Giải pháp nào thích ứng với già hóa dân số?

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức

Tỉ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước như Đức, Mỹ… quy định người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Việt Nam quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên.

Còn theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế.

Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực.

Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực.

Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già,” với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số. Điều này có nghĩa chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Theo dự báo dân số, chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em; nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi thì đến năm 2036 là hơn 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người.

Theo các chuyên gia, già hóa dân số là điều tất yếu xảy ra với quốc gia vừa tăng tuổi thọ nhanh lại vừa giảm mạnh tỉ lệ sinh.

Đáng nói, ở Việt Nam, tuổi thọ người dân tăng nhanh, cao hơn nhiều mức tăng trung bình của thế giới.

Trong 56 năm (1960-2016), tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng tới 29 năm (từ 44,4 tuổi lên 73,4 tuổi). Năm 2023, con số này là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Một số địa phương như Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…, tuổi thọ bình quân còn ở mức trên 76 tuổi. Dự báo, tuổi thọ sẽ tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050).

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống và đối mặt với các vấn đề sức khỏe, bệnh tật.

Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 2-3 bệnh nền.

Cần thay đổi quan niệm “trẻ cậy cha già cậy con”

Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.

Theo ông Hoàng, trong bối cảnh sự già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động, Việt Nam cần chủ động và sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã ứng phó với già hóa dân số để xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn để tăng cường tính tự chủ, độc lập, nhất là tài chính cho người cao tuổi.

Đồng thời, tạo cho họ cơ hội, năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi để đạt đến "già hóa thành công”.

Vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức.

Vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức.

Bằng cách thực hiện linh hoạt chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Để thích ứng dân số già, ĐBQH Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, vấn đề già hóa dân số và vấn đề về người cao tuổi hiện không chỉ là vấn đề của riêng người cao tuổi mà đó là vấn đề của toàn cầu.

Theo ông Cừ, cần phải thay đổi lại một số quan điểm, nhận thức đối với vấn đề người cao tuổi.

“Không phải khi cao tuổi mới chuẩn bị mà phải có công tác chuẩn bị cho người cao tuổi và bản thân mỗi người cần phải chuẩn bị từ lúc còn trẻ. Ví dụ về sức khỏe phải chăm lo luyện tập thể dục thể thao, chuẩn bị vật chất và tinh thần cần chuẩn bị từ khi còn trẻ, phải có tích lũy cho tuổi già, Đồng thời, tăng cường tham gia bảo hiểm y tế…”, ông Cừ nhấn mạnh.

ĐBQH Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

ĐBQH Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

ĐBQH cũng cho rằng mỗi người cần tự chuẩn bị tinh thần cho mình khi về già. “Một số quan niệm ngày xưa “trẻ cậy cha già cậy con” bây giờ cũng cần phải thay đổi. Do đó, người già cũng phải xác định về già tự chủ được bản thân, muốn lo được cho bản thân thì phải chuẩn bị”, ông Cừ nói.

Đồng thời, các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng cần tiếp tục như hệ thống chăm sóc người cao tuổi ngày càng được mở rộng bằng nguồn lực xã hội hóa để người cao tuổi có cuộc sống vui, khỏe, có ích.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tại Việt Nam, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Vì vậy, cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số như đã nêu trong mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Trong đó, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi nhưng vẫn đang tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan để đảm bảo quy mô dân số hợp lý.

Việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Hiện nay, mô hình gia đình nhiều thế hệ dường như ngày một ít đi do tác động của quá trình phát triển kinh tế, lối sống công nghiệp và chịu ảnh hưởng của xu thế hội nhập quốc tế. Nên gia đình hạt nhân sẽ bị mai một, ảnh hưởng đến việc chăm sóc người cao tuổi.

Việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Để khắc phục vấn đề này, theo các chuyên gia cần xây dựng các dịch vụ xã hội phù hợp với người cao tuổi, nhằm phát huy kinh nghiệm sống, tạo điều kiện sinh hoạt và chăm sóc người cao tuổi.

Trong những năm gần đây, do mức giảm sinh nhanh trong khi tuổi thọ ngày càng tăng, dân số đã có xu hướng già hóa với tỉ trọng trẻ em ngày càng giảm và tỉ trọng người cao tuổi ngày tăng. Điều đó, sẽ tạo ra áp lực trong việc bảo đảm phúc lợi xã hội và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng và chuẩn bị cho một xã hội già hóa là nhu cầu khách quan, đòi hỏi phải được thể chế trong pháp luật dân số.

Do đó, cần coi việc thích ứng với tình trạng già hóa dân số nhanh của Việt Nam là một trọng tâm trong chính sách dân số, cần có sự phân định rõ với những quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009.

Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân số nhằm ứng phó với xu hướng già hóa dân số, để có thể tận dụng tốt nhất các yếu tố cơ hội và hạn chế các tác động tiêu cực của hiện tượng già hóa dân số.

Đồng thời, phù hợp với các sáng kiến quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã cam kết, bao gồm chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, tuyên bố chính trị của hội nghị thế giới lần thứ hai về già hóa dân số và kế hoạch hành động quốc tế về già hóa; tuyên bố về già hóa dân số Kuala Lumpur năm 2015 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27.

Để người cao tuổi sống vui, khỏe và sống có ích

“Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đang có tốc độ giả hóa nhanh nhất. Thực tế hiện nay, lớp trẻ dồn về các khu công nghiệp làm việc, để lại các vùng nông thôn tỉ lệ người già, người cao tuổi rất nhiều. Làm sao để người cao tuổi thích ứng với hoàn cảnh, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội và được thoải mái về thể chất và tinh thần, tránh để người cao tuổi rơi vào tình trạng bị “bỏ rơi, cô đơn” là câu hỏi được đặt ra. Do đó, theo tôi cần phải có các biện pháp, chiến lược toàn diện và nguyên tắc về mặt pháp lý nhằm giúp người già sống vui, sống khỏe và sống hạnh phúc hơn”, ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Hoàng Bích - Ngọc Tân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giai-phap-nao-thich-ung-voi-gia-hoa-dan-so-20424121818331786.htm
Zalo