Jensen Huang, từ bồi bàn đến ông trùm AI
Phong cách 'bụi' với áo sơ mi polo và áo khoác da giản dị, ít ai ngờ Jensen Huang chính là ông chủ quyền lực của NVIDIA, một trong những công ty nghìn tỷ đứng đầu về chip và AI hiện nay.
Tự hào là nhân viên rửa chén
Jensen, tên thật là Jen-Hsun, sinh ra tại Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc), vào năm 1963, và những năm đầu đời của ông được đánh dấu bằng những lần chuyển nhà thường xuyên. Khi Jensen lên 5 tuổi, gia đình Huang rời Đài Loan và chuyển đến Thái Lan, nhưng thời gian ở lại đất nước này của ông không được lâu, cha ông lại chuyển sang Mỹ với niềm tin đây sẽ là nơi tốt nhất để các con trai của ông có được nền giáo dục tiên tiến.
Để chuẩn bị cho tương lai của con cái mình ở xứ cờ hoa, mẹ của Jensen, dù không biết tiếng Anh, nhưng quyết định dạy cho các con của bà trước khi chuyển đi. Không có tiền thuê gia sư riêng, bà đã chọn 10 từ trong từ điển mỗi ngày, và cùng học với 2 con trai của mình. Dần dần, Jensen và anh trai ngày càng thoải mái hơn với tiếng Anh, và khi đến Mỹ, họ có thể giao tiếp được.
Năm 1972, Jensen và anh trai lên chuyến bay đến Tacoma, Washington, để sống với chú của mình. Cha mẹ họ ở lại, tiết kiệm tiền và làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để đoàn tụ với con cái. Anh em nhà Huang được chú gửi đến Oneida, Kentucky, để học tiểu học và sống trong khu nhà ở dành cho sinh viên.
Vì sống chung với những người được gọi là "học sinh có vấn đề", Jensen bị bắt nạt liên tục. Tuy nhiên, những người bạn học cũ của Jensen đã nói rằng ông đã vượt qua tất cả và không để những vụ bắt nạt liên miên ảnh hưởng đến mình.
Sau đó, cha mẹ ông và gia đình chuyển đến Portland, Oregon. Công việc đầu tiên của Jensen là tại một nhà hàng Denny's địa phương. Ngay cả sau này khi là CEO của một công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD, Huang vẫn tự hào vì đã từng là một nhân viên rửa chén, rồi đến bồi bàn.
Jensen tuyên bố rằng thời gian làm việc tại Denny's đã định hình sâu sắc cách tiếp cận công việc và căng thẳng của ông, giúp ông làm việc tốt hơn dưới áp lực. Ông nói rằng khi gặp rủi ro cao, nhịp tim của ông thực sự giảm và là lúc ông thể hiện tốt nhất, ông cho rằng điều này một phần là do đã làm việc qua vô số giờ cao điểm khi còn trẻ.
Đột phá vào ngành công nghiệp chip
Sau khi tốt nghiệp trung học, Jensen bắt đầu học tại Đại học Oregon (OSU), nơi ông lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện. Ông học rất giỏi tại OSU, và đây cũng là nơi ông gặp người vợ tương lai của mình, Lori, bạn cùng phòng thí nghiệm của ông trong lớp kỹ thuật điện. Sau khi tốt nghiệp OSU và trước khi chuyển đến Stanford và cuối cùng là thành lập NVIDIA, Jensen đã làm việc tại cả AMD và LSI Logic.
Thời gian làm việc tại AMD của ông không dài (Jensen chỉ làm việc tại công ty này hơn một năm một chút) nhưng đã đặt nền móng cho thành công trong tương lai của ông trong ngành. Khi làm việc tại AMD, ông đã làm việc về thiết kế bộ vi xử lý, các thiết bị điện tử nhỏ thực hiện các chức năng của một bộ xử lý trung tâm của máy tính trên một mạch tích hợp duy nhất.
Sau khi rời AMD, ông chuyển sang làm cho LSI Logic (hiện thuộc sở hữu của Broadcom). Lúc này, LSI Logic đã niêm yết cổ phiếu 2 năm trước đó và vẫn đang phát triển và mở rộng nhanh chóng. LSI Logic là nhà sản xuất chất bán dẫn có các sản phẩm được sử dụng để cải thiện dung lượng lưu trữ và tốc độ mạng trong các lĩnh vực như mạng và trung tâm dữ liệu.
Trong thời gian làm việc tại đây, Huang đã giữ các vị trí như kỹ thuật, tiếp thị và cuối cùng là các vị trí quản lý chung. Làm việc ở nhiều vai trò khác nhau như vậy đã giúp Jensen tích lũy nhiều kinh nghiệm có giá trị trong tương lai. Cũng trong thời gian làm tại LSI, ông tranh thủ học vào buổi tối và cuối tuần để lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện tại Stanford vào năm 1992, 1 năm trước khi thành lập NVIDIA.
Khởi nghiệp với cơ hội thành công là 0%
NVIDIA được Jensen Huang thành lập vào năm 1993 cùng với Chris Malachowsky và Curtis Priem. Hai người này xuất thân từ Sun Microsystems và IBM. Họ đã gặp nhau tại một quán ăn. Trong khi ăn đồ ăn nhẹ và uống cà phê, bộ ba này đã thành lập NVIDIA với số vốn 40.000 USD.
Ban đầu họ gọi công ty của mình là NVision, nhưng vì tên này đã bị một nhà sản xuất giấy vệ sinh đăng ký trước đó nên đổi tên thành NVIDIA. Huang đã mô tả NVIDIA trong quá trình thành lập là một công ty có "thách thức về thị trường, thách thức về công nghệ và thách thức về hệ sinh thái với khoảng 0% cơ hội thành công".
Huang thích trò chơi điện tử và đưa ra giả thuyết rằng có một thị trường đang hình thành cho các con chip có khả năng hiển thị đồ họa sắc nét và tốt hơn. Sự đổi mới trong không gian này diễn ra với tốc độ nhanh chóng và các nhà phát triển bắt đầu sử dụng các đa giác ba chiều cho đồ họa trò chơi điện tử.
NVIDIA đã chọn đi theo một con đường khác so với các đối thủ cạnh tranh của mình, lựa chọn sử dụng hình tứ giác thay vì hình tam giác. Điều này chứng tỏ là một sai lầm gần như chết người. Ngay sau khi NVIDIA đưa sản phẩm đầu tiên ra thị trường, Microsoft đã thông báo rằng phần mềm được sử dụng để xử lý đồ họa sẽ chỉ hỗ trợ hình tam giác. NVIDIA lâm vào cảnh phá sản khi dồn tất cả vào tứ giác.
Cách ranh giới phá sản 30 ngày
Thế nhưng, Huang nhanh chóng đưa ra một kế hoạch hành động. Ông đã sa thải một nửa lực lượng lao động, khoảng 50 người, sau đó sử dụng toàn bộ số tiền còn lại của công ty để sản xuất một loạt chip chưa được thử nghiệm bằng cách sử dụng phương pháp tam giác.
Ông và phần còn lại của nhóm quản lý không chắc chắn rằng nó sẽ hiệu quả, nhưng nếu họ không thử, NVIDIA sẽ phá sản bất kể thế nào. Khi những con chip có tên gọi là RIVA 128 được cung cấp cho người tiêu dùng, tình hình đã trở nên tuyệt vọng. Công ty chỉ có đủ tiền để trả lương cho tháng tiếp theo.
Nhưng động thái tuyệt vọng này đã được đền đáp và NVIDIA đã bán được một triệu đơn vị trong 4 tháng, cứu công ty.
Huang nhớ lại, trong những ngày đầu khi tung RIVA 128 ra thị trường, mọi người trong công ty đều biết rằng đây chính là lúc hoặc làm mọi thứ trong khả năng của mình để làm cho nó hoạt động, hoặc là tất cả sẽ mất việc.
Khi đó, câu khẩu hiệu không chính thức của NVIDIA là: "Công ty chúng ta còn 30 ngày nữa là phá sản". Huang tin rằng văn hóa công ty được xây dựng khi mọi thứ đang ở giai đoạn ảm đạm nhất. Theo ông, không thể tạo ra văn hóa và các giá trị cốt lõi trong thời kỳ tuyệt vời của một công ty. Văn hóa được xây dựng khi một công ty phải đối mặt với nghịch cảnh.
Ông giải thích: “Bạn muốn sự vĩ đại từ những nhân viên, nhưng sự vĩ đại không phải là trí thông minh. Sự vĩ đại đến từ tính cách, và tính cách không được hình thành từ những người thông minh. Nó được hình thành từ những người đã chịu đau khổ".