Giám sát triển khai Chương trình mới tại Nghệ An: Chặt chẽ, đúng lộ trình

Đoàn giám sát của ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá việc triển khai chương trình GDPT 2018 và SGK mới nghiêm túc, đúng lộ trình, đạt nhiều kết quả tốt.

Dạy học theo chương trình mới tại Trường Tiểu học Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Dạy học theo chương trình mới tại Trường Tiểu học Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã làm việc với các Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở VH&TT và nhiều địa phương, đơn vị liên quan về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" trên địa bàn.

Chuyển biến tích cực

Trường Tiểu học Châu Hội 2 (xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) có gần 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn với trên 65% học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, công tác dạy học ở trường nói chung và chương trình SGK mới theo lộ trình nói riêng được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Hiện nhà trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày với thời lượng 32 tiết/tuần. Các hoạt động giáo dục củng cố, tăng cường, hoạt động trải nghiệm, tham quan theo nhu cầu người học, hoạt động xã hội...

Theo cô Mai Thị Quang – Hiệu trưởng nhà trường, hàng năm giáo viên của trường đều được tham gia các đợt tập huấn bồi dưỡng chuyên môn do tỉnh tổ chức. Đồng thời thường xuyên được sinh hoạt chuyên môn cấp huyện, cụm trường và cấp trường. Nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1, 2, 3 theo lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nhờ đó, việc dạy học SGK mới trong 3 năm nay khá thuận lợi, từng bước đi vào ổn định và hiệu quả.

Chương trình GDPT 2018 thúc đẩy giáo viên đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Ảnh: Hồ Lài.

Chương trình GDPT 2018 thúc đẩy giáo viên đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Ảnh: Hồ Lài.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn như học sinh dân tộc thiểu số vốn nhận thức của các em không đồng đều, nhất là vốn Tiếng Việt nên có phần hạn chế nên khó khăn khi tiếp thu bài học. Chương trình SGK mới có một số bài nội dung nặng về kiến thức, văn bản đọc dài, câu hỏi khó với thực tế học sinh nhà trường.

“Khi một khối lớp chọn dùng từ 2 bộ sách trở lên cho các môn học cũng gặp một số bất cập khi thực hiện các nội dung giáo dục tích hợp. Ví dụ khối 1 dạy học môn Toán (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) chưa học số thì môn Tiếng Việt lớp (bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục đã viết số. Một số môn khác có chủ đề tương đương nhưng không cùng thời điểm…”, cô Mai Thị Quang nói.

Theo Hiệu trưởng nhà trường, tuy bước đầu thực hiện còn gặp một số khó khăn nhưng chương trình GDPT 2018 đã giúp học sinh năng động, sáng tạo hơn. Giáo viên cũng chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Giờ sinh hoạt lớp của cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai - 1 trong 2 đơn vị đang xây dựng mô hình trường học tiên tiến tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Giờ sinh hoạt lớp của cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai - 1 trong 2 đơn vị đang xây dựng mô hình trường học tiên tiến tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

So với toàn tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh là đơn vị thuận lợi trong triển khai chương trình GDPT 2018. Hiện các lớp 1,2,3 trên địa bàn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với thời lượng 2 buổi/ngày (28 đến 32 tiết/tuần). Lớp 6, 7 thực hiện chương trình GDPT 2018 với thời lượng 1.015 tiết/năm học (trung bình 29 tiết/tuần); 100% học sinh được học đầy đủ các môn học và các hoạt động giáo dục, chưa tổ chức dạy học tự chọn ngoại ngữ 2. Thành phố cũng có 2 trường Tiểu học Lê Mao và THCS Đặng Thai Mai triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, về việc thực hiện Nghị quyết 88 đối với ngành giáo dục đã cơ bản thể hiện được mục tiêu chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người và định hướng nghề nghiệp”. Đồng thời đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, kiểm tra, đánh giá chất lượng người học. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều chuyển biến tích cực. Mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh theo chương trình đã bước đầu khẳng định tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.

Kiến nghị nhiều giải pháp đồng bộ giải quyết vướng mắc, khó khăn

Tại cuộc làm việc với các Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở VH&TT, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá giai đoạn đầu việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 diễn ra đúng kế hoạch, lộ trình. Việc triển khai chương trình SGK mới đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10 đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu tạo điều kiện và nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo. Chương trình được triển khai đảm bảo đảm tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Số lượng giáo viên chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày (đối với cấp tiểu học). Cơ cấu chưa hợp lý, còn thừa - thiếu cục bộ, thiếu giáo viên các môn học mới (Ngoại ngữ, Tin học ở tiểu học; Khoa học tự nhiên ở THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT). Một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi. Bên cạnh đó một số giáo viên còn hạn chế trong ứng dụng CNTT trong dạy học, thiếu sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An trò chuyện, trao đổi với giáo viên, học sinh huyện Con Cuông. Ảnh: Hồ Lài.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An trò chuyện, trao đổi với giáo viên, học sinh huyện Con Cuông. Ảnh: Hồ Lài.

Về cơ sở vật chất chưa đáp ứng, thiếu nhiều phòng học bộ môn, nhất là phòng học Ngoại ngữ, Tin học; thiết bị dạy học tối thiểu chưa đủ, kinh phí dành cho mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn hạn hẹp. Tại buổi làm việc này, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có giải pháp lâu dài để bổ sung đội ngũ ngành giáo dục trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế và quy mô học sinh lại ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.

Để đáp ứng nhu cầu đội ngũ dạy học chương trình GDPT 2018 với những thay đổi về cơ cấu môn học, cần quy hoạch hệ thống trường sư phạm, khoa sư phạm. Từ đó đào tạo giáo viên các môn mới, tích hợp bên cạnh các môn học truyền thống. Đồng thời cân nhắc chỉ tiêu để đảm bảo cung – cầu, hạn chế tình trạng sinh viên tốt nghiệp sư phạm không có việc làm. Thực hiện liên thông trong đào tạo để chuẩn hóa và nâng chuẩn đội ngũ hiện có.

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp các ngành tiếp tục tham mưu thực hiện tốt hơn nữa khi tiếp tục triển khai chương trình mới một cách chặt chẽ, theo đúng lộ trình. Hiện tỉnh cũng đã có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình GDPT 2018. Sở GD&ĐT cần phối hợp với các đơn vị đào tạo sư phạm để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện tốt chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, hoạt động trải nghiệm. Cùng với đó phối hợp Sở Tài chính cần có hướng dẫn, giải pháp đảm bảo bố trí ngân sách kịp thời mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-sat-trien-khai-chuong-trinh-moi-tai-nghe-an-chat-che-dung-lo-trinh-post624720.html
Zalo