Vào đại học, đừng 'ngủ quên trên chiến thắng'
Sau khi trúng tuyển và nhập học vào ngôi trường đại học mơ ước, không ít sinh viên năm nhất đã mải chơi và có tâm lý nghỉ 'xả hơi' sau 12 năm đèn sách mà không nhận ra tầm quan trọng của việc học đại học.
Tân sinh viên với tâm lý "xả hơi" dẫn đến kết quả học tập giảm sút
Nhiều sinh viên năm nhất cho rằng chỉ cần đỗ đại học là sẽ được "xả hơi" dẫn đến tâm lý "ngủ quên trên chiến thắng", lơ là học hành, kết quả học tập giảm sút, dần dần đánh mất mục tiêu ban đầu của mình.
Nguyễn Phương Liên - tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ dự định sẽ nghỉ "xả hơi" sau một chặng đường vất vả. "Em định học kỳ I năm nhất này sẽ chưa tập trung vào học ngay mà dành thời gian để hòa nhập với môi trường mới".
Trần Bảo Phúc (sinh viên năm 2, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) đã nhận ra những tác hại của việc chểnh mảng học hành từ năm nhất đại học. "Vào đầu năm nhất, em khá chủ quan. Em nghĩ ở đại học sẽ không phải kiểm tra nhiều như ngày còn học phổ thông nên em đã không tập trung dẫn đến có môn điểm số thấp và phải nhận cảnh báo học tập vào cuối kỳ".
Trải qua năm nhất, Phúc nhận ra: "Tâm lý nghỉ ngơi sau vất vả ôn thi đại học đã khiến em không biết bắt đầu học lại từ đâu. Em nhận ra rằng những năm tháng tại đại học sẽ lãng phí nếu như không nghiêm túc với mục tiêu và dự định của chính mình ngay từ đầu. Năm thứ nhất mà biết quản lý bản thân, tránh sa đà vào những cuộc chơi thì về sau sẽ càng dễ cố gắng để phát triển bản thân hơn và đạt được mục tiêu mình mong muốn".
"Lên đại học sẽ khác hoàn toàn với ngày học cấp 3, không có thầy cô giám sát, không có bố mẹ ở bên nhắc nhở và phải tự chủ mọi thứ. Do vậy, không ít sinh viên năm nhất sa vào tệ nạn xã hội, chơi trước, từ từ học sau. Nhiều tân sinh viên do "ngủ quên trên chiến thắng", mải chơi chứ không phải do chương trình học đại học quá khó. Sau năm nhất, số sinh viên bị điểm thấp, nợ môn không ít", Nguyễn Trần Vân Nhi - sinh viên năm ba, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Cần chú trọng xây dựng kế hoạch học tập ngay từ những ngày đầu tiên
Nắm được thực tế này, nhiều trường đại học ngay sau khi nhập học cho sinh viên đã đưa ra những cảnh báo trong tuần sinh hoạt công dân dành cho tân sinh viên.
TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, mặc dù các trường không mong muốn phải cảnh báo học vụ, buộc thôi học sinh viên nhưng đây là việc phải làm để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo, sàng lọc và đảm bảo sản phẩm đầu ra của các trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Nếu sinh viên không chịu đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần 3, đồng nghĩa với buộc thôi học. "Chính vì vậy, tân sinh viên cần chú trọng xây dựng kế hoạch học tập ngay từ những ngày đầu tiên, không nên có tâm lý "xả hơi" sau khi đỗ đại học vì chương trình đào tạo ở đại học yêu cầu tự học rất nhiều. Nếu để đến cuối kỳ "nước đến chân mới nhảy" thì không thể đạt thành tích tốt, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ học lại, thi lại…".
Theo ThS. Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và việc làm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu không chuẩn bị một tâm thế tốt, phương pháp đúng đắn chắc chắn các em sẽ thiếu động lực học tập và lãng phí quãng thời gian 4 năm đại học. "Môi trường học tập tại đại học hiện nay đề cao tính chủ động của bản thân mỗi bạn sinh viên. Hoàn toàn khác với môi trường học tập các bậc học phổ thông khi có theo sát, kèm cặp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn".
ThS. Nguyễn Phương Linh cho biết, tại đại học, học theo chế độ tín chỉ, sinh viên chủ động sắp xếp lịch và đăng ký học theo chủ động của bản thân để có thể cân đối việc đi làm thêm, tham gia hoạt động câu lạc bộ hoặc học vượt tiến độ để có thế ra trường sớm hơn so với thời gian trung bình là 4 năm.Về cơ bản chương trình đào tạo của đa phần các ngành để tốt nghiệp sinh viên sẽ học 130 tín chỉ, tương ứng với khoảng 40 môn học.
Một học kỳ kéo dài 15 tuần, có thể đăng kỳ học từ 6 đến 8 môn mỗi kỳ, mỗi giáo viên sẽ có những hình thức đánh giá cho điểm khác nhau bên cạnh những hình thức truyền thống như làm bài kiểm tra, thì có thể làm bài tập nhóm, thuyết trình, làm đề án cá nhân… và cuối kỳ sẽ là kỳ thi hết môn.
Với việc học tập như trên nếu vào đại học với tâm lý "xả hơi", chểnh mảng việc học thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung toàn khóa của các bạn nếu như điểm các môn học từ năm thứ nhất của bạn quá thấp.
Để giúp tân sinh viên có kết quả học tốt ở những kỳ học đầu tiên, ThS. Nguyễn Phương Linh lưu ý: "Các em vẫn cần giữ sự tập trung trong việc học, học ngay tại trên lớp, tích cực tham gia vào bài giảng của giáo viên, làm bài tập ở nhà nếu có. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực, chủ động trong việc làm bài tập nhóm, thuyết trình cũng sẽ góp phần giúp các bạn hiểu bài và đạt điểm cao khi giáo viên đánh giá.
Với các bài thi cuối kỳ thì cần hệ thống lại những kiến thức quan trọng để dễ dàng ghi nhớ vì lượng kiến thức học trong cả kỳ là rất nhiều. Các em cũng nên tham gia các nhóm sinh viên trên các kênh mạng xã hội để hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trước đã thi môn đó như nào để có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi cuối kỳ".