8 nhóm giải pháp phát triển ngành Công Thương năm 2025

Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 ở mức cao, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế để kịp thời khắc phục, tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/12 cho thấy, đóng góp vào các thành tích chung của đất nước năm 2024, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển ngành Công Thương năm 2024 vẫn còn những tồn tại, hạn chế đáng lưu ý. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành.

Chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết quốc tế về giảm phát thải… còn chậm; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản hóa do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện vẫn còn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp; Cơ chế giá bán lẻ điện còn chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện; Việc phát triển, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đối mặt với nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng phụ tải điện luôn ở mức cao, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong những năm gần đây …

Xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI mang lại, xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng. Cơ cấu thị trường nhập khẩu chậm chuyển dịch, nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ một số thị trường châu Á, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Hoạt động thương mại trong nước tuy tăng trưởng nhưng hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Trong thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp; Mô hình thương mại điện tử phát triển ngày càng phức tạp, đa dạng trong khi chưa có quy định pháp luật đủ mạnh để điều chỉnh riêng lĩnh vực này; Kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn…

"Chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.", Bộ Công Thương cho biết.

Năm 2025, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước ở mức 8%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau:

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8% so với năm 2024.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2024.

- Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu khoảng 15 tỷ USD).

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9% so với năm 2024.

- Về cân đối điện năm 2025: Dự kiến điện thương phẩm năm 2025 ước đạt khoảng 301 tỷ kWh, tăng 9,25% so với ước thực hiện năm 2024; Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2025 dự kiến đạt khoảng 336,8 tỷ kWh, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2024; Tổng sản lượng điện toàn hệ thống điện quốc gia năm 2025 dự kiến đạt 344,7 tỷ kWh, tăng 11,3% so với năm 2024.

8 nhiệm vụ, giải pháp năm 2025

Theo đó, để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 ở mức cao như trên, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; Khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ ngày đầu tháng đầu năm 2025 các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các Chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.

Hai là, tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó khẩn trương triển khai cụ thể Luật điện lực (sửa đổi) và các chủ trương lớn được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 (như khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận). Đồng thời, tổ chức triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9; trình Quốc hội dự thảo Luật phát triển Công nghiệp trọng điểm, Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong năm 2025.

Chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo tại Hội nghị

Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo tại Hội nghị

Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.

Bốn là, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Năm là, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Sáu là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Bảy là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống.

Tám là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.

"Bộ yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2025; chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện cao nhất mục tiêu đề ra." - Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị với Chính phủ xem xét, sớm chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt các nội dung Bộ Công Thương đệ trình; xem xét chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của hệ thống Thương vụ ở nước ngoài (có trụ sở làm việc độc lập và tách khỏi nhà ở cán bộ để phù hợp đặc thù nhiệm vụ phải tiếp xúc đối tác thường xuyên, có gian hàng quảng bá, giới thiệu hàng mẫu, để các Thương vụ có thể triển khai nhiệm vụ hiệu quả, chuyên nghiệp).

Bên cạnh đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai công tác mang tính liên ngành trong phát triển công nghiệp, thị trường trong nước và mở rộng xuất nhập khẩu. Các địa phương quan tâm triển khai cụ thể các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản; các Chiến lược phát triển các ngành/sản phẩm công nghiệp trọng điểm đã và sẽ ban hành (như Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Chiến lược phát triển ngành giấy giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Chiến lược ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược ngành ô tô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp chủ động sáng tạo trong mở rộng đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực thi tích cực các chủ trương chính sách mới, khai thác ưu đãi tại các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do, bám sát các mục tiêu, định hướng của toàn ngành. Tích cực tham mưu, đối thoại, góp ý với tinh thần xây dựng để Bộ Công Thương và các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách phục vụ phát triển.

Thảo My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/8-nhom-giai-phap-phat-trien-nganh-cong-thuong-nam-2025-131513.htm
Zalo