Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI: Hai tác phẩm đồng Giải A

Năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia có hai tác phẩm thuộc mảng sách Thiếu nhi và Khoa học tự nhiên-công nghệ cùng được trao giải A.

Các tác phẩm được trao Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Các tác phẩm được trao Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tối 29/12, Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Sáu đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Năm nay, có hai tác phẩm cùng được trao Giải A là bộ sách “Chào tiếng Việt” của Tiến sỹ Nguyễn Thụy Anh (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và tác phẩm “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển” của tác giả Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh (Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ).

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 10 Giải B, 11 Giải C và 18 giải Khuyến khích.

Một mùa giải nhiều đổi mới

Hai tác phẩm đoạt Giải A đều nhận được sự thống nhất cao từ thành viên Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo và các chuyên gia phản biện độc lập.

Cuốn “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển” thuộc loại chuyên khảo, tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

 Ban Tổ chức trao giải cho hai tác phẩm đoạt Giải A. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ban Tổ chức trao giải cho hai tác phẩm đoạt Giải A. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tác phẩm được đánh giá là có giá trị khoa học và thực tiễn cao vì lần đầu tiên xây dựng cơ sở khoa học cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên hợp quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển. Do đó, tác phẩm được sử dụng chính thức trong quản lý biển đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh và quốc phòng trên vùng biển Việt Nam.

Trong khi đó, bộ sách “Chào tiếng Việt” có thiết kế vui nhộn, kết hợp với hình minh họa sinh động, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài từ 6-15 tuổi. Về mặt ngữ liệu, trong bộ sách có các câu chuyện, đoạn hội thoại, trò chơi sắm vai, câu đố, thơ ca, đồng dao, âm nhạc, phim hoạt hình, phim tư liệu, đoạn audio, trò chơi trải nghiệm, truyện cổ tích, thí nghiệm, các nhiệm vụ và nhiều thử thách - những nội dung có thể giúp các em nảy sinh động lực học tiếng Việt và giữ được nhu cầu học lâu dài.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định mùa giải thứ Sáu có nhiều đổi mới, từ quy chế đến công tác chấm giải, tổ chức lễ trao giải, có sự tương tác với người đọc, xứng tầm là giải thưởng cấp quốc gia.

 Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Trải qua các mùa giải, Giải thưởng Sách Quốc gia đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, đánh giá cao. Chúng ta tôn vinh các tác giả, dịch giả, người làm công tác xuất bản, cũng chính là tôn vinh văn hóa đọc,” ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị ngành Xuất bản cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, tổ chức sắp xếp hệ thống, đầu tư phát triển ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, hiện đại hóa gắn với công nghệ số.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần được thực hiện tốt hơn, tạo sức lan tỏa sâu rộng để mỗi cuốn sách được giải không chỉ tôn vinh tác giả và những người làm công tác xuất bản mà quan trọng hơn là tạo được tác động tích cực, nâng cao nhận thức của xã hội, xây dựng xã hội học tập để văn hóa đọc thấm sâu vào đời sống xã hội.

 Các tác phẩm được trao Giải thưởng Sách Quốc gia. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Các tác phẩm được trao Giải thưởng Sách Quốc gia. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Chiến đề nghị các cơ quan chủ quản cần làm tốt vai trò quản lý, định hướng trong hoạt động xuất bản, kịp thời tháo gỡ khó khăn để hoạt động xuất bản đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, liên kết xuất bản tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng đầu tư, tổ chức xuất bản nhiều đầu sách giá trị, phát huy tối đa mặt mạnh của cuộc cách mạng 4.0 để phổ biến, quảng bá các xuất bản phẩm Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khai thác, đưa xuất bản trở thành một thành tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Đề cao tính lan tỏa

Giải thưởng Sách Quốc gia là sự tiếp nối, phát triển và nâng tầm Giải thưởng Sách Việt Nam nhằm ghi nhận, tôn vinh các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học, những người tham gia công tác xuất bản, in và phát hành sách trên cả nước; góp phần xây dựng văn hóa đọc, thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh.

Tại buổi lễ, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ Sáu đã báo cáo tổng kết giải thưởng.

 Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ Sáu phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ Sáu phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cụ thể, năm nay có 41 nhà xuất bản gửi sách tham dự với 312 tên sách, 435 cuốn sách, tăng trên 15% số cuốn so với năm 2022. Các cuốn sách, bộ sách đề xuất giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.

“Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đánh giá các tác phẩm đoạt giải đều được đầu tư công phu, phong phú về đề tài, sắc sảo về nội dung, đồ sộ về quy mô, đa dạng về phong cách và giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc,” ông Phạm Minh Tuấn cho hay.

Năm nay, quy chế Giải thưởng Sách Quốc gia có một số điểm mới quan trọng: Mở rộng đối tượng đề cử giải, bên cạnh các nhà xuất bản, tổ chức hội nghề nghiệp còn có các cơ quan truyền thông; mở rộng cơ cấu giải, ngoài Giải A, B, C, đã bổ sung thêm Giải Khuyến khích; bổ sung tiêu chí xét chọn giải, thêm tiêu chí “tính lan tỏa” thông qua việc đánh giá số lượng bản in, số lượng thông tin báo chí về cuốn sách, mức độ lan tỏa của sách và khả năng truyền thông nếu sách đạt giải.

 Đại diện các tác giả và đơn vị xuất bản nhận Giải B. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện các tác giả và đơn vị xuất bản nhận Giải B. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dù Giải thưởng Sách Quốc gia có nhiều đổi mới và khởi sắc, song ông Tuấn thừa nhận rằng vẫn còn những tồn tại như: Một số nhà xuất bản chưa gửi sách tham dự giải; số lượng các hội, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí chủ động đề cử giải còn ít; nguồn kinh phí còn hạn hẹp; chưa tạo được điều kiện để sản phẩm văn hóa, tri thức được phát hành rộng rãi, trong đó có những tác phẩm được giải cao nhưng chưa được xuất bản với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, Giải thưởng vẫn còn thiếu một số hạng mục như: Sách được bạn đọc yêu thích, Sách có số lượng phát hành lớn... Rất nhiều tác phẩm dự thi nhưng chưa tìm được Giải Đặc biệt và số lượng Giải A còn khiêm tốn./.

Danh sách tác phẩm được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI:

Giải A:

- “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển” của tác giả Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh; Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ

- Bộ sách: “Chào tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Giải B

- “Hồ Chí Minh - Cơ hội cuối cùng” của tác giả Henri Azeau, người dịch: Trần Xuân Trí, Ninh Xuân Thao; hiệu đính: Nguyễn Thị Hạnh, Dương Văn Quảng; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm

- “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” của tác giả Bùi Xuân Đính; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật

- “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954” của tác giả Pierre Brocheux, Daniel Hémery, người dịch: Phạm Văn Tuân, hiệu đính: Thư Nguyễn; Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam

- “Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm” của tác giả Kiều Thu Hoạch; Nhà xuất bản Khoa học xã hội Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam

- “Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ da đầu” của tác giả Trần Thiết Sơn (Chủ biên); Nhà xuất bản Y học

- “Chuyển đổi số thế nào?” của tác giả Hồ Tú Bảo, Nguyễn Nhật Quang; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông

- “Mỹ thuật Việt soi từ phía khác” của tác giả Trần Hậu Yên Thế; Nhà xuất bản Mỹ thuật

- “Nghệ thuật dessin” của tác giả Nguyễn Đình Đăng; Nhà xuất bản Dân trí và Công ty Cổ phầnn Văn hóa Đông A

- “Bộ sách: Hít hà mùi đất nước (6 cuốn) của tác giả Mình là Hũ (viết), Trúc Nhi Hoàng (vẽ) Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam

- “Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch” của tác giả Nguyễn Khắc Cường; Nhà xuất bản Trẻ

Giải C

- “Kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản giám sát-Cuộc chiến vì tương lai loài người ở biên giới mới của quyền lực” của tác giả Shoshana Zuboff, biên dịch: Mai Chí Trung; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật

- “Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam” của tác giả Dương Thanh Mừng; Nhà xuất bản Đà Nẵng

- “Bảo vật quốc gia-Lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia” của nhóm tác giả Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn (Chủ biên); Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc

- “Bệnh học nội khoa” (2 tập); Tập 1: Chủ biên: PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, GS.TS. Ngô Quý Châu, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, TS. Nguyễn Trung Anh; Tập 2. Chủ biên: PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, PGS.TS. Trần Ngọc Ánh, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, PGS.TS. Nguyễn Khoa Diệu Vân, PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng; Nhà xuất bản Y học

- “Cây thuốc của dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Kô ở Quảng Trị” của tác giả Ninh Khắc Bản (Chủ biên), Phan Văn Kiệm, Ninh Khắc Thanh Tùng; Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ

- “Cơ cấu trí khôn” của tác giả Howard Gardner, người dịch: Phạm Toàn, hiệu đính: Nguyễn Dương Khư, Phạm Anh Tuấn; Nhà xuất bản Tri thức

- “Chơi Jazz ở Việt Nam” của tác giả Stan BH Tan-Tangbau, Quyền Văn Minh, người dịch: Hiền Trang; Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam

- “Linh ứng: Hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh” của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn; Nhà xuất bản Dân trí và Công ty First News

- “Kể chuyện trên mặt nước” của tác giả Lương Linh; Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội SUNBOX

- “Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lùng” của tác giả Dương Đình Lộc; Nhà xuất bản Dân trí

- Bộ sách: “15 bí kíp giúp tớ an toàn” (7 cuốn) của tác giả Nguyễn Hương Linh, Hoàng Anh, Dương Thùy Ly, Nguyễn Trọng An, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hồng Ánh, Thu Thủy; Nhà xuất bản Kim Đồng

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 18 Giải Khuyến khích cho các tác giả và đơn vị xuất bản.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-thuong-sach-quoc-gia-lan-thu-vi-hai-tac-pham-dong-giai-a-post918418.vnp
Zalo