Bài 4: Xu hướng của thế giới
Kinh tế thể thao được nhiều chính phủ trên thế giới định vị là một trong những yếu tố phát triển quốc gia, không chỉ nhờ nguồn thu 'khổng lồ' từ các hoạt động liên quan, mà còn tạo ra giá trị gia tăng như cải thiện hạ tầng đô thị, tạo thêm tài nguyên du lịch…
Kinh tế thể thao lên ngôi
Số liệu từ Statista.com cho thấy Mỹ có nguồn doanh thu thể thao lớn nhất thế giới, chiếm 3,2% GDP và đứng ở vị trí thứ 11 so với các ngành công nghiệp khác. Quy mô thị trường tài trợ thể thao của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 64,8 tỷ USD vào năm 2021 lên 112,2 tỷ USD vào năm 2030.
Tại Trung Quốc, tổng doanh thu từ thể thao hiện chiếm 2,3% GDP của cả nước. Một sự kiện đáng chú ý là Olympic Bắc Kinh 2008 đã thu hút hơn 6,5 triệu khách du lịch trong và ngoài nước, doanh thu từ du lịch của Bắc Kinh trong năm 2008 đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2007.
GDP của Bắc Kinh đã tăng 12% trong năm 2008, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của Trung Quốc là 9%. Hơn nữa, sự kiện này đã giúp nâng cao thương hiệu TP Bắc Kinh đối với toàn thế giới; giúp tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương trong những năm sau. Trong khi đó, Thế vận hội mùa Đông 2022 đã đóng góp hơn 4,5 tỷ USD vào nền kinh tế Trung Quốc.
Tại EU, du lịch thể thao đóng góp phần lớn vào giá trị phát triển ngành dịch vụ lưu trú và thực phẩm, tạo ra 586.000 việc làm trên khắp khu vực. Các báo cáo cũng cho thấy, đóng góp trực tiếp từ các hoạt động kinh tế thể thao tương đương với 2,4% giá trị kinh tế Vương quốc Anh vào năm 2016, tăng nhẹ lên 2,5% vào năm 2019.
Trong những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế thể thao, với mức tăng trưởng trung bình 9,4% mỗi năm, vượt qua Mỹ và châu Âu. Sự phát triển kinh tế thể thao của Hàn Quốc kể từ khi đăng cai Thế vận hội năm 1988 là một ví dụ điển hình. Từ một nền kinh tế kém phát triển, giá trị của ngành thể thao Hàn Quốc hiện là 54 tỷ USD và mục tiêu là tăng lên 75 tỷ USD vào năm 2027.
Theo báo cáo của FICCI-Nangia Nxt, ngành công nghiệp thể thao Ấn Độ có khả năng đạt 100 tỷ USD vào năm 2027, từ mức 27 tỷ USD trong năm 2020. Các ngành như hàng hóa thể thao, trang phục và bản quyền truyền thông đang đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này, với riêng thị trường truyền thông thể thao dự kiến sẽ tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2020 lên 13,4 tỷ USD vào năm 2027.
Bên cạnh đó, những thành tựu mang tính bước ngoặt của các vận động viên Ấn Độ tại Đại hội Thể thao châu Á 2023 và Thế vận hội Paris 2024 đã làm nổi bật sức cạnh tranh ngày càng tăng của quốc gia này trên trường quốc tế.
Chỉ riêng thị trường hàng hóa thể thao tại Ấn Độ đã giá trị tương đương 4,5 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt 6,6 tỷ USD vào năm 2027, trong khi ngành trang phục thể thao tăng từ 14 tỷ USD vào năm 2020 lên 21 tỷ USD vào năm 2023, chủ yếu nhờ vào các sản phẩm đồ thể thao dành cho nam giới.
Cần tính toán kỹ trước “mỏ vàng” lớn
Sau khi Tehran (Iran) - TP duy nhất đệ trình đăng cai Olympic 1984 xin rút lui, TP Los Angeles (Mỹ) đăng cai Thế vận hội năm 1984, đã tận dụng các cơ sở hạ tầng và sân vận động sẵn có, sắp xếp các khoản tài trợ DN cũng như quyền phát sóng béo bở, thúc đẩy sự kiện này trở thành “mỏ vàng” cho các TP đăng cai như ngày nay. Ủy ban Tổ chức Los Angeles cuối cùng thu về khoản thặng dư 215 triệu USD từ sự kiện. Kể từ đó, cuộc cạnh tranh để đăng cai Thế vận hội trở nên khốc liệt gần như chính các vòng đua trong sự kiện.
Tại Hàn Quốc, việc đăng cai Thế vận hội Seoul 1998 đem lại hiệu quả kinh tế khoảng 10.000 tỷ won (7,4 tỷ USD). Trong đó khoảng 2 tỷ USD từ đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng, 300 triệu USD từ tác dụng kích thích kinh tế thông qua phục hồi ngành du lịch và tăng lượng du khách nước ngoài.
Mặt khác, sự kiện này cũng giúp Thủ đô Seoul phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội khi là dịp để tái phát triển trung tâm TP, nhà ở xuống cấp, chung cư. Đồng thời bổ sung cơ sở vật chất giao thông đô thị và thúc đẩy chính quyền dành khoảng 1,4 tỷ USD cải thiện môi trường.
Tiếp đó, thông qua tổ chức Đại hội Thể thao châu Á Incheon 2014, đất nước xứ sở kim chi đã thu được khoảng 9 tỷ USD, trong đó 1,3 tỷ USD hiệu quả kinh tế qua tăng cường du lịch và tiêu dùng trong thời gian Đại hội, tạo ra 260.000 việc làm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội thế giới, một số TP đã chi tới 100 triệu USD chỉ riêng cho quá trình giành quyền đăng cai. Nếu không tính toán kỹ, chi phí có thể tăng vọt vượt xa so với ước tính và ngân sách ban đầu. Một ví dụ cụ thể là Paris, 5 trong số 6 Thế vận hội gần đây nhất (mùa Hè và mùa Đông) đã vượt mức chi phí điều chỉnh theo lạm phát hơn 100%, theo một nghiên cứu Đại học Oxford công bố vào tháng 5/2024.
Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền là một trong số những thách thức chính mà ngành thể thao đang phải đối mặt. Tại Tây Ban Nha, các câu lạc bộ đang thi đấu tại giải La Liga phải chịu khoản lỗ hàng năm ước tính từ 600 - 700 triệu euro do vấn nạn này.
Trong khi đó, một báo cáo của YouGov vào tháng 5/2024 đã tiết lộ rằng 40% người dân Tây Ban Nha vi phạm bản quyền nội dung. Nếu trong 2 - 3 năm tới, tình trạng vi phạm bản quyền này không thay đổi, La Liga sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm rất đáng kể về doanh thu nghe nhìn. Điều đó sẽ dẫn đến mức lương giảm đáng kể, các câu lạc bộ sẽ biến mất, sự đóng góp cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao ở Tây Ban Nha và bóng đá nói riêng suy giảm đáng kể.
Theo ước tính, tính cả chi phí hoạt động và chi phí cơ sở hạ tầng trực tiếp, gián tiếp, bản thân các Thế vận hội ngày càng trở nên xa xỉ. Như Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chi hơn 40 tỷ USD cho Thế vận hội mùa Hè 2008, Sochi (Hàn Quốc) đã chi hơn 50 tỷ USD cho Thế vận hội mùa Đông 2014 và chi phí của Rio (Bồ Đào Nha) lên tới 20 tỷ USD cho Thế vận hội mùa Hè 2016. Trong khi doanh thu chỉ bằng một phần nhỏ chi phí - trung bình khoảng 6 - 8 tỷ USD kể từ năm 2005 - phép tính bắt đầu trở nên kém hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, còn nhiều khoản chi không được kiểm tính đầy đủ. Ủy ban Kiểm toán Quốc gia Nhật Bản phát hiện ra rằng ước tính 12,6 tỷ USD của Ban Tổ chức Thế vận hội Tokyo không bao gồm 17 tỷ USD chi phí trực tiếp. Hay Ban Tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2022 đã báo cáo thặng dư 52 triệu USD trên 2,24 tỷ USD chi tiêu. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của Business Insider cho thấy, tổng chi phí có thể cao hơn 10 lần số này.
Chất xúc tác cho kinh tế thể thao
Vương quốc Anh - một trong những quốc gia đi đầu và phát triển mạnh mẽ về kinh tế thể thao đã phát huy việc kết nối một số môn thể thao (trong đó có golf) chặt chẽ với công nghiệp du lịch. Một mạng lưới câu lạc bộ bóng đá dày đặc và sôi nổi tạo thành xương sống của nền kinh tế thể thao nước này. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh có số lượng lớn tình nguyện viên thể thao (6,2 triệu người). Đây là “tài sản” lớn cho ngành, cho phép các câu lạc bộ cơ sở hoạt động với chi phí rất thấp và do đó duy trì mức độ tham gia mạnh mẽ.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa thể thao trở thành một trong những trụ cột kinh tế và kể từ đó định hướng xây dựng các thể chế, quy định và hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Hàn Quốc cũng thành lập hai công ty cá cược thể thao và tất cả lợi nhuận sẽ được tái đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong sự phát triển của Hàn Quốc, việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển quốc gia. Quỹ Xúc tiến thể thao quốc gia với vai trò tài trợ cho thể thao đã được mở rộng thông qua việc thành lập các sân vận động dành riêng cho bóng đá trên toàn quốc và ban hành cơ chế bầu chọn khuyến khích thể thao.
Trong khi đó, để hiện thực hóa “giấc mơ lớn” về thể thao, theo Tổng Thư ký Bộ Thanh niên và Thể thao Ấn Độ Kunal, nước này đang đưa ra hai văn kiện - Chính sách thể thao 2024 và dự thảo Dự Luật Quản lý thể thao quốc gia, hiện đang được công khai để trưng cầu dân ý, sửa đổi trước khi chính thức ban hành nhằm tạo động lực cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm từ việc tổ chức các giải thể thao lớn trong đó có Olympic tại Hàn Quốc cho thấy, hoạt động này không chỉ mang lại tác động kinh tế hữu hình như tạo việc làm, tăng thu nhập từ du lịch mà còn có hiệu ứng vô hình như cải thiện hình ảnh đối ngoại của đất nước.
Bắt đầu từ Thế vận hội mùa Hè 1988, sự phát triển của Gangnam - phía Nam sông Hàn nhanh chóng được thúc đẩy từ trung tâm TP cũ, đặt nền móng phát triển thành một đô thị với dân số 10 triệu người ngày nay. Hay sau World Cup 2002, hình ảnh Hàn Quốc đến rộng hơn với thế giới khi độ nhận diện tăng 31%, giúp thu hút nhiều hơn khách du lịch.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc Oh Yeong Woo
(Còn nữa)