Giáo dục quyền con người cho học sinh cần sự chung tay của toàn xã hội
Trong kỷ nguyên mới, việc giáo dục quyền con người cho học sinh càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Hội thảo do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phối hợp Học viện Cảnh sát Nhân dân tổ chức. Ảnh: LNH
Chiều 12- 5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp Học viện Cảnh sát Nhân dân tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Hội thảo nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng khoa học với hơn 170 bài viết. Các bài viết tập trung vào ba nhóm vấn đề gồm: Lý luận về quyền con người; thực trạng giáo dục quyền con người trong nhà trường Việt Nam hiện nay; định hướng, giải pháp, nội dung giảng dạy quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên. Ảnh: LNH
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo dục quyền con người trong việc xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, đồng thời khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề này.
Đặc biệt, Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 1-1-2025 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định: “Chương trình giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân”.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: LNH
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề giáo dục quyền con người; khơi gợi nhiều giải pháp, định hướng về vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về vấn đề giáo dục quyền con người trong kỷ nguyên vươn mới; Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành khoa học giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên trình bày vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển toàn diện con người cùng cách tiếp cận mới về giáo dục quyền con người trong bối cảnh hiện nay...

Các tham luận tập trung phân tích về lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quyền con người trong nhà trường. Ảnh: LNH
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tham luận về xây dựng nền giáo dục nhân văn gắn với quyền con người trong quá trình phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Phúc - Trưởng khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân có những chia sẻ sâu sắc về những giải pháp thúc đẩy việc nghiên cứu quyền con người tại các trường đại học…
Về phía các nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội làm rõ hơn thực trạng giáo dục quyền con người hiện nay, đồng thời chỉ ra vai trò quan trọng của gia đình, cộng đồng trong giáo dục quyền con người cho học sinh.
Ở góc độ trường phổ thông, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục quyền con người cho học sinh, trong đó nhấn mạnh tới các giải pháp tạo môi trường học tập và sinh hoạt tôn trọng quyền con người.
Các tham luận tập trung phân tích sâu sắc về lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quyền con người trong các nhà trường.
Hội thảo cũng thống nhất nhận định, giáo dục quyền con người không chỉ là một môn học mà là một quá trình thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ vào nhận thức và hành vi mỗi cá nhân; giáo dục quyền con người là nền tảng để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ và nhân văn.
Trong kỷ nguyên mới, việc giáo dục quyền con người cho học sinh càng trở nên cấp thiết; đây không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.