Thứ trông kỳ dị không ngờ là đặc sản 'ăn giòn sần sật' dân phố thích mê, 70.000 đồng/kg
Đặc sản này có vẻ ngoài khá kỳ dị, nhìn thấy sợ nhưng đem chế biến cùng một số nguyên liệu và nêm nếm gia vị lại thành món ngon, ăn giòn sần sật giống bào ngư.
Con bà chằn (còn gọi là con xù xì, hoặc con lư) là loài nhuyễn thể không có vỏ cứng bọc ngoài. Ở Việt Nam, con lư xuất hiện nhiều và phổ biến hơn cả ở Thanh Hóa.
Con lư thân hơi lồi ở bề mặt lưng và di chuyển chậm chạp. Tùy từng vùng, từng môi trường sống mà con lư có kích cỡ khác nhau và vẻ ngoài, màu sắc cũng hơi khác biệt.

Chia sẻ với VietNamNet, anh Quang Đức – một ngư dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết, con lư có lớp da dày, xù xì và hơi cứng, lưng màu nâu đất trông tựa ốc sên nhưng dưới bụng có thể màu vàng, ngả xanh hoặc hơi đen, nhìn giống bào ngư.
"Ở Thanh Hóa, con lư được tìm thấy ở bãi đá ngầm ven biển. Con lư ở đây có kích thước lớn hơn con lư sống trong các khu rừng ngập mặn, bám vào cây đước hay thậm chí bò trên lá cây ở miền Tây", anh nói.

Theo kinh nghiệm của anh Đức, con lư thường xuất hiện vào mùa hè, năm ít năm nhiều tùy tình hình thời tiết.
Ban ngày, chúng trú trong các bờ, kè, vách đá hoặc ẩn mình dưới lớp rong, rêu ven biển, đến khi trời tối mới ra ngoài tìm thức ăn. Ngày mưa, con lư xuất hiện nhiều hơn. Khi ấy, người dân cầm đèn đi soi, bắt lư về nấu ăn hoặc đem bán.
"Chờ trời tối, người dân mới ra bãi, soi đèn bắt con lư. Hôm nào nhiều thì tranh thủ 1 đêm, tôi có thể bắt được vài cân, bán ngay cho mối quen cũng được hơn nửa triệu. Nếu ít thì mang về chế biến, cải thiện bữa ăn", anh Đức chia sẻ thêm.

Mặc dù có vẻ ngoài xù xì, kỳ dị nhưng con lư là nguyên liệu chế biến món ăn, được người dân Thanh Hóa sáng tạo thành loạt món ngon lạ như xào sả ớt, nấu cháo, hấp, gỏi…
Theo báo Thanh Hóa, cách chế biến con lư cũng đơn giản. Bỏ lư vào rổ cùng ít lá rưới, cát và tro bếp, vôi tôi, chà xát cho hết nhớt đến khi nào thân lư còn lại như màu mỡ gà mới đem rửa qua nước muối. Dùng dao sắc mổ ngang bụng con lư nặn hết ruột ra rồi mới nấu ăn.
Lư có thể nấu với dọc mùng, hoa chuối hột hoặc nấu cháo, xào sả ớt, nhưng ngon nhất vẫn là nấu ám bà chằn (lư).
Lư đem làm sạch, thái đôi, thái tư đem ướp đủ vị (mỡ, muối, nước mắm, riềng, sả, nghệ tùy lượng và tùy khẩu vị chua đậm nhạt của từng người) chừng 15 phút trước khi nấu. Khi nấu lư vừa chín tới đổ một bát con nước sôi, rồi cho chuối xanh thái lát hoặc cà pháo (nếu om cà) nấu chín. Khi gần chín cho một ít đậu phụ đã rán vàng vào trộn đều. Khi bắc ra khỏi bếp tra ít ớt, mùi tàu, tía tô, lá lốt thì thơm ngon vô cùng.

Chị Ngô Thu (Hà Nội) từng vài lần về quê chồng ở Quảng Xương (Thanh Hóa) vào mùa hè và thưởng thức món ăn từ con lư nhận xét, thịt lư có độ mềm nhưng ăn giòn sần sật, cảm giác giống phần diềm của con mực mai hay bào ngư.
"Mặc dù trông vẻ ngoài của con lư khá kỳ dị, nhìn thấy sợ nhưng đem chế biến cùng một số nguyên liệu và nêm nếm gia vị lại thành món ngon, không phải ai cũng biết để thưởng thức.
Con lư giá thành cũng rẻ, mua tại chỗ và chưa làm sạch, khoảng 60.000–70.000 đồng/kg. Ở thành phố, mình thấy người ta ít bán loại này lắm", chị Thu nói.
Minh Hoa (t/h)