Giám sát thầu điện hạt nhân Ninh Thuận để tránh tiêu cực
Trong quá trình làm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, hình thức chỉ định thầu hợp đồng 'chìa khóa trao tay' có thể phát sinh lợi ích nhóm nên cần quy trình giám sát chặt chẽ.
Sáng 14/2, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong đó, Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định thầu "chìa khóa trao tay" với nhà thầu có tên trong Hiệp định liên Chính phủ và loạt cơ chế đặc thù để dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành vào năm 2030.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được phép giao chủ đầu tư thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc đàm phán đối tác ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác và tín dụng Nhà nước tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân được tiến hành song song quá trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, duyệt dự án.
Sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương (dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2025), Chính phủ được phép chọn nhà thầu và áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay" cho dự án. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ từ lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, đến thi công xây dựng. Ngoài ra, hợp đồng còn bao gồm điều khoản mua bảo hiểm cho vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho lần nạp đầu tiên.
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, việc chỉ định gói thầu hợp đồng "chìa khóa trao tay" là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch. Để giảm rủi ro, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung quy trình giám sát, công khai danh sách, tiêu chí lựa chọn nhà thầu; chế tài nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 174, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo thống nhất đưa dự án vào vận hành trong năm 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.