Giận dữ sau tay lái, trả giá đắt (*): Tuân thủ pháp luật, ứng xử văn minh

Bên cạnh việc xử lý nghiêm những người hành xử kém văn minh thì việc giáo dục, tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh với các hình thức, cách thức dễ hiểu, sinh động

Bà NGUYỄN THỊ THU THỦY, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP HCM:

Dễ cáu gắt, thiếu kiềm chế

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư pháp, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ án hình sự đau lòng, khởi nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, thậm chí là các hành vi vô ý trên đường phố.

Qua những ghi chép tỉ mỉ trong cuốn sổ tay, tôi nhận thấy một thực tế đáng báo động: Rượu bia vẫn luôn là "kẻ thù số 1" của sự bình yên. Chỉ cần một ly rượu vào, con người ta dễ dàng trở nên nóng nảy, mất kiểm soát, biến những xích mích nhỏ nhặt thành cuộc ẩu đả nghiêm trọng, thậm chí là án mạng.

Tại các đô thị lớn như TP HCM, với mật độ dân số cao và giao thông đông đúc, những va chạm, xô xát là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người lại không thể giữ bình tĩnh, dễ dàng bùng nổ cơn tức giận chỉ vì những lý do hết sức đơn giản: một tiếng còi xe, một vết xước trên xe, thậm chí chỉ là một cái nhìn không vừa ý.

Công an quận 3, TP HCM bắt khẩn cấp tài xế xe buýt Võ Thanh Bằng - người đã ẩu đả với nam shipper sau va chạm giao thông trên đường. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Công an quận 3, TP HCM bắt khẩn cấp tài xế xe buýt Võ Thanh Bằng - người đã ẩu đả với nam shipper sau va chạm giao thông trên đường. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Nguyên nhân sâu xa của những hành vi bạo lực này không chỉ đơn thuần là do rượu bia mà còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác. Áp lực cuộc sống, mệt mỏi, căng thẳng, cộng thêm môi trường sống ồn ào, ô nhiễm đã khiến nhiều người trở nên dễ cáu gắt, thiếu kiềm chế.

Để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật cần có những chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích. Đối với những vụ việc gây bức xúc dư luận nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, công an cần lập biên bản gửi về cơ quan nơi người đó làm việc hoặc gửi về địa phương để thông báo.

Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng cần được tăng cường, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong chuyện tuân thủ pháp luật và ứng xử văn minh trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ với những tổ chức xã hội, đoàn thể để xây dựng nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp mọi người giảm stress, nâng cao kỹ năng giao tiếp, từ đó góp phần tạo ra một xã hội văn minh, lành mạnh.

Bà VŨ THỊ XUÂN NHUỆ, nguyên Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự - VKSND TP HCM:

Thường xuyên tuyên truyền

Đằng sau những vụ án hình sự nghiêm trọng đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt, những xích mích bắt nguồn từ các hành vi tưởng chừng như vô hại trong cuộc sống hằng ngày. Tôi nhận thấy rằng chính những điều nhỏ nhặt này, nếu không được giải quyết một cách khéo léo, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, thậm chí là mất mát, đau thương cho cả hai bên.

Một vụ va chạm giao thông nhỏ, một lời nói bỗ bã... có thể là những nguyên nhân khởi nguồn cho một cuộc cãi vã, ẩu đả, thậm chí là án mạng. Điều đáng buồn là nhiều người trong chúng ta thường không kiềm chế được cảm xúc của mình, dễ dàng để những mâu thuẫn nhỏ nhặt leo thang thành xung đột lớn.

Để giải quyết vấn đề này, gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con em về đạo đức, lối sống. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, chia sẻ với con, giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, biết cách kiểm soát cảm xúc và giải quyết xung đột một cách hòa nhã.

Nhà trường cần tăng cường các hoạt động giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giúp học sinh trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó những tình huống xảy ra trong cuộc sống...

Bản tính nhường nhịn tùy thuộc vào mỗi cá nhân nhưng nếu thường xuyên tuyên truyền, dạy bảo thì có lẽ sẽ tốt hơn cho học sinh khi đối diện các tình huống thực tế.

Luật sư LÊ NGUYỄN QUỲNH THI, Đoàn Luật sư TP HCM:

Khi hối tiếc đã muộn màng

Thật đáng buồn khi chứng kiến không ít vụ án hình sự có nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, những hành vi nông nổi nhất thời. Người phạm tội, sau khi phải đối mặt những bản án nghiêm khắc, mới nhận ra hậu quả khôn lường của việc không kiềm chế được bản thân.

Họ đã đánh mất tự do, xa cách gia đình, bạn bè và để lại nỗi đau cho những người thân yêu. Những lời biện minh như "không kiềm chế được", "quá tức giận"... dường như trở nên vô nghĩa trước những giọt nước mắt hối hận.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những người này lại dễ dàng để cảm xúc chi phối đến vậy? Có lẽ, một phần là do ý thức về pháp luật còn hạn chế, một phần là do thiếu sự giáo dục về kỹ năng sống, về cách ứng xử trong xã hội.

Việc tuyên truyền pháp luật đã được thực hiện ở nhiều trường học nhưng rõ ràng là chưa đủ. Hình thức tuyên truyền truyền thống như các buổi nói chuyện, các phiên tòa giả định dù hữu ích nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc đối với học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, cần có những phương pháp tuyên truyền mới, sáng tạo hơn, như sử dụng video clip, trò chơi tương tác hoặc tổ chức các cuộc thi về pháp luật. Bên cạnh đó, việc lồng ghép giáo dục pháp luật vào các môn học khác cũng là một giải pháp cần được quan tâm.

Mỗi người chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và ứng xử văn minh. Hãy nhớ rằng hành động nông nổi nhất thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân mà còn cho người xung quanh.

Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ thật kỹ về hậu quả của hành động đó. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Hãy nhớ rằng tự do là điều quý giá nhất mà chúng ta có, đừng vì một phút nông nổi mà đánh mất nó.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-12

PHẠM DŨNG ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gian-du-sau-tay-lai-tra-gia-dat-tuan-thu-phap-luat-ung-xu-van-minh-196241219205806816.htm
Zalo