Người đi, hòa bình ở lại

Đất nước của chúng ta mới chỉ đang bước sang năm thứ 50 của những ngày hòa bình, độc lập mà tôi ngỡ chiến tranh đã là câu chuyện xa xưa lắm rồi. Tôi sinh ra khi bom đạn đã lặng im hơn hai thập kỷ, lớn lên giữa một miền quê nghèo nhưng yên bình, nơi có con đường đất đỏ rợp bóng tre xanh và tiếng cười trẻ thơ vang vọng mỗi buổi tan trường.

Chiến tranh chỉ còn được biết đến qua sách báo, qua những ký ức đang mờ dần theo thời gian của những cao niên trong làng năm ấy từng đi qua thời kỳ hoa lửa. Không có tiếng súng, không hầm trú ẩn, không cảnh chia ly. Hòa bình đẹp đến mức đôi khi tôi tự hỏi: Liệu chiến tranh có thật? Và rồi tôi lại ước, giá như nó chưa từng diễn ra.

Một khung ảnh trống

Tôi đã từng nghĩ hòa bình là điều mặc định. Thế nhưng, ngay chính trong nhà mình, có một chi tiết nhắc nhớ tôi, hòa bình chưa bao giờ là điều sẵn có. Đó là một khung ảnh trên ban thờ tổ tiên.

Những khung ảnh không có ảnh liệt sĩ.

Những khung ảnh không có ảnh liệt sĩ.

Một khung ảnh không có hình người. Bên trong khung ảnh gỗ cũ chỉ là tờ giấy trắng với mấy dòng chữ: Liệt sĩ Lê Đình Vĩnh, hy sinh năm 1968. Vỏn vẹn chỉ 8 chữ và 1 con số vậy thôi mà sắc hơn cả dao cứa vào trái tim bà cố tôi mỗi ngày. Ông chú mất năm 1968 nhưng hơn một năm sau giấy báo tử mới về đến nhà và chỉ vài tháng sau khi nhận được hung tin đó bà cố đã chẳng thể chịu được nỗi đau mà mất năm 1970. Cả hai ra đi khi chẳng kịp chứng kiến những ngày tháng đất nước hòa bình.

Bà cố chỉ có duy nhất mình ông chú tôi là con đẻ, nhà ông nội tôi nghèo chẳng đủ ăn nên bà nhận ông tôi làm con nuôi. Năm 1995 bà cố được nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ tôi kể, ông tôi nhận tấm bằng khen mới tinh nhưng cứ lau đi lau lại mãi lớp kính bên ngoài, càng lau chữ càng mờ nhoẹt đi trong mắt ông. Hòa bình rồi mẹ với em có biết không, câu nói của ông ngày hôm ấy làm cả nhà òa lên nức nở.

Ông chú tôi từng đi lính và được xuất ngũ trở về quê, sau đó một thời gian ông chú lại tiếp tục xung phong tái ngũ lên đường đi B và hy sinh trong một trận đánh tại Gio Linh, Quảng Trị. Ông chú ra đi khi chưa kịp để lại một bức ảnh cho gia đình. Không có khuôn mặt, không nụ cười, không ánh mắt để thế hệ sau như tôi được biết, nhớ và khắc ghi vào ký ức. Ông tôi kể rằng ngày ấy nghèo lắm, chẳng có máy ảnh, chẳng ai nghĩ đến việc giữ lại một bức chân dung. Ông chú đi và rồi… mãi mãi không trở về.

Nhiều năm sau ngày hòa bình gia đình tôi mới có thông tin chú được chôn cất ở nghĩa trang Gio Linh (Quảng trị). Ông tôi khi đó đã cao tuổi chẳng thể đi xa để trực tiếp đến bên mộ phần của đứa em thắp nén nhang. Gia đình tôi có mong muốn được đón ông chú về quê nhà để tiện đường hương khói, nhưng đêm đó ông chú về trong giấc mơ ông tôi và dặn, anh để em lại với đồng đội thôi, em mà về thì đồng đội em buồn lắm.

Hắn dặn có rứa rồi đi luôn, tau vẫn chẳng kịp hỏi, hòa bình rồi nó có biết không? Ông tôi lại òa khóc.

Trong hình hài Tổ quốc

Và thế là, cái khung trống ấy trở thành một phần rất thật trong tuổi thơ tôi. Đó là phần ký ức đầu tiên vừa xa xôi, vừa gần gũi, vừa khiến tôi tò mò, vừa khiến tôi thấy thiêng liêng đến lạ về chiến tranh và hòa bình.

Tôi lớn lên với một sự thật rằng, có những người rời đi không để lại gì cho riêng mình nhưng để lại cho thế hệ sau một đất nước nguyên vẹn, một hòa bình trọn vẹn. Và hòa bình, chính là chân dung đẹp nhất của những người không kịp lưu lại hình hài như ông chú tôi.

Tôi chưa từng được thấy mặt ông chú, chưa từng nghe giọng nói hay nắm tay ông chú một lần trong đời. Nhưng mỗi khi nhắm mắt tưởng tượng, tôi lại thấy ông chú giữa cánh đồng quê thơm mùi hương lúa. Ông chú tôi đứng đó trong màu áo bạc phếch của người lính, tay cầm súng, ánh mắt nhìn xa xăm nhưng không phải về phía chiến trường, mà là nhìn về tương lai của những đứa trẻ như tôi. Chúng tôi được sống, được lớn lên, được học hành và được yêu thương dưới vòm trời của một đất nước độc lập, tự do.

Khung ảnh không chân dung tưởng như là một mất mát nhưng có lẽ lại chính là bức hình đầy đủ nhất về giá trị của hòa bình để tôi mãi khắc ghi và trân trọng. Không có những người đã nằm xuống như ông chú, thì tôi sẽ chẳng bao giờ được ngồi đây viết về hòa bình ngày hôm nay.

Tôi không có ảnh của ông chú, nhưng trong tâm trí mình, tôi luôn thấy ông đứng đó trong dáng hình của Tổ quốc ngày hòa bình. Một người lính không khuôn mặt, nhưng có trái tim. Một người ông không về, nhưng để lại một đất nước nguyên vẹn.

Viết tiếp những tháng ngày tự do

Nhiều người lo lắng lớp trẻ chúng tôi, chưa từng cầm súng, chưa từng đối mặt với cái chết thì không hiểu được chiến tranh và trân quý giá trị của hòa bình. Nhưng có vẻ những suy tư ấy là thừa, bởi hiểu không chỉ là trải qua, mà còn là biết trân trọng, biết nhớ để rồi sống sao cho xứng đáng.

Làm sao chúng tôi có thể quên và được phép quên chiến tranh. Bởi, Hòa bình là máu, là nước mắt của những bà mẹ tiễn con đi mà không một lời hứa hẹn ngày về như bà cố tôi. Của những người lính mãi nằm lại trong lòng đất mẹ ở độ tuổi xuân xanh như ông chú tôi. Hòa bình có bao giờ là điều hiển nhiên.

Tôi tin, khi mỗi người trẻ hiểu rằng mình đang sống một cuộc đời mà bao người đã ngã xuống để bảo vệ, thì hòa bình ấy sẽ còn mãi. Trên từng bước chân, trong từng giấc mơ, và trong từng nhịp đập thầm lặng của đất nước này. Và còn bởi vì, hòa bình thực sự đẹp lắm!

Lê Đình Trung

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/nguoi-di-hoa-binh-o-lai-i767704/
Zalo