Giáo dục nghề nghiệp vùng cao: 'Đau đầu' tìm hướng đi

Công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn không ít khó khăn...

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên nghiên cứu mô hình bộ ly hợp dẫn động thủy lực trên ô tô. Ảnh: Hoàng Hảo

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên nghiên cứu mô hình bộ ly hợp dẫn động thủy lực trên ô tô. Ảnh: Hoàng Hảo

Dù đã đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, nhưng công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn không ít khó khăn. Nhiều đơn vị không đạt chỉ tiêu tuyển sinh như kế hoạch đề ra.

Nhiều rào cản

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, nhiều năm liên tiếp, tỷ lệ thí sinh nhập học hệ cao đẳng chỉ đạt khoảng 70 - 80%. Ông Trần Bá Uẩn - Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Tình trạng khó tuyển sinh đã diễn ra nhiều năm.

Dù đội ngũ cán bộ, giảng viên đã nỗ lực tuyên truyền, vận động học sinh, nhưng không đạt chỉ tiêu được tỉnh giao. Nhiều ngành, nghề khó tuyển học viên như: Quản lý đất đai, lâm nghiệp, chăn nuôi, tài chính - ngân hàng, khoa học cây trồng.

Theo ông Uẩn, nguyên nhân chính là ngày càng nhiều trường đại học, cao đẳng thành lập, trong khi Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho phép mỗi trường đại học có tới 5 - 6 phương thức xét tuyển, thí sinh được đăng ký “n” nguyện vọng, nên khó để trượt đại học. Thêm vào đó, nhiều trường dân lập hạ thấp điểm xét tuyển để đảm bảo chỉ tiêu.

Một trong những nguyên nhân khiến Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tuyển không đủ chỉ tiêu được ông Đoàn Thanh Quỳnh - Hiệu trưởng lý giải: Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nghề còn ít, cơ hội việc làm hạn chế, khiến nhiều thanh niên không mặn mà học nghề để lập nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của tỉnh miền núi khiến đời sống người dân khó khăn. Do đó, phần lớn học sinh sau THPT lựa chọn đi làm thuê tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để có thu nhập thay vì tiếp tục học nghề.

Chị Lường Thị Hoa - cựu sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên chia sẻ: “Vừa tốt nghiệp THPT, nhận thấy học lực và điều kiện kinh tế gia đình không tốt, tôi quyết định học kế toán tại Điện Biên. Học cao đẳng tại địa phương giúp tôi tiết kiệm chi phí, thời gian đào tạo ngắn hơn đại học nên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm”.

Dù đã tìm được công việc đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp, chị Hoa cho biết khi quyết định học cao đẳng tại Điện Biên, chị không nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ. Theo chị, định kiến xã hội “học nghề là thất bại” khiến nhiều phụ huynh chỉ chuộng bằng cấp, muốn con học đại học dù điều kiện không cho phép. Đây là một trong những rào cản lớn khiến công tác tuyển sinh vào các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề gặp nhiều khó khăn.

 Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tham gia hướng nghiệp cho học sinh tại Hội chợ việc làm huyện Nậm Pồ năm 2025. Ảnh: Minh Đức

Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tham gia hướng nghiệp cho học sinh tại Hội chợ việc làm huyện Nậm Pồ năm 2025. Ảnh: Minh Đức

Tìm hướng tháo gỡ

Trước thực trạng này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Điện Biên triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh thông qua hệ thống trường học, chính quyền, đoàn thể; phát tờ rơi; tăng cường thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Năm 2025, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên được giao tuyển sinh 255 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 450 chỉ tiêu trung cấp, 1.600 chỉ tiêu sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

Ông Đoàn Thanh Quỳnh cho biết: Ngoài nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển xã hội, nhà trường còn xây dựng kế hoạch phát triển thành trường nghề trọng điểm, đào tạo nghề chất lượng cao cho tỉnh.

Đặc biệt, trường thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như các trường THCS, THPT trên địa bàn để tổ chức chương trình đào tạo, tuyển sinh, tuyển dụng cho học sinh. Đồng thời, xây dựng chương trình, giáo trình học phù hợp để sinh viên có thể tự tin hành nghề ngay sau tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên thì tổ chức tuyển sinh và nhập học thành nhiều đợt trong năm, đồng thời mở một số ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu thị trường như: Bán hàng trong siêu thị, chăn nuôi - thú y, nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn. Một số nghề đào tạo trình độ sơ cấp đáp ứng thị hiếu cũng được đưa vào đào tạo như: Trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật vẽ móng, tạo mẫu tóc, pha chế đồ uống.

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nỗ lực đổi mới từ phía các trường nghề thì chưa đủ. Để “kéo” người học, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, ngành. Chính quyền và các đoàn thể địa phương cần điều tra, nắm bắt thực tế học sinh trên từng địa bàn để xây dựng chính sách khuyến khích phù hợp.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh cần thực hiện thường xuyên, liên tục để học sinh nhận thức được học nghề là con đường khả thi để lập thân, lập nghiệp. Về phía gia đình, phụ huynh cần lắng nghe, tôn trọng nguyện vọng của con em trong việc lựa chọn ngành nghề.

Tuy đạt những kết quả nhất định, song các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Điện Biên vẫn “đau đầu” tìm hướng đi hiệu quả trong công tác tuyển sinh, dù cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giảng viên đã cải thiện đáng kể.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-nghe-nghiep-vung-cao-dau-dau-tim-huong-di-post728669.html
Zalo