Gian nan quản lý dạy thêm ngoài trường
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm nhằm giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm tràn lan, đặc biệt là dạy thêm ngoài trường.
Tuy vậy, việc giám sát hoạt động này vẫn là bài toán đầy thách thức đối với cơ quan chức năng. Lý do tồn tại của hoạt động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Chương trình học ngày càng nặng nề trong khi kỳ vọng của phụ huynh không ngừng tăng lên, khiến nhiều học sinh phải tìm đến các lớp học thêm như một cách để bù đắp kiến thức. Đặc biệt, trong bối cảnh các kỳ thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp có tính cạnh tranh rất cao nên nhu cầu học thêm lại càng trở nên cấp thiết. Một số giáo viên cũng coi đây là nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống khi mức lương vẫn còn khiêm tốn. Cá biệt, không ít trường hợp dạy thêm diễn ra dưới hình thức ép buộc hoặc biến tướng, gây ra áp lực lớn đối với học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục.
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đặt ra các nguyên tắc nhằm kiểm soát hoạt động này, trong đó nhấn mạnh dạy thêm ngoài nhà trường phải được đăng ký kinh doanh và công khai minh bạch về nội dung, học phí, thời gian, địa điểm tổ chức. Giáo viên muốn dạy thêm phải báo cáo và nhận sự phê duyệt của hiệu trưởng hoặc cơ quan quản lý. Đồng thời, các cơ sở dạy thêm ngoài trường phải bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, an toàn và vệ sinh. Mặc dù vậy, những quy định này dù có đầy đủ đến đâu cũng khó kiểm soát hết được thực tế dạy thêm ngoài nhà trường. Một số giáo viên tìm cách lách luật bằng việc tổ chức dạy thêm tại nhà riêng hoặc các địa điểm không chính thức. Lớp học chỉ gói gọn trong một nhóm học sinh hoặc con em của phụ huynh quen biết... Những lớp học kín đáo như vậy gần như không thể bị phát hiện, xử lý.
Việc giám sát dạy thêm ngoài nhà trường phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ nhân lực và thời gian để giám sát tất cả các lớp học thêm ngoài trường. Vì vậy, để những quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả giáo viên và học sinh thì cần phải có những giải pháp đồng bộ, cụ thể. Thứ nhất, các cơ sở giáo dục cần tăng cường giám sát và thanh tra định kỳ tại các địa điểm dạy thêm, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp phụ huynh hiểu rõ mặt trái của việc học thêm tràn lan, khuyến khích học sinh tập trung vào giờ học chính khóa. Ngoài ra, một giải pháp mang tính lâu dài là cải tiến chương trình giáo dục, giảm tải kiến thức hàn lâm không cần thiết và tập trung vào các nội dung thiết thực, phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu của học sinh. Khi chương trình học trở nên nhẹ nhàng hơn, nhu cầu học thêm sẽ giảm bớt đáng kể. Đồng thời cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên, giúp họ yên tâm với công việc giảng dạy mà không phải tìm kiếm thêm thu nhập từ dạy thêm ngoài giờ.
Dạy thêm ngoài nhà trường là một thực trạng tồn tại song song với hệ thống giáo dục chính thức. Việc giải quyết vấn đề này không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự kiên trì và đồng lòng của toàn xã hội. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT là bước khởi đầu cần thiết, nhưng hiệu quả thực tế sẽ phụ thuộc vào sự quyết tâm của các cơ quan quản lý, sự hợp tác của giáo viên và sự đồng thuận từ phía phụ huynh, học sinh. Chỉ khi có sự chung tay của tất cả các bên, hoạt động dạy thêm mới được điều chỉnh hợp lý, mang lại lợi ích thực sự cho nền giáo dục nước nhà.