Giải tỏa nỗi lo tự sản tự tiêu

Gần đây, hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phanh phui và xử lý. Tuy nhiên, củng cố niềm tin người tiêu dùng vào hàng hóa và sản phẩm, dịch vụ hiện nay vẫn là thách thức rất lớn.

Chú Hòa xóm tôi thường ngày vẫn dành thời gian chăm mảnh vườn nhỏ. Chú quê vùng chiêm trũng Bắc bộ, quen với mô hình vườn- ao- chuồng, siêng năng chăm chỉ là lẽ thường. Ngoài tận dụng khoảnh đất mấy mét vuông hình tam giác cạnh nhà, cách một đỗi, chú còn có mảnh vườn là lô nền của một người quen. Mảnh vườn hình tam giác chú Hòa trồng hàng sả dọc tường, mấy gốc ớt, đu đủ, nhiều nhất là rau lang, rau ngót. Mảnh vườn rộng hơn chừng 150 mét vuông ( vườn lớn), Hòa trồng đủ loại rau quả, mùa nào thức ấy, làm thêm giàn cho bầu bí, su su, mướp; bên dưới là chuồng nuôi gà, vịt, ngan. Rau củ, vật nuôi không nhiều nhưng bù đắp phần nào lượng rau xanh, thực phẩm cần dùng.

 Góc nhỏ này dành cho hàng sả trồng sát tường và rau ngót. Ảnh: TS

Góc nhỏ này dành cho hàng sả trồng sát tường và rau ngót. Ảnh: TS

Không chỉ khoảnh đất trống chú Hòa, anh Thông, chú Đức tận dụng làm vườn rau, ao cá, xuôi xuống phía dưới, mấy mảnh đất rộng gần nhà bà Ba vốn cây cỏ, cúc quỳ lên dày, gần đây cũng được tận dụng trồng mì, môn, bắp, đậu phụng. Cây cối mùa mưa tốt tươi, lòng cảm thấy thư thới, dễ chịu một cách lạ.

Hôm nào anh em, bạn bè hàng xóm “bù khú” với nhau, trái ớt, củ sả, nắm rau mùi như húng quế, trái mướp, con gà, con vịt vườn chú Hòa phát huy tác dụng và ý nghĩa “cuồn cuộn”. Ai cũng cảm thấy ngon hơn, khoái hơn khi tận hưởng đồ tươi sống an toàn “nhà làm”. Đang chế biến, chú Đức có thể nhờ tôi ra vặt mấy trái ớt hiểm. Trời lâm râm mưa nhưng không ngăn chú Hoàng ra vườn hái vội nắm rau răm, húng, quế cho đủ đầy nguyên liệu, mùi vị món ăn.

Không rào giậu, che chắn phòng bị, nhiều thứ trong mảnh vườn chú Hòa thành “của dùng chung” với những gia đình lân cận, khi trong nhà thiếu cọng hành, trái ớt, nhúm rau mùi. Nói không quá, nó là một phần gắn kết tự nhiên, thân thuộc giữa các gia đình.

Bẵng một thời gian, gần đây khi lân la sang chơi, tôi lấy làm ngạc nhiên khi khu vườn lớn của chú Hòa có thêm ao cá. Vườn hẹp nên ao nhỏ chừng hơn 4 mét vuông. Chú Hòa đóng mười mấy cọc gỗ định hình hình chữ nhật, cao hơn mặt đất chừng 70 phân rồi lồng tấm bạt nhựa vào bên trong, cố định bằng cách cột dây chắc vào các cọc. Khiêm tốn nhưng ao nuôi cá rô, lươn, kết hợp trồng rau muống. Chú Hòa cắt một số đoạn tre ngắn cố định đáy ao làm nơi trú ẩn của lươn. Hai khay nhựa rau muống gốc dầm chân trong nước, thân ngọn tươi xanh vươn lên bên trên.

Dù đang kinh doanh dưới cơ sở nhưng những lúc ở nhà, chú Hòa dành thời gian khá nhiều cho mô hình tăng gia của mình. Cuốc xới, bỏ phân, bắt sâu, cho cá, gà ngan ăn, che chắn ao chuồng mùa mưa, ít gì chú Hòa cũng mất vài tiếng sáng, chiều mỗi ngày. Nhìn cách săn sóc, chăm chút, tôi hiểu chú Hòa quan tâm và yêu thích mô hình sản xuất này lắm.

 Mảnh vườn nhỏ có giàn bí, ao cá, chuồng gà, rau xanh. Ảnh: TS

Mảnh vườn nhỏ có giàn bí, ao cá, chuồng gà, rau xanh. Ảnh: TS

Hỏi ra, chú Hòa không dấu giếm: “ Bây giờ hàng giả, mất an toàn nhiều quá. Chẳng đủ dùng đâu, nhưng tự chủ được thứ gì hay thứ đó”. Tôi cũng hiểu ra, chú Đức trở về từ nhà máy bao giờ cũng kèm nải chuối, ký thịt heo đen, con gà, hay bó rau từ dưới làng. Cháu Phát thì quyết thịt vịt nuôi làm bát tiết canh, chứ có cho cũng không lấy vịt nuôi thức ăn công nghiệp…

Tất cả đều có lý do, xuất phát từ thực tế và thông tin trên báo chí, mạng xã hội về hàng loạt vụ thuốc, thực phẩm chức năng, đồng hồ, túi hiệu, sửa giả, thực phẩm thiếu an toàn bị phanh phui, xử lý thời gian qua. Rõ ràng, người tiêu dùng đang mắc kẹt giữa việc không thể không dùng hàng hóa nhưng dùng thì lo lắng, thiếu an tâm, nhất là hàng hóa liên quan đến cái ăn hàng ngày và nhu cầu đảm bảo sức khỏe.

Mô hình tự sản tự tiêu nói trên của chú Hòa và xóm ngoại ô của tôi thực ra là phản ứng tự nhiên nhưng lúng túng trong mê hồn trận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay. Đất đai không tự đẻ ra, trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng. Nay mai còn đâu những lô đất nền bỏ trống để người như chú Hòa, anh Thông, chú Đức tận dụng trồng luống rau, làm ao cá, nuôi con gà con vịt. Không còn, không có, họ cũng như tôi, tiếp tục dùng những thứ hàng hóa thiết yếu với bao nỗi lo.

Chỉ khi quy định pháp luật đầy đủ, nghiêm minh, người thừa hành công vụ thực thi nghiêm túc, người tiêu dùng kiên quyết đấu tranh vì quyền lợi thì khi đó vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới được giải quyết tận gốc. Chắc chắn sau đợt ra quân rầm rộ và xử lý kiên quyết, tình hình sẽ sớm cải thiện. Miếng cơm, con cá, bát canh, cọng rau an toàn hơn, để không phải vừa ăn vừa lo vừa sợ ảnh hưởng sức khỏe.

Tự sản tự tiêu là phương thức sản xuất vốn chỉ tồn tại trong xã hội chưa phát triển. Nó là sản phẩm của nền sản xuất lạc hậu, năng suất sản lượng hàng hóa, sản phẩm không đáng kể, và đặc biệt xu hướng toàn cầu hóa chưa trở nên phổ quát rộng rãi như một tất yếu. Câu chuyện kể trên không thể làm đảo ngược quy luật sản xuất và phát triển kinh tế trong thời đại ngày nay. Nhưng nó đáng được đề cập và lưu ý khi nền sản xuất và thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đã và đang mắc phải vấn đề nghiêm trọng: hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ khi nào niềm tin vào chất lượng hàng hóa được khôi phục thì nền sản xuất và kinh tế mới có cơ hội phát triển. Đó cũng là yêu cầu cấp thiết của người tiêu dùng, hơn thế là của nền sản xuất an toàn, bền vững.

Khi đó, vườn rau, ao cá chú Hòa, anh Thông, chú Đức không phải là cách đối phó với thực phẩm thiếu an toàn mà thực sự là niềm đam mê vui thú điền viên không hơn không kém.

Thất Sơn

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/giai-toa-noi-lo-tu-san-tu-tieu-post330266.html
Zalo