Nhiều bộ sách giáo khoa giúp Việt Nam đến gần với xu hướng thế giới
Đến nay, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đã dần ổn định, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội thảo "Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những bài học kinh nghiệm" diễn ra sáng nay, TS.Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận sau 4 năm chính thức triển khai Chương trình GDPT 2018, tuy có khó khăn, thiếu thốn, nhất là phải trải qua giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng đã đạt được một số thành quả nhất định.
Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương cho biết mục tiêu giáo dục ở các cấp đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phù hợp với đối tượng học sinh từng cấp học. Đã góp phần hình thành và phát triển những yếu tố căn bản cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực cho trẻ. Chú trọng giáo dục những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt giúp học sinh có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội nơi các em sinh sống.
Nội dung chương trình thể hiện được tính hiện đại, gắn với thực tiễn đất nước, có kết hợp lý thuyết với thực tiễn, có chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh tính năng động, tư duy độc lập; có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề; hợp tác làm việc theo nhóm, phù hợp với định hướng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, khả năng tư duy, vận dụng sáng tạo của học sinh.
TS.Nguyễn Phú Tuấn - Chi hội Cựu giáo chức Viện Khoa học giáo dục Việt Nam ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Đó là, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đến gần hơn với xu hướng của thế giới; tiến độ triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng kế hoạch đề ra.
Theo TS.Nguyễn Phú Tuấn, với quyết tâm khắc phục khó khăn của các cấp quản lý giáo dục của đội ngũ giáo viên, đến nay việc thực hiện kế hoạch giáo dục các cấp học ngày càng ổn định. Giáo dục STEM được triển khai chủ động trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Giáo dục hướng nghiệp và định hướng, phân luồng học sinh sau cấp THCS và THPT tạo nguồn nhân học chất lượng cao, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Tổ chức biên soạn, dạy học giáo dục địa phương mang nhiều ý nghĩa, tạo phấn khởi cho học sinh và giáo viên.
Ông Phạm Đức Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Cơ quan Bộ GD&ĐT cũng cho rằng việc thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa đã được triển khai hiệu quả phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Những khó khăn vướng mắc trong công việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới từng bước được tháo gỡ. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng hơn, bước đầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kết quả cho thấy học sinh mạnh dạn hơn, dám thể hiện quan điểm của mình và có thêm những kỹ năng vượt trội, khả năng làm việc theo nhóm có tiến bộ rõ rệt.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà Vũ Thị Lan - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT đề xuất cần tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là phụ huynh và học sinh để hiểu rõ về tính ưu việt, vượt trội, sự cần thiết thực hiện chương trình.
Cùng với đó, cần có giải pháp tăng cường đầu tư thêm và cải tiến cơ sở vật chất sẵn có; cần có những phương pháp phù hợp để thực hiện bước chuyển giao những nội dung cần thiết cho học sinh từ cấp tiểu học lên cấp trung học cơ sở và lên cấp trung học phổ thông; tổ chức tổng kết sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, đạt hiệu quả cao.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cũng đã chia sẻ, trao đổi, làm rõ một số nội dung đang được triển khai trong Chương trình GDPT 2018.