Giảm gánh nặng cho người bệnh

Mới đây, cử tri kiến nghị bổ sung một số bệnh ung thư phổ biến như: tuyến giáp, cổ tử cung, vú... vào danh mục sàng lọc được chi trả bảo hiểm y tế (BHYT).

Với một số bệnh ung thư nguy hiểm này, nếu sàng lọc và phát hiện sớm sẽ giảm được chi phí điều trị rất lớn. Đây là kiến nghị liên quan đến sức khỏe của đa số người dân, ngành Y tế cần quan tâm ưu tiên xem xét.

Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng

Hiện nay, chi phí sàng lọc ung thư chưa được BHYT thanh toán. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung một số bệnh ung thư phổ biến như tuyến giáp, cổ tử cung, vú... vào danh mục sàng lọc được chi trả BHYT, nhằm giảm gánh nặng cho người dân.

Thực tế, ung thư đang gây gánh nặng lớn lên hệ thống y tế. Bởi trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 182.600 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong vì ung thư; khoảng 355.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Riêng ung thư vú hiện đứng số một về tỷ lệ mắc mới và tử vong, sau đó đến gan, phổi.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, năm 2023, Quỹ BHYT chi trả phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) là gần 6.200 tỷ đồng. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân ung thư khoảng trên 176 triệu đồng/năm. Với các ca nặng, phức tạp, số tiền có thể gấp nhiều lần. Nhóm bệnh nhi được BHYT hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần, gia đình vẫn khó tránh khỏi khó khăn về tài chính. Trong khi đó, bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tỷ lệ sống cao và giảm gánh nặng tài chính.

Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc ung thư phổ biến nhằm giảm gánh nặng cho người dân. Ảnh: Hải Linh

Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc ung thư phổ biến nhằm giảm gánh nặng cho người dân. Ảnh: Hải Linh

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đã ghi nhận ý kiến cử tri để tổng hợp, nghiên cứu bổ sung danh mục dịch vụ y tế được BHYT thanh toán, trong đó có sàng lọc các bệnh ung thư nhằm mở rộng quyền lợi BHYT. Việc bổ sung này đòi hỏi nghiên cứu các khía cạnh liên quan như mức đóng, mức hưởng, quản lý dịch vụ để chống lạm dụng trục lợi cũng như hài hòa giữa quan điểm các dịch vụ dự phòng do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi phí khám, chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả.

Năm 2024, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo quy định mang tính nguyên tắc như phạm vi được hưởng BHYT. Việc mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả BHYT dựa trên tiêu chí đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, đạt hiệu quả khi can thiệp sớm. Từ đó, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn.

Hiện Quỹ BHYT vẫn bảo đảm cân đối, tuy nhiên, khi điều chỉnh, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT cũng cần cân nhắc khả năng cân đối của quỹ. Nếu Quỹ BHYT chi trả chi phí cho việc sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh thì phải xem xét mức đóng BHYT cho phù hợp.

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc

Dựa vào những tiêu chí đặt ra, ngành y tế đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Bởi đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn.

Trong khi đó, tỷ lệ sàng lọc sớm của bệnh còn thấp. Chi trả BHYT đối với sàng lọc hai bệnh lý này sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị sớm. Hiện đã có nhiều bằng chứng về chi phí, hiệu quả của biện pháp sàng lọc. Cụ thể, chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2.600 - 3.000 tỷ đồng/năm; chi phí cho sàng lọc ung thư vú là 2.500 - 5.300 tỷ đồng/năm.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc bổ sung danh mục dịch vụ y tế được BHYT thanh toán cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn, chuẩn bị điều kiện cần thiết làm cơ sở tổng kết và đề xuất khi sửa đổi toàn diện Luật BHYT hoặc trường hợp cần thiết có thể thí điểm trước khi quy định tại Luật.

Theo Bộ Y tế, hiện đã có các chương trình tầm soát ung thư trong cộng đồng như tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tầm soát miễn phí hoặc chi phí thấp dành cho nhóm có nguy cơ cao. Mặt khác, trong các thông tư ban hành, Bộ Y tế đã bổ sung một số dịch vụ kỹ thuật để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, góp phần tăng tiếp cận và hiệu quả điều trị đối với một số bệnh lý ung thư, tăng quyền lợi BHYT cho người không may mắc bệnh.

Bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT

Bộ Y tế cũng đang xây dựng, cập nhật danh mục thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Ông Đồng Huy Trường - Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh và đơn vị dược phẩm đề xuất bổ sung 75 thuốc mới vào danh mục BHYT, trong đó, đề xuất chi trả 28 loại thuốc điều trị đích bệnh ung thư. Thuốc điều trị đích là thuốc trị ung thư mang hiệu quả tốt cho người bệnh, song thường đắt tiền, nhiều người không có khả năng tiếp cận. Vì vậy, lần chỉnh sửa danh mục này, hơn 100 đơn vị đã gửi danh sách về Bộ Y tế để bổ sung thêm thuốc mới vào mục BHYT chi trả.

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết, Thông tư số 37/2024/TT- BYT vừa được Bộ Y tế ban hành cũng công khai, minh bạch các tiêu chí lựa chọn thuốc đưa vào danh mục BHYT. Bộ Y tế sẽ cập nhật những thuốc mới, đưa ra khỏi danh mục những thuốc có cảnh báo kém hiệu quả, không phù hợp. Cụ thể có 60 thuốc đang được rà soát đưa ra khỏi danh mục hoặc xem xét lại tỷ lệ thanh toán theo Luật Khám chữa bệnh mới. Nhiều đầu thuốc được xem xét đưa xuống cơ sở khám chữa bệnh ban đầu - Trạm Y tế xã để tăng khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh.

Như vậy, một số thuốc trước đây chỉ trong danh mục chi trả ở T.Ư sẽ được nới xuống Trạm Y tế xã. Người bệnh về Trạm Y tế xã vẫn được hưởng thuốc đắt tiền như bác sĩ tuyến T.Ư kê đơn. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ đưa ra khỏi danh mục các thuốc không đáp ứng hiệu quả điều trị, nhằm kích thích nhà sản xuất phải nghiên cứu, phát triển thuốc, tăng hiệu quả điều trị, đa dạng hóa thuốc. Người bệnh được hưởng lợi vì có thêm nhiều thuốc mới, bác sĩ cũng dễ kê đơn hơn khi có nhiều lựa chọn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT có 1.037 hoạt chất. Trong đó, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 được sử dụng toàn bộ danh mục hoạt chất này, trong khi đó bệnh viện hạng 2 sử dụng 991 hoạt chất, con số này ở hạng 3 và 4 chỉ là 756 hoạt chất và Trạm Y tế là 356 hoạt chất. Điều này cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa các hạng của cơ sở khám chữa bệnh.

Thuốc luôn là cấu phần quan trọng, chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Danh mục thuốc BHYT chi trả được ban hành văn bản riêng để bảo đảm việc cập nhật được thường xuyên. Song, thực tế, thời gian qua danh mục này chậm cập nhật, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT.

Đáng nói, nhiều thuốc mới, có hiệu quả điều trị chưa được đưa vào danh mục thuốc BHYT nên khi được kê đơn người bệnh phải tự chi trả. Vì thế, nguyên tắc thứ ba khi xây dựng cập nhật danh mục thuốc là bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trả trực tiếp của người tham gia BHYT.

Việc mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT để hướng đến mục tiêu bảo đảm tốt hơn quyền lợi khám, chữa bệnh và giảm chi tiền túi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT phải dựa trên nguyên tắc cân đối thu chi Quỹ BHYT, ổn định và phát triển bền vững Quỹ BHYT.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh)

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-ganh-nang-cho-nguoi-benh.html
Zalo