Giảm nghèo thông tin và hành trình thay đổi của phụ nữ miền biên viễn Tri Lễ

Ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông, không biết chữ. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, phổ biến kiến thức… gặp không ít khó khăn. Việc nâng cao nhận thức và từng bước thay thay đổi tư duy cho phụ nữ nơi đây là cả hành trình gian nan.

 Bà Vi Thị Sinh (bìa trái) đến thăm hỏi gia đình hội viên

Bà Vi Thị Sinh (bìa trái) đến thăm hỏi gia đình hội viên

Đi tuyên truyền phải có người phiên dịch

"Đa số người dân ở xã Tri Lễ thuộc các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, với tiếng mẹ đẻ là phương tiện giao tiếp chính. Trong khi đó, các thông tin quan trọng như chính sách pháp luật, các chương trình hỗ trợ, kiến thức khoa học kỹ thuật hay thông tin y tế, sức khỏe đều được thể hiện bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt). Nhiều lần đến các bản vùng sâu tuyên truyền phải có người phiên dịch khiến thông điệp khó đến được với họ một cách trọn vẹn và đầy đủ", bà Vi Thị Sinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ - chia sẻ.

Cũng theo bà Sinh, dù đã có nhiều khởi sắc nhưng tri Lễ vẫn là xã biên giới đặc biệt khó khăn khi số hộ nghèo còn chiếm trên 50% (1192 hộ nghèo/2173 hộ dân). Đặc biệt, nhiều bản người Mông sinh sống giao thông đi lại còn rất vất vả, mới chỉ có đường đất, chưa có đường bê tông hay đường nhựa nên vào mùa mưa lũ nhiều lúc giao thông gần như tê liệt.

Tuyên truyền các chủ trương, chính sách và phổ biến kiến thức cho Hội viên là công việc được bà Sinh (bên trái) và cán phụ nữ xã Tri Lễ thực hiện thường xuyên

Tuyên truyền các chủ trương, chính sách và phổ biến kiến thức cho Hội viên là công việc được bà Sinh (bên trái) và cán phụ nữ xã Tri Lễ thực hiện thường xuyên

"Cuối năm 2024, các bản Huổi Sái, Nậm Tột, Mường Lống mới có điện lưới. Đây sẽ là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong việc giảm nghèo thông tin tại các bản này. Có điện, có internet, đời sống văn hóa của người dân sẽ được cải thiện rất nhiều", bà Sinh nói.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ nói rằng, do một thời gian dài không điện, không đường, không internet và điều đó đã trở thành rào cản ngăn chặn việc tiếp cận các kênh thông tin hiện đại như truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội hay các ứng dụng thông minh.

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Tri Lễ không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục phổ thông nên phải nghỉ học sớm. Điều này dẫn đến trình độ học vấn thấp, thậm chí không biết đọc, biết viết, khả năng tự tiếp thu thông tin từ sách báo, tài liệu, hoặc các văn bản chính sách là gần như không thể.

Do thiếu thông tin và giáo dục, một bộ phận phụ nữ có thể chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi của bản thân, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hoặc những kiến thức cần thiết để cải thiện đời sống (như kiến thức về phòng chống tảo hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường, hay kỹ thuật sản xuất tiên tiến).

Trao sinh kế cho phụ nữ nghèo ở Tri Lễ

Trao sinh kế cho phụ nữ nghèo ở Tri Lễ

Họ thường ưu tiên những công việc mưu sinh trước mắt hơn là việc học hỏi, cập nhật kiến thức. Họ ít có cơ hội tham gia các buổi họp, tập huấn, hoặc tự chủ tìm kiếm thông tin bên ngoài phạm vi gia đình. Tâm lý e ngại, ít giao tiếp ũng làm giảm khả năng tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống. "Có nhiều lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền người tham gia chỉ có đàn ông", bà Sinh cho biết.

Ngoài ra, Tri Lễ là xã vùng cao, địa hình phức tạp, các bản làng nằm cách xa nhau và xa trung tâm xã, huyện. Điều này gây trở ngại lớn cho việc tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, các lớp tập huấn. Việc cán bộ tiếp cận từng hộ gia đình cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Bước "chuyển mình" mạnh mẽ

"Hiện tại trên địa bàn xã Tri Lễ đang có 3 lớp xóa mù chữ với gần 80 hội viên phụ nữ tham gia. Đây là lớp học do Hội LHPN xã phối hợp với đồn Biên phòng, Phòng giáo dục và các đoàn thể để triển khai. Xóa mù chữ rất quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn cho phụ nữ vùng cao", bà Sinh cho hay.

Trong những năm qua, Hội LHPN Tri Lễ thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức cho phụ nữ. Các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, các chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em được phổ biến đầy đủ cho người dân.

Phụ nữ ở Tri Lễ tham gia tích cực vào các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức

Phụ nữ ở Tri Lễ tham gia tích cực vào các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức

Nhờ được giáo dục, tuyên truyền liên tục, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết được đẩy lùi. Phụ nữ hiểu rõ hơn về các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và con cái, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. Tình trạng bạo lực gia đình không còn, trình độ phụ nữ ngày càng được nâng cao giúp họ tự bảo vệ mình và gia đình.

Hội phụ nữ ở Tri Lễ tiếp tục vận động hội viên phụ nữ tham gia các lớp học xóa mù chữ, các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. "Hiện số hội viên trên toàn xã đã lên tới 3421 người. Phụ nữ cũng tham gia rất tích cực các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức…, đó là sự thay đổi rất đáng mừng", bà Sinh vui mừng nói.

Để phụ nữ ở Tri Lễ vươn lên trong cuộc sống, trong những năm qua Hội LHPN xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống phù hợp với điều kiện địa phương, giúp phụ nữ tăng thu nhập. Khuyến khích, hỗ trợ chị em xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hợp tác xã, tổ nhóm phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tổ chức các hoạt động quyên góp, hỗ trợ con giống, cây trồng, ngày công lao động giữa các hội viên, đặc biệt là giúp đỡ các hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật.

Cán bộ Hội phụ nữ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn Tri Lễ

Cán bộ Hội phụ nữ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn Tri Lễ

Hội LHPN Tri Lễ cũng triển khai các phong trào thi đua như phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Tuyên truyền về quyền của phụ nữ và trẻ em. Vận động phụ nữ giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là những tập quán có nguy cơ dẫn đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ chia sẻ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động, thu hút phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp về kỹ năng công tác, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và kỹ năng mềm...

"Việc thay đổi nhận thức và các tập tục đời của bà con dân tộc thiểu số cần rất nhiều thời gian và sự kiên trì. Mưa dầm thấm lâu, những năm qua chúng tôi đã từng vượt qua nhiều thách thức để giúp phụ nữ vùng khó Tri Lễ có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên phía trước vẫn là con đường dài và hành trình thay đổi tư duy cho phụ nữ nghèo ở Tri Lễ vẫn được chúng tôi tiếp tục thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn", bà Vi Thị Sinh cho hay.

Nguyễn Cảnh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giam-ngheo-thong-tin-va-hanh-trinh-thay-doi-cua-phu-nu-mien-bien-vien-tri-le-20250521184733575.htm
Zalo