trọng giúp các em nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.