Hành trình từ Việt Nam sang Đức của cô gái trẻ với bằng cử nhân Y tá

Phạm Thị Ngọc Lan - một sinh viên Việt Nam với tấm bằng cử nhân y tá - đã chọn sang Đức để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình. Trên con đường ấy chị gặp không ít những khó khăn vất vả.

Ngọc Lan đang sinh sống tại khu phố có khoảng 1,500 người Việt Nam sinh sống được gọi là “Vertragsarbeiter” (tạm dịch: khu người lao động hợp đồng) ở phía đông nước Đức. Hiện tại, cô nàng đang làm y tá tại trường Đại học Trung tâm Y tế tại Rostock - ngôi trường cô gái trẻ đã theo học sau khi sang đây và tiếp tục cống hiến sau khi đã hoàn chương trình học.

Mới đây, trong một phóng sự của kênh DW - News về vấn đề tuyển dụng nhân viên y tế ngoại quốc, Ngọc Lan đã có những chia sẻ những khó khăn vất vả phải đối mặt trên con đường tiếp tục sự nghiệp tại Đức.

Đức không chấp nhận bằng cử nhân y tá của Ngọc Lan tại Việt Nam, nên cô nàng phải học lại và rèn luyện thêm nghiệp vụ y tá từ đầu do một số điểm khác biệt trong công tác chăm sóc bệnh nhân mà Lan phải học tập và dần dần làm quen.

“Mình khá ngạc nhiên khi ở đây, mình cần làm vệ sinh cá nhân cho người bệnh như giúp bệnh nhân lau rửa cơ thể trong khi ở Việt Nam, người nhà bệnh nhân sẽ chịu trách nhiệm làm nhiệm vụ đó. Mới đầu, mình cảm thấy khá xấu hổ và ngại ngùng khi làm công việc lau chùi cơ thể cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nam. Nhưng bây giờ mình cảm thấy bình thường vì mình đã làm công việc này mấy năm nay” - Ngọc Lan chia sẻ.

Nhằm đáp ứng công việc, Lan phải học một ngôn ngữ mới lần đầu tiên trong đời. “Những bệnh nhân cao tuổi thường rất khó giao tiếp bằng điện thoại vì họ không biết ai đang nói chuyện với họ. Rất khó để đội ngũ y tá giải thích vấn đề với người già vì họ không thể sử dụng biểu cảm hay cử chỉ để giúp bệnh nhân hiểu. Do đó chúng tôi cần đào tạo học viên rất kỹ về các tình huống dự trù.” - giáo viên người Đức Jana Laines cho biết.

Tại trường Đại học Trung tâm Y tế (Rostock), chủ yếu học viên đều tham gia chương trình đào tạo lại các kỹ năng trong phòng khám, bao gồm việc sắp xếp nhà ở, xử lý giấy tờ, và cung cấp tình huống giả định trong công việc y tá do đó việc thành thạo ngôn ngữ là rất quan trọng. Ngọc Lan cảm thấy việc học ngôn ngữ rất cần thiết, cô nàng chia sẻ “Khi bạn sống ở nước ngoài, điều đầu tiên bạn cần phải làm là học ngôn ngữ”.

“Mỗi ngày khi kết thúc công việc với cường độ cao, mình cảm thấy thực sự mệt mỏi. Nhưng sau đó, khi mình nghĩ về công việc hiện tại đang làm, mình lại cảm thấy tự hào về bản thân vì mình đều đã thực hiện khá tốt công việc của mình. Đặc biệt là ở đây, vì chẳng ai muốn làm công việc này cả” - Ngọc Lan tâm sự.

Trên trang tin DW - News, nhiều người để lại bình luận tích cực về cô gái người Việt dũng cảm này:

“Quả là một câu chuyện truyền cảm hứng. Bạn là một cô gái chăm chỉ, chúng tôi rất vui vì có bạn làm việc tại đây” - theo tài khoản @minhvu-ch1hl

“Tôi cảm thấy xúc động khi thấy những cô gái trẻ Việt Nam phải làm công việc mà không có người bản xứ nào muốn làm. Công việc đáng trân trọng!” - theo tài khoản @athuynh8018

“Thật là một cô gái trẻ dũng cảm!” - theo tài khoản @SiriusGoddess555.

Hiền Anh

Theo Theo DW - News

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-tu-viet-nam-sang-duc-cua-co-gai-tre-voi-bang-cu-nhan-y-ta-post1676967.tpo
Zalo