Giảm thuế giá trị gia tăng tác động ngay tới sản xuất, kinh doanh

Hàng loạt chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín. 'Các giải pháp khác cần phải có thời gian mới đi vào cuộc sống, riêng việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ tác động tích cực ngay đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế', bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam bình luận.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Khác với những lần giảm thuế GTGT trước đây, lần này, bà có nghĩ rằng, Chính phủ khá mạnh dạn khi trình Quốc hội giảm thuế GTGT?

Quốc hội bắt đầu thực hiện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% với hầu hết hàng hóa, dịch vụ kể từ năm 2022. Đến nay, đã ban hành tổng cộng 5 nghị quyết về vấn đề này. Mỗi nghị quyết chỉ thực hiện giảm thuế trong thời gian 6 tháng, nói chung là rất “lắt nhắt”. Còn lần này, Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế GTGT từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026, tức là thời gian giảm thuế gấp 3 lần những lần trước đây. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất cần nguồn thu để thực hiện chi trả cho việc cải cách bộ máy hành chính và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, bỏ cấp quận/huyện, sáp nhập xã/phương, thì việc giảm thuế GTGT đến hết năm 2026 rất có ý nghĩa.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng việc giảm thuế GTGT lần này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 121.740 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 giảm 39.540 tỷ đồng (đã được cân đối trong dự toán thu), năm 2026 giảm thêm 82.200 tỷ đồng.

Khác với các sắc thuế khác, thuế GTGT tác động tới tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tới mọi người tiêu dùng; tới cả hoạt động sản xuất, lưu thông, lẫn tiêu dùng cuối cùng; tác động cả đầu vào, lẫn đầu ra của hoạt động kinh tế, nên giảm thuế GTGT tác động “ngay và luôn” tới toàn xã hội.

Việc giảm thuế lần này đặc biệt có ý nghĩa, bởi thời gian tới sẽ tổ chức đại hội Đảng các cấp, sau đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, tức là sẽ có Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, Quốc hội, Chính phủ, HĐND và chính quyền địa phương khóa mới để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025-2030, nên việc giảm 2% thuế GTGT như liều thuốc kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới và hoàn thành Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Ngoài kéo dài thời gian, lần giảm thuế này còn mở rộng đối tượng thụ hưởng. Bà đánh giá thế nào về việc này?

Những lần giảm thuế GTGT trước đây, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ bị loại trừ, như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn lần này, đối tượng giảm thuế được mở rộng, bao gồm cả sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin...), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; than cốc, dầu mỏ tinh chế; sản phẩm hóa chất; xăng dầu (thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

Giảm thuế GTGT, người tiêu dùng được hưởng lợi ngay do giảm được giá mua hàng hóa, dịch vụ. Trong khi đó, việc mở rộng đối tượng giảm thuế lần này, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều khi xăng dầu, than cốc, dầu mỏ tinh chế (nhiên liệu dầu và xăng, dầu mỡ bôi trơn), sản phẩm hóa chất như phân bón, plastic, cao su tổng hợp… là những hàng hóa - nguyên liệu dùng trong quá trình sản xuất. Khi được giảm thuế đầu vào, doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, giảm được giá thành sản phẩm, qua đó giảm được giá bán, người tiêu dùng được hưởng lợi lần 2, còn doanh nghiệp tăng được sức cạnh tranh, mở rộng hoạt động.

Còn cả nền kinh tế thì sao, thưa bà?

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2022, số tiền ngân sách giảm thu, tức là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp qua việc giảm thuế GTGT là 51.400 tỷ đồng, năm 2023 là 23.400 tỷ đồng (do chỉ giảm 6 tháng cuối năm) và năm 2024 là 49.000 tỷ đồng, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kiểm soát vẫn được lạm phát, nhưng ngân sách nhà nước năm sau tăng cao hơn năm trước và đều thu vượt dự toán. Nhờ việc giảm thuế đã hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua đạt tương ứng 8,54%; 5,07% và 7,09%.

Trong khi rất nhiều nước trên thế giới phải đối phó với lạm phát trong 3 năm vừa qua, thì chỉ số giá của nước ta chỉ tăng tương ứng 3,15%; 3,25% và 3,63% trong giai đoạn 2022-2024, một phần nhờ việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%. Thực tế chứng minh, việc kiểm soát được lạm phát đã tạo dư địa để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, linh hoạt, gia tăng đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây là tiền đề để Chính phủ mạnh dạn trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT đến hết năm 2026, đồng thời mở rộng đối tượng được giảm thuế.

Thuế GTGT là thuế nội địa. Theo bà, việc giảm thuế nội địa tác động thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu?

Bình thường thì không, nhưng lần này thì có. Chúng ta đều biết, Hoa Kỳ đã công bố áp thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46% vì cho rằng, chúng ta áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ tới 90%, trong khi thực tế, chúng ta chỉ áp thuế bình quân lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ khoảng 15%. Họ tính ra mức thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam đánh vào hàng hóa của họ cao như vậy là do tính cả thuế GTGT đánh vào hàng hóa của họ. Lý do là trên thế giới, hầu hết quốc gia đánh thuế GTGT, trong khi Hoa Kỳ không có sắc thuế này (chỉ có thuế bán hàng của từng bang với thuế suất khác nhau).

Thuế GTGT đánh vào tất cả hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt là hàng hóa, dịch vụ nội địa hay nhập khẩu. Lần này, chúng ta tiếp tục giảm thuế GTGT đến hết năm 2026, nên cũng góp phần giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đàm phán với Hoa Kỳ về thuế đối ứng.

Giảm thuế GTGT chỉ là một trong rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, theo Nghị quyết 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) của Bộ Chính trị về phát triển doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Cụ thể, Nhà nước sẽ thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ thuế...

Mặc dù mở rộng đối tượng được giảm thuế, nhưng một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vẫn phải chịu thuế GTGT 10%. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Nếu được, có thể giảm thuế cho tất cả hàng hóa, dịch vụ; nếu không thì mở rộng với hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Theo lý giải của Bộ Tài chính, lý do không giảm thuế GTGT cho hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là do dịch vụ thuộc những lĩnh vực này đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và các dịch vụ tài chính đều có mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

Lý giải này cũng hợp lý, song đối với hoạt động tín dụng, theo tôi, nên giảm thuế GTGT xuống 8% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Người tiêu dùng (người vay vốn) là người chịu thuế GTGT, nếu giảm thuế thì tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng với mục tiêu tăng trưởng 16-18% trong năm nay, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% như Quốc hội đã đặt ra.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-tac-dong-ngay-toi-san-xuat-kinh-doanh-d285134.html
Zalo