Cần chấm dứt văn hóa tiêu dùng 'hàng fake'

Nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, thuốc chữa bệnh... thường được người tiêu dùng quan tâm sâu sắc hơn vì gây cảm giác bất an. Tuy nhiên, với quần áo bị làm giả, nhiều người không mấy quan tâm vì cho rằng vô hại…

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Quần áo, phụ kiện thời trang là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Đây cũng là một trong những mặt hàng bị giả mạo nhãn hiệu nhiều nhất do công nghệ sản xuất đơn giản, thường chỉ cần in, thêu trực tiếp lên sản phẩm. Trong khi đó, mạng lưới kinh doanh hiện không đơn thuần là các cửa hàng, chợ truyền thống mà còn mở rộng trên không gian mạng.

Theo thông tin từ Công an TP. Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội mới đây đã phát hiện một kho hàng tại địa chỉ số 99 ngõ 2 đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Puma với số lượng lớn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 35.300 bộ quần áo thể thao giả mạo các nhãn hiệu Nike, Adidas, Puma. Tổng giá trị số hàng vi phạm ước tính hơn 6,6 tỷ đồng. Đây là một trong những vụ việc điển hình trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thủ đô.

Số lượng lớn quần áo "fake" bị lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở.

Số lượng lớn quần áo "fake" bị lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở.

Thực tế khảo sát tại các khu chợ dân sinh, chợ sinh viên như chợ Nhà Xanh, chợ Phùng Khoang, chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp… tại Hà Nội cho thấy đây là những “thiên đường” cho hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Dạo một vòng qua các khu chợ nổi tiếng này, không khó để người tiêu dùng bắt gặp những gian hàng phủ kín các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa… gắn nhãn mác "đồ hiệu".

Theo giới thiệu của các chủ cửa hàng, sản phẩm thời trang ở đây có giá “rất mềm”. Đơn cử như chiếc quần jean mang thương hiệu CK giá chỉ từ 120.000 - 350.000 đồng, áo phông được gắn mác nhãn hiệu D&G giá chỉ 100.000 đồng... Trong khi đó, sản phẩm thương hiệu cùng loại trên thị trường được bán tại các Trung tâm thương mại có giá từ 2 - 3 triệu đồng/sản phẩm.

Tại TP.HCM, đầu tháng 6 vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra các ki-ốt tại trung tâm mua sắm Saigon Square, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm hàng nhái gồm quần áo, túi, kính, đồng hồ gắn nhãn hiệu xa xỉ như Rolex, Patek Philippe, Louis Vuiton, Gucci, Dior, Chanel, Hermès…

Tương tự, tại chợ Bến Thành (TPHCM), khách hàng có thể dễ dàng sở hữu những món hàng thời trang thuộc những thương hiệu nổi tiếng thế giới với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, từ túi xách, quần áo… cho đến khăn quàng, mắt kính, đồng hồ, giày dép… Tại một quầy kinh doanh túi xách thời trang, người tiêu dùng dễ dàng trả giá những chiếc túi LV, Dior từ 700.000 - 800.000 đồng xuống còn phân nửa, tầm 300.000 - 400.000 đồng/cái.

Không chỉ tại trung tâm thương mại hay chợ đầu mối, nhiều cửa hàng thời trang tại khu vực quận 3, quận 10 cũng bán các sản phẩm quần áo nhái các thương hiệu lớn như Burberry, Gucci, Louis Vuitton… Những chiếc áo sơ mi nhái thương hiệu Burberry được gọi là áo “siêu cấp” - tức là nhái giống hệt sản phẩm thật được bán với giá chỉ 1-2 triệu đồng/chiếc. Trong khi sản phẩm chính hãng có giá không dưới 7 triệu đồng/chiếc.

Đại diện Adidas Việt Nam chia sẻ trong những năm qua, thương hiệu này cũng phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm giả thương hiệu Adidas. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả ở TP.HCM, Hà Nội, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đồng Tháp… đã bị xử phạt. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả thương hiệu Adidas vẫn đang rất nhức nhối.

Ngoài ra, với tốc độ phát triển bùng nổ, các mạng xã hội hiện cũng đang trở thành kênh mua sắm trực tuyến phổ biến. Cùng với sự tiện lợi và giá rẻ, các nền tảng này đang bị lợi dụng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng một cách tràn lan... Điển hình, mặc dù đã có nhiều chính sách về việc nghiêm cấm bán các sản phẩm không an toàn và kém chất lượng, nhang “hàng fake” vẫn xuất hiện trên nền tảng Tiktok shop.

Chỉ cần gõ từ khóa như: “đồng hồ nam cao cấp chính hãng”, “túi LV”, “giày Gucci”, “dép Adidas”, “mỹ phẩm”, “đồ dùng điện tử”… người tiêu dùng sẽ nhanh chóng nhìn thấy hàng loạt kết quả với nhiều mức giá rẻ đến bất ngờ. Điều đáng nói, những sản phẩm này đều là hàng “nhái” nhưng được quảng cáo, mô tả nội dung về sản phẩm như hàng thật.

Những điều này cho thấy sự tồn tại của cái gọi là “văn hóa tiêu thụ hàng fake” tồn tại ở nước ta trong rất nhiều năm qua. Thay cho câu hỏi “Làm sao để ngăn chặn hàng giả?”, chúng ta nên đặt câu hỏi căn bản hơn: “Tại sao hàng giả vẫn còn đất sống, thậm chí ngày càng thịnh hành?”. Rõ ràng câu trả lời không chỉ nằm ở phía những kẻ kinh doanh bất lương hay lực lượng quản lý yếu kém, mà ở sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Tâm lý “sính hàng hiệu nhưng ngại chi tiền thật” là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả phát triển. Nhiều người mua hàng giả cực kỳ hiểu biết về hàng thật, biết rõ món đồ chính hãng có những chi tiết gì, đặc điểm gì, và họ thậm chí sử dụng kiến thức đó để săn hàng “supper fake”.

Mặt khác, nhiều người tiêu dùng Việt vẫn giữ suy nghĩ: “Tôi không đủ tiền mua hàng thật nên dùng đồ "fake" cũng được”... Họ quên mất rằng việc mua bán, sử dụng hàng giả là phạm pháp và tiếp tay cho hành vi phạm pháp. Món đồ giả họ sử dụng liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trốn thuế, phát triển ngành “công nghiệp đen"…

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): ''Đầu tiên, hàng giả, hàng nhái tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp và các thương hiệu cũng như những người sản xuất hàng thật. Thứ hai, ảnh hưởng đến uy tín thị trường của Việt Nam. Nếu một thị trường toàn hàng giả thì rất khó thu hút nhà đầu tư tâm huyết, làm ăn nghiêm túc…

Người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua là tiếp tay cho hành vi phạm pháp và chính mình phải gánh hậu quả nếu sản phẩm gây hại. Nguy hiểm hơn, điều này khiến thị trường thật – giả lẫn lộn, khó kiểm soát”.

Ở một số nước, hành vi mua và sử dụng hàng giả có thể bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định chế tài xử phạt người mua hàng giả, trừ trường hợp có yếu tố thương mại rõ ràng. Vì thế, lựa chọn của người tiêu dùng mang theo trách nhiệm đạo đức và pháp lý. Đã đến lúc cuộc tấn công chống hàng giả cần phải nhắm đến cả những người mua tự nguyện.

Ngoài chế tài mạnh, cần có giải pháp thay đổi tư duy tiêu dùng bằng việc tuyên truyền, giáo dục, để mỗi người sống thật với khả năng chi trả của mình, tự hào với việc dùng sản phẩm vừa túi tiền, tự hào "người Việt mua hàng Việt" thay vì đồ hiệu giả. Chỉ khi mỗi người tiêu dùng đều ý thức được rằng dùng hàng thật chính là tự trọng, chúng ta mới có được thị trường “sạch”.

Tuệ Mỹ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-cham-dut-van-hoa-tieu-dung-hang-fake.htm
Zalo