Giải phóng phụ nữ: trước tiên từ gia đình

Nếu thuần túy quan sát từ bên ngoài, có vẻ nhiều người cho rằng vị thế của phụ nữ đang lên cao hơn bao giờ hết nhưng thực chất thì ngược lại. Trong một báo cáo của Liên hiệp quốc về bình đẳng giới năm 2023(1), thế giới một thập niên gần đây hầu như không đạt được một tiến bộ nào đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

“Tiến bộ xã hội và những đổi thay của lịch sử tỷ lệ thuận với tiến bộ phụ nữ hướng tới tự do, và sự suy thoái xã hội xảy ra là do sự suy giảm quyền tự do của phụ nữ”.

Charles Fourier – nhà tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp đồng thời cũng là nhà đấu tranh ủng hộ quyền phụ nữ, cha đẻ của thuật ngữ “feminism” (chủ nghĩa nữ quyền) – đã phát biểu như thế vào đầu thế kỷ 19. Từ đó đến nay, dù có lúc thăng lúc trầm nhưng phong trào giải phóng phụ nữ chưa bao giờ biến mất. Đặc biệt, sự quan tâm về bình đẳng giới và đấu tranh vì tiến bộ phụ nữ hiện đang thâm nhập vào mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới bùng nổ với những phong trào kêu gọi bình đẳng giới, từ những cuộc biểu tình trên phố đến các chiến dịch online như Metoo. Các thiết chế chính trị – xã hội cũng bắt đầu có các quy định về cân bằng tỷ lệ nam nữ trong cơ cấu tổ chức. Những sản phẩm sáng tạo như trò chơi hay phim ảnh cũng có xu hướng cài cắm các yếu tố nữ quyền.

Thực chất thì ngược lại. Trong một báo cáo của Liên hiệp quốc về bình đẳng giới năm 2023, thế giới một thập niên gần đây hầu như không đạt được một tiến bộ nào đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới bất chấp những phong trào có hiệu ứng lan tỏa mạnh một thời như Time’s Up hay Metoo ở Mỹ, cũng như sự nỗ lực của một số quốc gia trong việc luật hóa các quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Ngay cả ở Việt Nam, mặc dù Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006 và những năm sau đó là hàng loạt văn bản dưới luật được ban hành với những quy định đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người phụ nữ nhưng có vẻ vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi(2). Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho tình trạng này và có lẽ các định kiến về giới luôn là một trong những lý do hàng đầu được nêu ra.

Định kiến về giới là những quan điểm thiên lệch về vị trí, vai trò, giá trị của nam và nữ. Định kiến giới sẽ áp đặt những loại công việc mà phụ nữ/nam giới nên làm hoặc không nên làm, những khả năng mà phụ nữ/nam giới có hoặc không có. Định kiến giới thường có xu hướng hạ thấp giá trị và vai trò thực sự của người phụ nữ trong xã hội. Một báo cáo của UNDP sử dụng các khảo sát về Chỉ số chuẩn mực xã hội về giới (Gender Social Norms Index – GSNI) đã chỉ ra rằng gần 90% những người được hỏi có ít nhất một định kiến về giới. Đáng buồn thay, tỷ lệ này ở Việt Nam lên đến 93,8%.

“Thà để đàn bà làm lãnh đạo còn hơn để một người đàn ông có tính cách đàn bà làm lãnh đạo”

Trong văn hóa Việt Nam, có lẽ chúng ta không hề xa lạ với câu nhận xét trên và thường là đa số người sẽ gật gù đồng ý với nó. Câu nói nghe qua tưởng chừng ủng hộ vai trò lãnh đạo của phụ nữ nhưng thực chất là sự coi thường “tính nữ” khi cho rằng “tính đàn bà” là không phù hợp với vị trí quản lý. Một trong những định kiến dai dẳng nhất và khó thay đổi nhất chính là quan điểm cho rằng nam giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo (trong các thể chế chính trị lẫn kinh tế) sẽ tốt hơn nữ. Hiện tượng này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Khảo sát của UNDP cho thấy gần một nửa số người được hỏi tin rằng nam là nhà lãnh đạo chính trị giỏi hơn nữ.

Rõ ràng niềm tin này không được hỗ trợ từ bất cứ bằng chứng khoa học cụ thể nào. Ngược lại, lịch sử nhân loại đã ghi nhận tài năng lãnh đạo kiệt xuất của các bậc nữ lưu từ Đông sang Tây với các thành tựu đáng kinh ngạc, như Pharaoh Hatshepsut của Ai Cập, hoàng hậu Võ Tắc Thiên của Trung Quốc, nữ hoàng Elizabeth I của Anh, Catherine Đại đế II của Nga, hay gần đây nhất là Thủ tướng Merkel của Đức. Đất nước dưới sự lèo lái của những nữ lãnh đạo này đạt được các thành tựu vĩ đại không kém gì đấng mày râu.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng không có nhiều phụ nữ tham gia hệ thống chính trị và vươn lên nắm vai trò lãnh đạo trong thể chế chính trị ở các quốc gia. Ở Việt Nam ta, dù vấn đề bình đẳng giới được quan tâm sâu sắc ngay sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945 và ngày nay các quy định pháp luật đều bắt buộc đảm bảo tỷ lệ nữ giới thích đáng trong các thiết chế chính trị – xã hội(3), trên thực tế nữ giới thường chỉ nắm vai trò cấp phó trong các thiết chế này(4). Vậy điều gì đã cản bước phụ nữ vươn lên các vị trí cao hơn?

Một người làm việc bằng hai

Để trả lời câu hỏi trên có lẽ nên đi từ định kiến cho rằng không gian của phụ nữ là gia đình. Từ bao đời nay, hình ảnh người mẹ, người chị gắn liền với gian bếp, với công việc nhà, chăm sóc con cái đã in sâu vào trong đầu óc chúng ta như một chân lý hiển nhiên không có gì phải tranh cãi. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội ngày nay đã rất khác xưa.

Trong hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa với chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi hiện nay, việc chỉ mỗi người chồng gánh vác kinh tế gia đình là điều rất khó khăn. Gánh nặng này tất yếu sẽ được san sẻ cho người vợ. Do đó, lao động kiếm tiền không còn là độc quyền của các quý ông. Nếu so với các thời kỳ lịch sử trước kia, khi mà phụ nữ không được phép tham gia các hoạt động ngoài phạm vi gia đình, đây là một bước tiến dài trên con đường giải phóng phụ nữ. Tham gia các hoạt động xã hội giúp phụ nữ phát triển bản thân tốt hơn. Quan trọng hơn, lao động tạo ra thu nhập tất yếu sẽ tạo ra “tiếng nói” cho người vợ trong gia đình.

Tuy nhiên, điều đó sẽ là lợi bất cập hại nếu như phụ nữ vẫn phải gánh vác mọi công việc chăm sóc gia đình. Nói cách khác, các định kiến xã hội về giới vẫn đeo bám họ trong chính gia đình của họ thì khó mà đạt được mục tiêu giải phóng phụ nữ thực sự. Nếu chúng ta bắt phụ nữ phải vừa gồng gánh kinh tế gia đình đồng thời gánh luôn công việc bếp núc, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con và hàng tỉ các công việc không tên khác thì chẳng những phụ nữ không được giải phóng mà trái lại, họ phải chịu gấp đôi áp lực so với trước kia. Việc những người phụ nữ hoàn toàn có khả năng thăng tiến trong sự nghiệp nhưng cuối cùng lại rút lui để vun vén gia đình là điều phổ biến trong xã hội ngày nay bởi lẽ họ không đủ sức để cùng lúc đảm đương hai vị trí.

Có thể có tranh luận rằng hình ảnh các ông chồng sẵn sàng giúp vợ việc nhà, chia sẻ công việc nuôi dạy con cái không còn quá xa lạ với xã hội Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, bao nhiêu quý ông trong số đó đảm nhận công việc này với suy nghĩ là “việc của mình” thay vì “việc làm giúp vợ”? Tư tưởng làm việc nhà chỉ là “làm dùm” vợ phản ánh các định kiến về giới trong gia đình còn nặng nề, và do đó, các hoạt động chia sẻ công việc gia đình sẽ không bền vững và ổn định. Báo cáo năm 2023 của Liên hiệp quốc cho thấy trong tương lai, trung bình phụ nữ vẫn phải gánh vác việc nhà nhiều hơn đàn ông 2-3 giờ. Có thể con số này ở Việt Nam còn cao hơn. Mục tiêu bình đẳng giới khó mà đạt được nếu như hiện trạng này vẫn còn tiếp diễn.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”: vương miện hay là gánh nặng?

Ngày nay, có lẽ chúng ta không xa lạ với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989 dành cho nữ công nhân viên chức lao động. Tiền thân của phong trào này là phong trào “Ba đảm đang” được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động năm 1965 nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia lao động sản xuất, chăm sóc gia đình và chiến đấu khi cần thiết. Phong trào này là cần thiết vào thời điểm đó vì những người đàn ông trong gia đình phải ra chiến trường chiến đấu, phụ nữ buộc phải đảm nhiệm mọi công việc thay người chồng, người cha.

Tuy nhiên, liệu trong thời đại ngày nay, điều đó có còn là phù hợp? Tất nhiên, danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được xem là lời tán dương, sự ca tụng của đơn vị, tổ chức, của xã hội dành cho các lao động nữ. Tuy nhiên, phong trào có tên gọi như thế này sẽ khiến người ta đặt câu hỏi tại sao “giỏi việc nước, đảm việc nhà” chỉ là “đặc quyền” dành cho phụ nữ mà không phải tất cả mọi người? Và nếu chỉ có phụ nữ mới cần “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì đó là vương miện đầy hào quang hay chỉ là gánh nặng đeo bám người phụ nữ như đã đeo bám họ suốt hàng ngàn năm lịch sử nhân loại?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên xem lại tên gọi các phong trào và các danh hiệu. Ngày nay, các tổ chức quốc tế lớn như Liên hiệp quốc thậm chí sử dụng những khái niệm trung dung thay cho những khái niệm mang tính nam nếu như nội hàm của khái niệm đó là chỉ đến những vấn đề chung, không phân biệt giới. Ví dụ “humankind” được sử dụng thay thế “mankind”, hay “chairperson” thay cho “chairman”. Có thể có người cho rằng những thay đổi này là nhỏ nhặt, thái quá và không cần thiết. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, tên gọi, khái niệm phản ánh hệ tư tưởng chủ đạo của thời đại. Trong thời kỳ mà chế độ gia trưởng tồn tại, người đàn ông là biểu trưng cho nhân loại, các khái niệm mang tính nam chiếm đa số. Tuy nhiên, điều đó không nên tiếp tục duy trì trong thời đại mà nhu cầu bình đẳng giới diễn ra bức thiết như ngày nay. Tất nhiên, giải phóng phụ nữ cần nhiều hơn là động thái cải cách ngôn ngữ sử dụng nhưng động thái này là bước đi cần thiết để nhân loại dần rời xa tư tưởng phân biệt giới tính, ít nhất là cho thế hệ trẻ ngày nay và trong tương lai.

Thay lời kết

Các chuyên gia thường khuyên nhủ phụ nữ cần yêu thương bản thân mình hơn, cần cân bằng giữa công việc chăm sóc gia đình và sự nghiệp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ không tự quyết định được điều đó, nói cách khác, họ cho dù muốn cũng không thể có lựa chọn khác khi mà định kiến giới vẫn còn dai dẳng, khi mà bếp núc vẫn theo chân phụ nữ vào tận phòng làm việc của họ. Nếu một phong trào giải phóng phụ nữ cho phép họ được tham gia “việc nước” nhưng vẫn đòi hỏi họ phải đảm cả “việc nhà” thì có lẽ lựa chọn không cần “giải phóng” không hẳn là một ý tồi!

(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật

(1) Progress on sustainable development goals – the gender snapshots 2023, xem tại https://www.unwomen.org/sites/default/files/2023-09/progress-on-the-sustainable-development-goals-the-gender-snapshot-2023-en.pdf

(2) & (4) PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Giải phóng phụ nữ theo tư tưởng C. Mác và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay, xem tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/c-mac/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/giai-phong-phu-nu-theo-tu-tuong-c-mac-va-y-nghia-doi-voi-viet-nam-hien-nay-3427

(3) Điều 11.5, Luật Bình đẳng giới 200

Lâm Nghi(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-phong-phu-nu-truoc-tien-tu-gia-dinh/
Zalo