Giáo dục truyền thống qua công tác chăm sóc người có công

Thời gian qua, công tác chăm sóc người có công (NCC) với cách mạng được thành phố Biên Hòa quan tâm làm tốt.

Cán bộ Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa và phường Trung Dũng thăm, động viên và nghe thương binh hạng 1/4 Lê Hồng Thái kể chuyện. Ảnh:N.Hà

Cán bộ Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa và phường Trung Dũng thăm, động viên và nghe thương binh hạng 1/4 Lê Hồng Thái kể chuyện. Ảnh:N.Hà

Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay về lòng biết ơn với công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của những anh hùng liệt sĩ, gia đình NCC để có được hòa bình, độc lập…

Câu chuyện của những thương binh

Phó trưởng phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa Nguyễn Văn Đức cho biết: “Phần lớn NCC ở thành phố Biên Hòa còn sống đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Tổ quốc. Qua các cuộc thăm hỏi, động viên, chúng tôi được nghe kể nhiều về truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha ông trước đây. Từ đó, khơi đậy và giáo dục thế hệ trẻ hiểu rằng để có hòa bình, độc lập tự do đã phải đổi bằng máu xương của cha ông”.

Thương binh nặng 1/4 Lê Hồng Thái (77 tuổi) và vợ là thương binh 4/4 Phạm Thị Nga (70 tuổi), ngụ phường Trung Dũng, là một trong những gia đình NCC tiêu biểu. Ông Thái kể rằng, 17 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong ước góp sức nhỏ bé vào miền Nam chống Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương. Sau 5 tháng 17 ngày, chàng trai quê Ninh Bình có mặt và biên chế trong đội hình của Công trường 9 - Sư đoàn thép (Sư đoàn 9, Quân đoàn 34 ngày nay).

Theo Phòng NCC (Sở Nội vụ), Đồng Nai hiện có hơn 56 ngàn NCC với cách mạng. Trong đó có trên 11 ngàn NCC đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Qua báo cáo của 11 địa phương trong tỉnh, NCC đều có mức sống bằng hoặc cao hơn dân cư khu vực cùng sinh sống; 19 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng.

“Trải qua nhiều trận đánh cam go, tôi bị địch bắt đày ra nhà lao Phú Quốc 4 năm 9 tháng và được trao trả tù binh sau Hiệp định Paris năm 1973, lúc đó tôi còn 37kg” - ông Thái kể.

Nói về mối lương duyên với vợ, ông kể: “Chúng tôi gặp nhau trong lần tôi được đưa ra điều dưỡng ở phía Bắc. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là kỷ niệm tròn 50 năm ngày cưới của chúng tôi. Tôi đã làm thơ, viết văn dạy con cháu dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy nếp nhà, nêu gương truyền thống cách mạng mà cha mẹ chúng cùng thế hệ cha ông đã cống hiến”…

Hay như câu chuyện của thương binh hạng 1/4, cựu chiến binh Hồ Thanh Phong, 82 tuổi, ngụ phường Quang Vinh. Hoạt động trong lực lượng biệt động thành từ tháng 2-1963 đến tháng 11-1964, ông được chuyển về Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (Quân đoàn 34 ngày nay). Năm 1966, trong một trận chiến đấu ác liệt với một đơn vị của địch, ông bị trúng đạn, bể bàn chân trái, gãy cánh tay phải, ngất đi và được đưa cấp cứu nhưng khi tỉnh dậy, ông vẫn tình nguyện về tuyến đầu để chiến đấu…

Chăm lo tốt cho người có công

Phó trưởng phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa Nguyễn Văn Đức cho hay, toàn thành phố hiện có hơn 4 ngàn trường hợp NCC đang hưởng trợ cấp thường xuyên. Trong đó có 1 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 3 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.785 thương binh và nhiều thân nhân liệt sĩ…

“Mỗi thương binh, bệnh binh, gia đình cách mạng là một nhân chứng sống về những câu chuyện xúc động của một thời đạn bom khói lửa. Các gia đình NCC không ở gần nhau nhưng mỗi dịp đến thăm hỏi, động viên, chúng tôi lại được nghe nhiều câu chuyện từ chính các cô, chú, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể lại vô cùng xúc động. Đây chính là những bài học bổ ích, góp sức to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay. Vì vậy, tiếp tục chăm lo gia đình chính sách, NCC là trách nhiệm, bổn phận, đồng thời là nghĩa vụ của thế hệ hôm nay” - ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, thành phố đã thống kê, trong số hơn 1,7 ngàn thương binh, còn rất nhiều trường hợp minh mẫn, nhớ rất kỹ về thời gian, từng trận đánh đã tham gia. Vì thế, Phòng Nội vụ, tổ chức Đoàn Thanh niên và các địa phương thường tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, nhất là những trường hợp neo đơn, không nơi nương tựa. Hoạt động này giúp thế hệ hôm nay ghi nhận những câu chuyện ý nghĩa và mời các trường hợp còn minh mẫn để giáo dục truyền thống trong các ngày lễ kỷ niệm như ngày thành lập Đảng, thành lập Đoàn, thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tuyển quân…

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/giao-duc-truyen-thong-qua-cong-tac-cham-soc-nguoi-co-cong-79a4795/
Zalo