Giảm gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam không ngừng tăng, từ 65,2 tuổi vào năm 1989 lên 73,7 tuổi vào năm 2021. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ngày một thấp đi, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi, trung bình một người phải sống chung từ 3-5 bệnh.

Hai năm nay, đều đặn vào ngày 20 hàng tháng chị Nguyễn Thị Bích Thủy (quận Tân Bình) đẩy xe lăn đưa mẹ chồng là bà Trần Ái Trang (64 tuổi) đến khám định kỳ tại Bệnh viện Thống Nhất. Mẹ chồng chị bị biến chứng loét bàn chân, nhiễm trùng lan rộng… do tiểu đường, phải ngồi xe lăn.

Hoàn cảnh tương tự, ông Phan Văn Năm (ngụ quận Tân Bình) là bệnh nhân quen thuộc của các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất sau khi nghỉ hưu vào tháng 7-2018. “Trước đó, tôi bị tiểu đường, viêm gan B. Gần đây, bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan và diễn biến nặng nhanh chóng. Chưa kịp hưởng thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác thì là chuỗi ngày dài gắn liền với bệnh viện”, ông Năm bày tỏ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong các quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ đứng thứ 2. Dù vậy, mỗi người phải sống trung bình với 10 năm bệnh tật, cao hơn các nước. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người.

Theo các chuyên gia y tế, quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Thế nhưng, do nhiều người không có thói quen khám bệnh định kỳ và còn chủ quan trong điều trị bệnh, nên khi phát hiện ra bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị rất khó khăn, tốn kém.

PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trung bình một người cao tuổi mắc từ 2-3 bệnh mạn tính cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên. “Cần phải có nhiều giải pháp, trong đó việc tuyên truyền nên mạnh mẽ hơn nữa để người dân cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ”, PGS-TS Lê Đình Thanh nhấn mạnh.

Người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện

Người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện

Thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có hơn 1 triệu người cao tuổi cần được thăm khám và ngành y tế thành phố sẽ triển khai khám đồng loạt cho tất cả người cao tuổi để đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị vào năm 2024, dự kiến mất khoảng 10 tháng để hoàn tất. Người cao tuổi có thể khám sức khỏe tại các trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực có giấy phép hoạt động, có đủ nhân sự và trang thiết bị…

Về vấn đề này, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) giai đoạn 2024-2025. Thành phố sẽ chi gần 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm kiểm soát bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giam-ganh-nang-benh-tat-o-nguoi-cao-tuoi-post707871.html
Zalo