60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng
Suốt hơn 55 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Tự hào dưới lá cờ Đảng
Chúng tôi đến TDP Đông Trinh, phường Kỳ Trinh - nơi vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến (SN 1938) và Nguyễn Thị Nhung (SN 1944) sinh sống trong một ngày chớm lạnh cuối tháng 11/2024. Cùng ngồi trò chuyện bên chén nước chè xanh ấm đượm, những "thước phim" hơn nửa thế kỷ sắt son lời thề với Đảng của hai ông bà dần dần được tái hiện một chậm rãi...
Sinh ra trong một gia đình khốn khó ở xã Hoằng Trinh (gồm xã Kỳ Hưng và xã Kỳ Trinh thời điểm chưa chia tách), bản thân phải nếm trải cuộc sống làm thuê, cuốc mướn từ nhỏ, nếm trải sự tủi nhục của một người dân mất nước nên ông Tiến sớm có ý thức, quyết tâm lớn lên sẽ đi bộ đội, tham gia cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược...
Năm 22 tuổi, ông Tiến lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 95, Quân khu 4. Năm 1963, ông Tiến trở về quê rồi kết duyên cùng cô gái cùng làng là bà Nguyễn Thị Nhung. Đám cưới diễn ra chưa được bao lâu, ông lại được điều động ra công tác tại Xí nghiệp quốc doanh Than Hòn Gai (nay là Công ty Than Hòn Gai, Quảng Ninh).
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mỏ than Hòn Gai nằm trong địa bàn trọng điểm bắn phá ác liệt của địch, bởi vậy, cùng với các đồng nghiệp của mình, ông Tiến không ngừng nỗ lực, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng (tháng 4/1965).
“Khoảnh khắc thiêng liêng và hạnh phúc nhất đối với cuộc đời tôi đó là đứng dưới ngọn cờ Đảng, cờ Tổ quốc năm ấy để hô vang lời “Xin thề!” của một đảng viên mới. Suốt bao năm qua, lời thề ấy luôn là kim chỉ nam để tôi phấn đấu rèn luyện, xứng đáng với sự kỳ vọng mà Đảng đã trao cho”, ông Tiến nhớ lại.
Năm 1967, ông Tiến một lần nữa quay trở lại quân ngũ, vào Chiến trường B, tham gia các trận đánh ác liệt như: Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên… Năm 1981, ông Tiến mới phục viên trở về quê hương, rồi tham gia công tác tại địa phương như: Quản lý HTX Thống Nhất (xã Kỳ Trinh); Phó ban Chi trả lương hưu và Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã cho tới khi nghỉ hưu.
Cùng trò chuyện với chúng tôi là bà Nguyễn Thị Nhung - người vợ tảo tần của ông Tiến. Suốt hơn 60 năm từ khi nên duyên vợ chồng, bà luôn là hậu phương vững chắc cho ông.
Năm 1964 - một năm sau ngày kết hôn với ông Tiến, bà Nhung tham gia học y tá ở Trường Y sỹ Nghệ An và vinh dự được kết nạp Đảng tại trường. Đến 1965, bà Nhung là y tá phục vụ dân công hỏa tuyến ở Quảng Trị cho tới khi đất nước giải phóng.
“Năm 1967, ông Tiến tham gia chiến đấu ở miền Nam, còn tôi tham gia ở chiến trường Quảng Trị. Gần 9 năm (tính đến thời điểm 1975) hai vợ chồng không hề nhận được bức thư nào của nhau. Mỗi lần bộ đội ra Bắc, tôi thường xuyên hỏi thăm thông tin của ông ấy nhưng chẳng ai hay… Chiến tranh khốc liệt, khi đó chỉ mong đất nước sớm được độc lập để vợ chồng có tin tức về nhau...”, bà Nhung trầm ngâm nhớ lại.
Đất nước hoàn toàn giải phóng, vợ chồng ông Tiến, bà Nhung vui mừng được đoàn tụ sau bao năm dài bặt tin. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi hai vợ chồng nhận được tin bản thân đều bị nhiễm chất độc màu da cam, không thể có con. Di chứng chiến tranh thật khốc liệt nhưng tinh thần của người chiến sĩ, người đảng viên không cho phép 2 ông bà buông xuôi. Vợ chồng ông Tiến luôn là điển hình, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương, được cán bộ và Nhân dân tin yêu, mến phục.
Đảng viên cao tuổi phải càng gương mẫu
Nhớ lại thời điểm năm 2019, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Vũng Áng. Phường Kỳ Trinh lúc đó phải thực hiện GPMB với 24 móng cột và chiều dài 10,9 km ảnh hưởng trực tiếp 39 hộ với hơn 2 ha đất. Dự án đòi hỏi tiến độ gấp rút nên công tác vận động di dời, GPMB cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Gia đình ông Tiến khi đó cũng nằm trong diện đền bù, phải di dời tái định cư. Sau khi tiếp nhận chủ trương di dời, vợ chồng ông Tiến là hộ gia đình đầu tiên chủ động nhận tiền đền bù và nhường đất cho dự án. Không những vậy, trong các cuộc họp, bản thân ông Tiến, bà Nhung còn đứng ra giải thích, vận động các hộ gia đình chấp hành chủ trương của Nhà nước.
Bà Nhung chia sẻ: “Mình là đảng viên cao tuổi thì càng phải gương mẫu đi đầu. Chúng tôi cũng động viên các gia đình khác sớm nhường đất cho dự án trọng điểm quốc gia. Vợ chồng tôi không có con cái, cũng đã ở tuổi gần đất xa trời, chúng tôi được người em cho mượn đất cất tạm căn nhà che mưa che nắng. Suất đất cấp tái định cư, chúng tôi từ chối nhận để nhường cho các hộ gia đình đông con hơn…”.
Ông Lê Tiến Cường - Bí thư Chi bộ TDP Đông Trinh, phường Kỳ Trinh cho biết: "Cuộc sinh hoạt nào hai cụ cũng tích cực phát biểu, tham gia những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, góp phần quan trọng tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân để triển khai thực hiện các công việc của địa phương, nhất là trong GPMB, xây dựng đô thị văn minh...”.
Dù tuổi đã cao, ông bà vẫn thường xuyên đọc báo, nghe đài để cập nhật thời sự, và điều hai ông bà tâm đắc nhất hiện nay chính là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của Đảng ta.
“Với quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, chúng tôi tin tưởng rằng sức mạnh của Đảng ngày càng được nâng lên, lòng tin của Nhân dân ngày càng được củng cố, đất nước càng ngày càng phát triển…”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, bà Nguyễn Thị Nhung luôn gương mẫu trong thực hiện các phong trào ở địa phương. Cả cuộc đời giữ trọn lời thề sắt son với Đảng của ông bà là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên ở trên địa bàn tự soi, tự sửa, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phó Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh Nguyễn Thị Thanh Hải