Gian nan đích đến 15% dân số có bảo hiểm nhân thọ
Với thực tế đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm, đích đến 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ đầy chông gai và có thể cần phải điều chỉnh.
Cần thêm 3-4 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ!
Năm 2025, Chính phủ đã đặt ra hai mục tiêu lớn cho thị trường bảo hiểm là 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ và tỷ lệ thâm nhập tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đạt 3,5% GDP. Chiến lược đến năm 2030 là có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Bên cạnh đó, theo Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm...
Trước đó, năm 2022, một số quan điểm cho rằng, mục tiêu cứ 100 người thì có 15 người tham gia bảo hiểm, hay có 15 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết vào năm 2025 được đánh giá là phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan trong thời kỳ mới.
Tại thời điểm này, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam mới chỉ có 11% dân số, trong khi tại Philippines là khoảng 38%, Malaysia đạt khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, Mỹ khoảng 90%. Mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam cũng khá thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP năm 2020, trong khi Thái Lan là 3,1%, Singapore là 9,8%, Đài Loan (Trung Quốc) là 13,7%, Hồng Kông (Trung Quốc) là 19,7%...
Tuy nhiên, chia sẻ tại một chương trình tìm hiểu chuyên sâu về bảo hiểm nhân thọ cuối tháng 9/2024, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực tại Việt Nam đến cuối tháng 9 chỉ đạt xấp xỉ con số 12 triệu, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hợp đồng này tương đối thấp so với quy mô dân số hơn 100 triệu dân và còn cách khá xa mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Về tổng quan thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, có hơn 1 triệu hợp đồng được khai thác mới (giảm 19% so với cùng kỳ năm trước), tương ứng tổng doanh thu hơn 15.900 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ). Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 57,9% và giảm 26,6% (bao gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,2% và giảm 14%, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 6,8% và giảm 64,9%); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,6% và giảm 10,1%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 5,7% và tăng 398,9%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 5,8% và giảm 37,2%. Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) cũng giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước, với 11.718.380 hợp đồng.
Theo ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ và tư vấn bảo hiểm, trong năm 2025, thị trường bảo hiểm khó đạt mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ (dân số Việt Nam khoảng hơn 100 triệu dân). Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 10% sẽ không cần điều chỉnh vì có thể đạt được.
“Năm 2025, nếu thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng thêm khoảng 1,5 - 2% dân số tham gia (tương đương 1,5 - 2 triệu người) là khó, là tốt lắm rồi. Còn mục tiêu tăng thêm 3 - 4% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ (tương đương 3 - 4 triệu người) là cao, quá sức với lực của các công ty bảo hiểm nhân thọ trên toàn thị trường”, ông Chính nói và cho biết thêm, hiện không ít nhà băng đã thôi không bán bảo hiểm cũng khiến việc khai thác bảo hiểm nhân thọ chậm thêm.
Chia sẻ thêm về giai đoạn từ năm 2022 - 2024, ông Chính cho biết, thị trường bảo hiểm nhân thọ có hai vấn đề nổi cộm, đó là lượng khách hàng hủy bỏ hợp đồng khá nhiều và đại lý bảo hiểm, kể cả những đại lý có thâm niên trên 5 năm, cũng nghỉ việc nhiều tương ứng.
Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom cũng khẳng định, thị trường bảo hiểm khó đạt được hai mục tiêu lớn mà Chính phủ đề ra. Năm 2024, dự đoán chỉ đạt 10% dân số tham gia bảo hiểm và tỷ lệ thâm nhập tổng doanh phí bảo hiểm nhân thọ ước chỉ đạt 1% GDP.
Giải tỏa niềm tin
Với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, đến cuối tháng 9/2024, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực tại Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 12 triệu hợp đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang phát triển chậm so với nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ tài khoản ngân hàng với số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể là tương đồng, thì tại Việt Nam, với tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt hơn 87%, chỉ có 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lệch pha” về số người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ với số tài khoản ngân hàng, nhưng chủ yếu vẫn là do niềm tin của người dân dành cho bảo hiểm đã bị sụt giảm trầm trọng 2 năm qua, trong khi nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ, đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp còn thiếu.
Bên cạnh đó, việc mở tài khoản ngân hàng tập trung lớn nhất ở thế hệ gen Y. Đây là nhóm đối tượng không có trợ cấp, đa số thời gian đầu đi làm chỉ đủ trang trải cuộc sống, thu nhập không cao và việc mở nhiều tài khoản đôi khi do chính sách khuyến khích của các ngân hàng, nên bản thân chủ tài khoản không có tiền dư để mua bảo hiểm, thậm chí có tài khoản gần như không hoạt động.
Mục tiêu tăng độ phủ bảo hiểm nhân thọ cho toàn dân vào năm 2025 đang gặp nhiều chông gai bởi mức độ dư giả tiền tích lũy, quy định bán bảo hiểm chặt chẽ hơn, những thông tin tiêu cực khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa được hiểu đúng hiểu đủ, dẫn tới tâm lý người dân càng e ngại khi tham gia.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tháo gỡ “combo” điểm nghẽn trên, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần có chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp, tạo ra các chương trình truyền thông tập trung vào lợi ích của bảo hiểm nhân thọ, nhấn mạnh vai trò bảo vệ tài chính và an sinh gia đình qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội và hợp tác với các KOLs nổi tiếng để tiếp cận giới trẻ theo cách thân thiện, dễ hiểu, chân thực nhất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp với nhiều phân khúc thu nhập, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp; cải thiện trải nghiệm khách hàng với tiêu chí đơn giản hóa quy trình tham gia bảo hiểm, rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu bồi thường và nâng cao tính minh bạch trong hợp đồng.
“Cần có chính sách ưu đãi thuế, xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người tham gia bảo hiểm nhân thọ, hoặc cung cấp các khoản khấu trừ thuế liên quan. Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho khách hàng tham gia được bảo hiểm nhân thọ sẽ khuyến khích được người tham gia”, ông Chính nhấn mạnh thêm.