Giành lại thị phần, Vinamilk (VNM) dự báo lãi ròng năm nay tiến sát mốc 9.000 tỷ đồng
Trong quý 3 vừa qua, biên lãi gộp của Vinamilk (cổ phiếu VNM) đã lên mức cao nhất kể từ quý 4/2021. Ban lãnh đạo Vinamilk hiện kỳ vọng mức biên lãi gộp cao như này sẽ duy trì ít nhất 2 quý nữa và lãi ròng cả năm nay ước tăng 3% so với năm 2022.
Giành lại thị phần trong bối cảnh tiêu dùng yếu
Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ cho biết, doanh số các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; riêng trong quý 3/2023, doanh số đã giảm tới 4% so với quý 3/2022. Điều này đã tác động đến doanh số thị trường trong nước của các doanh nghiệp sữa.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 3/2023 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) cho thấy doanh thu nội địa của hãng sữa này khả quan hơn so với thị trường chung. Doanh thu từ sữa trên thị trường nội địa của Vinamilk giảm 4% so với quý 3/2022 nhưng tăng 11% so với quý 2/2023.
Đáng chú ý, theo SSI Research, Vinamilk đã giành lại 2% thị phần trong nước so với đầu năm nay, nhờ sự tăng trưởng ở mảng thế mạnh như sữa đặc, sữa nước, sữa chua uống, kết hợp với các chương trình quảng cáo mới và nỗ lực thay đổi nhận diện thương hiệu.
Một số SKU tiêu biểu của Vinamilk trong quý 3/2023 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất như: sữa tươi Green Farm (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước) và sữa SuperNut (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước) mặc dù tỷ trọng đóng góp vào doanh thu vẫn chưa được cao.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, Vinamilk là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn.
Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, kết quả tốt ở mảng sữa đặc và các sản phẩm sữa công thức dành cho người lớn trong 9 tháng đầu năm 2023 (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước) là nhờ các chiến dịch truyền thông thành công.
Doanh thu của Mộc Châu Milk (công ty thành viên của Vinamilk) chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, khả quan hơn so với mức trung bình ngành. Mức tăng trưởng âm của Mộc Châu Milk chủ yếu do sức mua ở khu vực Tây Nguyên yếu hơn kỳ vọng và mức nền cao của quý 3/2022.
Trong khi đó, Vinamilk ghi nhận tăng trưởng hai chữ số tại kênh khách hàng lớn, kênh thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ của công ty. Tính đến cuối quý 3/2023, doanh nghiệp sữa này vận hành 657 cửa hàng bán lẻ (tăng 11 cửa hàng so với đầu năm) và Mộc Châu Milk vận hành 67 cửa hàng (tăng 14 cửa hàng so với đầu năm). Kênh thương mại truyền thống có mức giảm 3-4% so với quý 3/2022, tương đương với mức giảm toàn ngành.
Kỳ vọng biên lãi gộp duy trì ở mức cao trong ít nhất 2 quý nữa
Trong quý 3/2023, mức biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt 41,9%, tăng 243 điểm cơ bản so với quý 3/2022 và tăng 140 điểm cơ bản so với quý 2/2023 - chạm mức cao nhất kể từ quý 4/2021. Sự cải thiện rõ rệt trong biên lợi nhuận gộp chủ yếu đến từ việc sữa bột nguyên liệu nhập khẩu giảm.
Trong tháng 10/2023, giá sữa bột nguyên chất và sữa bột gầy trên thị trường thế giới lần lượt giảm 18% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá đường trong nước vẫn neo ở mức cao, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 10/2023, Vinamilk đã ký hợp đồng mới chốt giá sữa bột nguyên liệu đến hết quý 1/2024. Ban lãnh đạo Vinamilk kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ duy trì ở mức cao như trong quý 3/2023 trong ít nhất hai quý tới.
Về triển vọng kinh doanh, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, quý 4 thường là quý thấp điểm của công ty, cộng với bất lợi về thời tiết có thể làm giảm doanh thu ở miền Bắc và miền Trung, nhưng công ty cũng có thể làm nhiều hoạt động khuyến mãi hơn để thúc đẩy doanh số tại thị trường trong nước.
Đối với xuất khẩu, Vinamilk đặt kỳ vọng vào tăng trưởng của sữa đặc và sữa chua tại thị trường Trung Quốc thông qua hợp tác với hai nhà phân phối hàng đầu tại đây.
Ban lãnh đạo Vinamilk dự kiến mức lãi ròng năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 3% so với năm 2022 (đạt khoảng 8.900 tỷ đồng), cao hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra đầu năm (tăng trưởng 0,5%).
Về chiến lược kinh doanh, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết đang tiếp tục thay đổi bao bì mới cho danh mục sản phẩm, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024. Sau chiến dịch thay đổi nhận diện, công ty nhắm tới các chiến dịch khác như giảm số lượng SKU, mở ra cách thức sử dụng mới cho các sản phẩm hiện có, ví dụ như sử dụng sữa đặc Vinamilk cho đồ ăn thay vì chỉ đồ uống, cũng như cố gắng tương tác nhiều hơn với thế hệ trẻ (Gen Z và Gen Alpha). Hệ thống cửa hàng bán lẻ “Giấc mơ sữa Việt” có khả năng sẽ được cải tạo và đổi tên thành cửa hàng “Vinamilk”.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 14/11, thị giá cổ phiếu VNM đạt 68.900 đồng/cổ phiếu.