Kỳ thi vào lớp 10: Phụ huynh Hà Nội 'đau đầu' chọn trường tư dự phòng cho con
Dù chưa đến kỳ thi vào lớp 10, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đang 'đau đầu' tìm trường ngoài công lập và sẵn sàng trả phí 'giữ chỗ' dự phòng cho các con.
Chỉ 64% thí sinh được vào công lập
Chị Nguyễn Mai Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Con gái lớn nhà tôi học trường THCS Thái Thịnh, đang chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10. Con chọn thi vào trường THPT Kim Liên, năm ngoái, điểm chuẩn tới 41,75 điểm, nên cháu đang phải ôn luyện chăm chỉ. Để giúp con giảm bớt áp lực thi cử, tôi vẫn luôn động viên con, nếu không đỗ vào trường công lập mong muốn, thì vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác cũng đem lại nhiều cơ hội học tập tốt cho con".

Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng đang lo lắng, hồi hộp khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang đến gần.
Anh Dũng, sống tại khu vực Ba Đình, có con trai chuẩn bị thi vào lớp 10 chia sẻ về những khó khăn trong dự đoán điểm chuẩn: "Đây là kỳ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, với những thay đổi đáng kể về cấu trúc đề thi và cách tính điểm. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường THPT Chu Văn An là 42,5 điểm, trong khi kết quả thi thử của con tôi mới đạt trung bình khoảng 7,5 điểm mỗi môn, điều này khiến tôi lo lắng".
Trong khi đó, chị Thu, người có con đang học tại trường THCS Chu Văn An cho hay: "Mặc dù con trai tôi học cũng thuộc loại khá của lớp, song tôi vẫn khuyên con nên tham khảo một số trường ngoài công lập qua các kênh thông tin như mạng xã hội, báo chí, hoặc trực tiếp lắng nghe ý kiến của các phụ huynh có con đang học tại các trường đó".
Anh Dũng, chị Phương, chị Mai là 3 trong số các phụ huynh đang cân nhắc về việc lựa chọn trường để đảm bảo tương lai học tập của các con.
Thầy trò gấp rút chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình mới
Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: 12 khu vực, 3 nguyện vọng
Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập của thành phố đã tăng 3% so với năm trước, nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 64% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Điều này có nghĩa, còn tới khoảng 36% học sinh, tương đương khoảng 48.000 em, sẽ không thể vào các trường công lập. Các em buộc phải tìm kiếm các cơ hội tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc lựa chọn học nghề để tiếp tục con đường học vấn và phát triển kỹ năng.
Bối cảnh đó đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các em học sinh trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Điều này cũng phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hệ thống giáo dục của thành phố.

Một môi trường giáo dục phù hợp sẽ hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất (Ảnh minh họa).
Chọn trường cho con, tiêu chí nào?
Theo ý kiến của PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc lựa chọn trường THPT phù hợp cho con là một quyết định vô cùng quan trọng. Giai đoạn học phổ thông là thời kỳ các em phát triển mạnh về tính cách, năng lực cá nhân cũng như định hình nhân cách.
Trong thế kỷ 21, các yêu cầu dành cho thế hệ trẻ ngày càng cao, đòi hỏi các em phải tự tin về kiến thức, có khả năng nhận thức tốt, biết tự định hướng trong các tình huống xã hội, cùng với trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Đây chính là thời điểm các em hình thành những năng lực quan trọng này và phát triển toàn diện về phẩm chất lẫn năng lực.
Đặc biệt, giai đoạn bước vào cấp ba được xem là thời điểm quan trọng để hình thành nhân cách thứ hai, sau lần đầu diễn ra khi các em mới 6 tuổi, khi bộ não đã phát triển đầy đủ hơn. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu mở rộng các mối quan hệ, khám phá thế giới và tương tác nhiều hơn với bạn bè. Đồng thời, các em cũng bắt đầu tìm hiểu về nghề nghiệp và chính bản thân mình.
Ông Nam nhấn mạnh, để chọn được trường phù hợp cho con, phụ huynh cần hiểu rõ rằng mỗi đứa trẻ có ba người thầy: cha mẹ, thầy cô tại trường và môi trường giáo dục rộng hơn, bao gồm cả môi trường sống thực tế lẫn trực tuyến. Một môi trường giáo dục phù hợp sẽ hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất, giúp các em tự tin và trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Do đó, quyết định chọn trường cần dựa trên các tiêu chí khách quan, phù hợp với đặc điểm, sở thích và tiềm năng của từng trẻ. Điều này sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện trong giai đoạn quan trọng này.
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra một số tiêu chí phụ huynh cần quan tâm khi chọn trường cho con: Thứ nhất là triết lý giáo dục của nhà trường và cách thức triển khai trong chương trình giảng dạy. Triết lý này cần được truyền đạt rõ ràng và tích hợp một cách phù hợp, đồng thời phải có cơ sở vật chất đầy đủ để thực hiện mục tiêu giáo dục đó một cách hiệu quả.
Tiêu chí thứ hai là văn hóa ứng xử và khả năng tương tác giữa thầy và trò. Các giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền cảm hứng học tập, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, giúp học sinh cảm thấy yêu thích, tự tin hơn trong quá trình học tập.
Tiêu chí thứ ba là việc phát triển môi trường cá nhân hóa, giúp học sinh phát huy năng lực và sở thích riêng của mình. Các trường cần có câu lạc bộ, lộ trình học tập phù hợp, cùng các chương trình nâng cao và bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng của từng em.
Cuối cùng là định hướng nghề nghiệp trong giai đoạn phổ thông cũng rất quan trọng. Các trường nên liên kết với các trường đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động để cung cấp cho học sinh các trải nghiệm thực tế, trang bị kỹ năng mềm và khả năng tự học. Điều này giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai và tự tin hơn khi bước vào cuộc sống sau này.
"Để nâng cao chất lượng giáo dục, cần xây dựng một môi trường học tập toàn diện, trong đó triết lý giáo dục rõ ràng, văn hóa ứng xử tích cực và định hướng nghề nghiệp phù hợp là những yếu tố nền tảng quan trọng giúp các em phát triển toàn diện, tự lập và sẵn sàng đương đầu với thử thách của cuộc sống", ông Nam nói.