Xã hội hóa sách giáo khoa: Cần thêm các bộ sách phù hợp đặc thù vùng, miền
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng vẫn cần thêm các bộ sách phù hợp với đặc thù vùng, miền.
Hiệu quả sau 5 năm sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Quốc hội tại Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có việc đa dạng hóa, xã hội hóa sách giáo khoa. Đây là một trong những quyết sách đổi mới quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã khẳng định như trên tại Tọa đàm "Xã hội hóa sách giáo khoa: Bước đột phá thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây.
Đáp ứng yêu cầu mới
- Thưa bà, hiện chúng ta đã có hàng trăm đầu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 với ba bộ sách chính. Nhìn lại hành trình thực hiện đa dạng hóa, xã hội hóa sách giáo khoa, bà có thể cho biết khi Quốc hội đưa ra chủ trương này, mục tiêu cũng như kỳ vọng hướng đến là gì?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa là nội dung rất quan trọng của Nghị quyết 88 của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.
Hiểu một cách ngắn gọn nhất là từ trước tới nay, khi chưa xã hội hóa sách giáo khoa, chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất và do ngân sách nhà nước đảm bảo việc in ấn cũng như phát hành. Khi xã hội hóa sách giáo khoa có nghĩa là sách giáo khoa không được biên soạn, in ấn bằng nguồn kinh phí của Nhà nước nữa mà Nhà nước có cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa. Nếu sau khi biên soạn, hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Nhà nước thẩm định là sách giáo khoa đó đủ điều kiện để in ấn, phát hành thì sẽ được in ấn, phát hành và các cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn sách giáo khoa đó để dạy cho học sinh.
Đây là một quyết định vô cùng quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Xã hội hóa sách giáo khoa đáp ứng được yêu cầu một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và huy động được các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, vừa tiết kiệm được một phần rất lớn cho ngân sách Nhà nước, vừa có được những bộ sách đạt tiêu chuẩn.
Nếu không xã hội hóa sách giáo khoa thì tôi nghĩ rằng khó có thể biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Khi xã hội hóa sách giáo khoa, vấn đề đảm bảo chất lượng sách là vô cùng quan trọng. Bà đánh giá như thế nào về quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa để có được những bộ sách đạt chất lượng đến với các nhà trường?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc biên soạn, in ấn, xuất bản sách giáo khoa đã rất chặt chẽ, có những yêu cầu cụ thể. Trong đó điều quan trọng nhất là sách giáo khoa sẽ phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Đây là “cửa ải” cam go nhất, khó khăn nhất và các hội đồng biên soạn sách giáo khoa phải vượt qua vì sách giáo khoa phải được nghiệm thu đạt tiêu chuẩn mới được xuất bản và đưa vào danh mục sách giáo khoa để cho các cơ sở giáo dục lựa chọn.
Cần trao toàn quyền chọn sách cho giáo viên, nhà trường
- Trong quy trình để đưa sách giáo khoa vào các nhà trường, chọn sách giáo khoa là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm thời gian qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã 3 lần điều chỉnh thông tư về việc lựa chọn sách giáo khoa. Theo bà, nên giao quyền chọn sách giáo khoa cho ai là tốt nhất?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Ban đầu, việc chọn sách giáo khoa được trao cho các nhà trường, sau đó được giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, rồi tiếp tục được điều chỉnh theo hướng nhà trường chọn sách, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Có rất nhiều ý kiến dư luận xoay quanh việc này. Giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa có nhiều ưu điểm nhưng cũng có khả năng nảy sinh những vấn đề có thể đặt ra. Tôi lấy ví dụ như việc làm thế nào để chúng ta có thể tránh được việc một cơ sở xuất bản, một tổ chức, cá nhân nào đó mong muốn phát hành được nhiều sách giáo khoa có thể thông qua các hội đồng cấp tỉnh. Khi đó, sự lựa chọn sách giáo khoa không còn trên tinh thần khoa học, không trên cơ sở chất lượng và sự phù hợp của sách giáo khoa nữa. Trên thực tế, chúng ta chỉ có hơn 60 tỉnh thành, để có thể thông đồng được với các tỉnh thành đó là việc không khó khăn lắm.
Sau này, khi tiếp nhận rất nhiều phản hồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có điều chỉnh. Hiện việc chọn sách được giao cho các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục sau khi thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thì báo cáo lên cấp phòng giáo dục và đào tạo, cấp phòng báo cáo lên cấp sở và sở tập hợp gửi lên ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thông qua.
Giao quyền cho đến cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa thì câu chuyện đã khác đi rất nhiều, vì chỉ cần trong phạm vi một tỉnh thôi, chúng ta có biết bao nhiêu cơ sở giáo dục. Vì vậy, các cá nhân biên soạn soạn và xuất bản sách giáo khoa khó có thể làm việc được với tất cả các cơ sở giáo dục để phát hành sách giáo khoa của mình theo hướng là có sự nâng đỡ hay ưu tiên nào đó.
Tuy nhiên, tôi thấy là vẫn còn những băn khoăn nhất định. Ví dụ chúng ta đã giao quyền cho cơ sở giáo dục là chọn sách giáo khoa nhưng sau khi chọn lại phải qua cấp tỉnh và đã xảy ra tình trạng là cấp tỉnh không chấp nhận sự lựa chọn của hội đồng cấp trường. Bởi vậy cũng đã dẫn đến tình trạng là có những hội đồng cấp trường cảm thấy là không vui khi mà ý kiến của mình không được tôn trọng. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nghiên cứu thực sự giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho từng cơ sở giáo dục.
Sách giáo khoa được lựa chọn trên tiêu chí gì? Có rất nhiều tiêu chí. Tất nhiên chúng ta lựa chọn trên tiêu chí là chất lượng sách giáo khoa, nhưng những cuốn sách giáo khoa mà đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều là những cuốn sách giáo khoa đảm bảo chất lượng để dạy cho học sinh. Sự lựa chọn còn trên nhiều tiêu chí nữa, ví dụ như giá cả hay hình thức của sách giáo khoa có được bắt mắt hay không?
Những tiêu chí trên là cần thiết nhưng còn một tiêu chí nữa, đó chính là sự phù hợp với đối tượng học sinh. Điểm này chúng ta cần phải lưu ý rất nhiều, bởi vì có thể có những cuốn sách giáo khoa, những bộ sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh này nhưng chưa phù hợp với đối tượng học sinh kia.
Vì thế, khi lựa chọn sách thì chính cơ sở giáo dục mới biết một cách chính xác nhất sách nào là phù hợp với học sinh của mình, với chính giáo viên và với nhà trường. Bởi vì cùng trong một địa bàn nhưng giữa cơ sở giáo dục này với cơ sở giáo dục kia, giữa trường này với trường khác, học sinh đã khác nhau rất nhiều.
Tôi lấy ví dụ với một trường chất lượng cao khác hẳn với một trường thường, trong một tỉnh nhưng trường ở thành phố, đô thị khác với trường nông thôn. Đối tượng học sinh khác nhau thì sách giáo khoa được lựa chọn phải như thế nào cho nó phù hợp nhất với học sinh của mình, điều này cơ sở giáo dục sẽ phải là người hiểu rõ nhất.
Vì vậy cho nên chúng ta nên tiến đến việc giao toàn quyền lựa chọn sách giáo khoa cho hội đồng cấp cơ sở giáo dục. Như thế cũng định danh được chính xác trách nhiệm của cơ sở giáo dục, tránh được tình trạng là chọn theo ý cấp trên hoặc tư tưởng: thôi chúng ta cứ chọn, biết đâu lên đến cấp cao hơn lại không phê duyệt. Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy mạnh dạn giao toàn quyền chọn sách cho các nhà trường.
Cần thêm các sách giáo khoa phù hợp với đặc thù vùng, miền
- Hiện chúng ta có 5 năm đưa sách xã hội hóa vào các nhà trường và đã có 3 bộ sách chính với hàng trăm đầu sách. Bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa trong thời gian qua cũng như những giải pháp để chúng ta có thể phát huy hơn nữa hiệu quả từ chủ trương đúng đắn này?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa thời gian đầu vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên cũng còn những vấn đề còn phải lưu ý.
Tôi lấy ví dụ như những sai sót hay chưa phù hợp trong sách giáo khoa. Tôi biết rằng trong một khoảng thời gian rất là ngắn, gấp gáp, và chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ mà chưa thực hiện bao giờ, thì những sai sót là khó tránh. Tuy nhiên, đối với sách giáo khoa, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội có quyền kỳ vọng vào những bộ sách giáo khoa mà không có sai sót gì cả. Đấy là mục tiêu chúng ta hướng đến.
Bên cạnh đó, hiện chúng ta đã có một số bộ sách giáo khoa để giảng dạy trong các trường, nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta nói là một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều là bao nhiêu? Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và viết sách giáo khoa. Càng có nhiều bộ sách giáo khoa thì phụ huynh, học sinh, các cơ sở giáo dục càng có thêm sự lựa chọn.
Qua việc đi giám sát rất nhiều với đoàn đại biểu Quốc hội hoặc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, tôi cũng nhận ra một điều rằng hiện nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được việc là sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu của học sinh từng vùng, miền. Chưa có. Thực sự là chúng ta có nhiều sách nhưng chưa hướng đến điều này.
Tôi lấy ví dụ, một tỉnh miền núi rất xa, học bộ sách A, một trường giữa Thủ đô Hà Nội cũng học bộ sách A, trường ở Tây Nguyên vẫn học bộ sách A. Có nghĩa là chúng ta có nhiều bộ sách nhưng vẫn nằm trong tư duy là một bộ sách để đáp ứng cho nhu cầu của học sinh cả nước.
Việc miền núi và miền xuôi, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn hay là giữa đô thị lớn vẫn lựa chọn chung một bộ sách đã phù hợp chưa? Tôi nghĩ rằng chưa.
Mục tiêu một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa thì phải đáp ứng được nhiều đối tượng học sinh khác nhau, trong đó có đặc trưng vùng, miền, trong đó có đặc trưng liên quan đến tập quán, phong tục, đến văn hóa, đến cả cơ sở kinh tế. Chúng ta chưa làm được điều đó.
Vì thế, tôi kỳ vọng rằng trong thời gian tới, những người biên soạn sách giáo khoa nghĩ đến điều này để chúng ta có những bộ sách giáo khoa thực sự phù hợp với học sinh, từng đối tượng một.
Tất nhiên nó dẫn đến một cái khó khăn là số lượng phát hành không được nhiều. Vậy thì chúng ta phải xem xét như thế nào để hài hòa lợi ích giữa những nhà biên soạn sách giáo khoa, giữa các tổ chức, cá nhân làm sách giáo khoa với lợi ích của học sinh. Đây là câu chuyện cần phải đặt ra trong thời gian tới. Chúng ta cũng đừng bằng lòng với số lượng các bộ sách giáo khoa đã có hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!