Giảm áp lực, tăng an toàn cho điều dưỡng với bối cảnh thiếu nhân lực trầm trọng
Theo Bộ Y tế, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam cần khoảng 260.000 điều dưỡng, nhưng hiện tại mới chỉ có 150.000 người, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành.

Điều dưỡng Bùi Văn Quyền – Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện K) tiêm truyền cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Điều dưỡng được công nhận là người hành nghề có tính độc lập cao, giữ vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe và củng cố hệ thống y tế.
Theo Bộ Y tế, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam cần khoảng 260.000 điều dưỡng, nhưng hiện tại mới chỉ có 150.000 người, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành.
Vai trò then chốt của điều dưỡng
Nhân ngày quốc tế điều dưỡng (12/5), Tiến sỹ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay vụ việc điều dưỡng viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị hành hung khi đang làm việc là một sự việc đau lòng của đội ngũ điều dưỡng. Qua nhiều khảo sát, thống kê và nghiên cứu của ngành y tế đã cho thấy điều dưỡng là lực lượng dễ bị kiệt sức do nghề nghiệp, bởi thường xuyên phải trực đêm, áp lực công việc cao, đặc biệt là ở khu vực các khoa hồi sức hay cấp cứu.
Chính vì vậy, đội ngũ điều dưỡng các cấp cần được kiện toàn tổ chức từ cấp Trung ương, Sở Y tế đến các bệnh viện. Đội ngũ điều dưỡng cần được tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, được cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Bệnh viện K là cơ sở y tế lớn nhất cả nước chuyên về khám và điều trị ung bướu. Mỗi năm, bệnh viện tiếp đón và điều trị cho khoảng hơn 400.000 lượt bệnh nhân, trong đó, bệnh viện đã và đang thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đông đồng thời gia tăng áp lực lên công việc cho các nhân viên y tế, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng.
Điều dưỡng Bùi Văn Quyền - Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện K) cho hay làm điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu với đặc trưng chăm sóc cho những bệnh nhân trong tình trạng nặng, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư thì công việc càng vất vả hơn.
Công việc của người điều dưỡng ở khoa hồi sức như một vòng quay bận rộn bất kể ngày thường hay ngày lễ, Tết, tại Khoa luôn kín giường bệnh và khó khăn, tất bật hơn khi phải chăm sóc bệnh nhân thở máy, lọc máu, hạ thân nhiệt với nhiều kỹ thuật cao đòi hỏi phải theo dõi sát sao, chăm sóc bệnh nhân kỹ lưỡng hơn.
Tâm sự về nghề, Điều dưỡng Quyền cho biết nếu không phải là người yêu nghề thì khó gắn bó lâu dài vì công việc quá vất vả.
“Bên cạnh đó, người điều dưỡng cũng phải vượt qua những mặc cảm, bởi vì thực tế nhiều lúc bệnh nhân đến bệnh viện thì cũng chỉ quan tâm đến bác sỹ, còn với điều dưỡng dù tiếp xúc với bệnh nhân gần như từ sáng đến tối trong nhiều ngày liên tục, theo dõi từng diễn biến bất thường của bệnh nhân để báo với bác sỹ nhưng nhiều lúc người nhà và bệnh nhân thực sự chưa coi trọng đến vai trò của người điều dưỡng. Đó chính là điều mà rất nhiều điều dưỡng sẽ cảm thấy tự ti,” Điều dưỡng Bùi Văn Quyền trải lòng.

Công việc của người điều dưỡng ở các khoa hồi sức hay cấp cứu càng khó khăn và tất bật hơn khi phải chăm sóc bệnh nhân thở máy, lọc máu... (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Vương Ánh Dương phân tích đội ngũ điều dưỡng luôn có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định dịch vụ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế.
Năm 2025, Hội đồng điều dưỡng quốc tế nhấn mạnh vai trò then chốt của điều dưỡng trong nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ngày 12/5 hàng năm được chọn là Ngày điều dưỡng quốc tế nhằm tôn vinh những đóng góp không thể thay thế của đội ngũ này.
Tiến sỹ Đỗ Anh Tú - Phó giám đốc Bệnh viện K khẳng định Ngày quốc tế điều dưỡng là dịp đặc biệt để tri ân những đóng góp thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng - những "chiến sỹ" trên tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bệnh viện K là nơi cuộc chiến giành sự sống diễn ra mỗi ngày, đội ngũ điều dưỡng không chỉ thực hiện y lệnh mà còn đồng hành cùng bệnh nhân ung thư.
Bác sỹ Tú nhấn mạnh với chủ đề "Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế," một lần nữa khẳng định vai trò cốt lõi của họ trong hệ thống y tế. Chúng tôi cảm ơn và cam kết tạo điều kiện để các điều dưỡng phát triển, lan tỏa giá trị của nghề."
Thúc đẩy mô hình chăm sóc toàn diện
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định điều dưỡng là bộ phận sống còn của hệ thống y tế. Tại Việt Nam, điều dưỡng chiếm 60-70% nhân lực tại các cơ sở y tế và là lực lượng gắn bó thường xuyên nhất với người bệnh suốt quá trình điều trị. 30 năm qua, Việt Nam đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên bốn cấp: cao đẳng, đại học, thạc sĩ/chuyên khoa I, và từ năm 2019 đã đào tạo tiến sĩ điều dưỡng trong nước.
Theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 lần đầu quy định điều dưỡng là người hành nghề có tính độc lập cao, khẳng định vai trò trung tâm trong chăm sóc bệnh nhân, thúc đẩy mô hình chăm sóc toàn diện, đa ngành.

Điều dưỡng là người theo dõi tình hình sức khỏe và gắn bó mật thiết với các bệnh nhân hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phân tích, lĩnh vực khám chữa bệnh vốn mang nhiều áp lực, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh, bình quân mỗi ngày lên tới hàng trăm nghìn lượt. Trong khi đó, lực lượng cán bộ ngành chưa đáp ứng được nhu cầu. Có những bệnh viện rất đông, tâm lý người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ lưỡng, nhưng nhiều khi cơ sở y tế không đáp ứng kịp.
Khi số lượng bệnh nhân quá lớn với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ y tế cũng như áp lực nặng nề lên đội ngũ nhân viên y tế. Đây cũng là tình huống có thể khiến người bệnh, người nhà chưa hài lòng như cách họ mong muốn.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng được ban hành thời gian qua đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển chuyên sâu và chuyên nghiệp nghề điều dưỡng tại Việt Nam từ Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định 96/2023/NĐ-CP; Thông tư 31/2021/TT-BYT, Thông tư 32/2023/TT-BYT, lần đầu tiên quy định rõ phạm vi hành nghề và danh mục 1.251 kỹ thuật chuyên môn cho điều dưỡng; nhiều kỹ thuật từng chỉ bác sĩ thực hiện nay được hợp pháp hóa, phù hợp với năng lực và trình độ đào tạo… bảo đảm an toàn người bệnh và thúc đẩy điều dưỡng phát triển theo hướng chuyên sâu, chuẩn hóa đào tạo và hội nhập quốc tế.
Trước đó, Bộ Y tế đã trao quyền chủ động cho điều dưỡng đánh giá, chẩn đoán, can thiệp trong phạm vi chuyên môn; nâng tầm vai trò trong hệ thống bệnh viện hiện đại, hướng tới chăm sóc nhân văn và chuyên nghiệp. Bởi một hệ thống y tế hiệu quả, công bằng và nhân văn chỉ có thể được xây dựng vững chắc khi điều dưỡng được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư đúng mức và tạo điều kiện phát huy toàn diện năng lực của mình./.