Giải pháp nào để thu hút tư nhân đầu tư vào ngành năng lượng?

Các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước đang ngày càng quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Song trên thực tế vẫn còn rất nhiều rào cản cần phải được tháo gỡ từ khung pháp lý, chính sách đất đai đến cơ chế hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực này.

Nhiều rào cản

Tại hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” ngày 18/2 tại Hà Nội, ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong thời gian tới, nhu cầu về năng lượng bắt buộc phải đáp ứng được.

Trong bối cảnh quá trình phát triển tiến tới công nghiệp hóa và đô thị hóa rất mạnh mẽ cũng như để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có Nghị quyết 55 của Ban Chấp hành Trung ương và Quy hoạch điện VIII nhằm định hướng phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh, bền vững, giảm dần nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, không thể chỉ dựa vào một nguồn đầu tư công mà cần có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước đang ngày càng quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Song, trên thực tế vẫn còn rất nhiều rào cản cần phải được tháo gỡ từ khung pháp lý, chính sách đất đai đến cơ chế hợp tác công - tư PPP để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực này.

Phân tích sâu về hiện trạng, định hướng khu vực tư nhân tham gia vào ngành điện, ông Phạm Minh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ (Bộ KH&ĐT) cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách khích khu vực tư nhân tham gia vào ngành điện. Về chính sách chung, có nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam cũng đã nêu ra một số nội dung liên quan đến kinh tế tư nhân. Đó là khuyến khích và tạo mọi điều kiện tuận lợi để các ngành kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp độc quyền, cạnh tranh, không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng; tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, công khai, quy hoạch danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút.

Về Luật Điện lực, sau quá trình 20 năm thực hiện và hoàn thiện pháp luật về điện lực, đến nay khu vực tư nhân đã được quyền đầu tư các khâu của ngành điện từ phát điện, truyền tải cho đến phân phối, chỉ trừ một số hoạt động độc quyền nhà nước vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đã nêu rõ trong Luật Điện lực 2024.

Ông Phạm Minh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ (Bộ KH&ĐT).

Ông Phạm Minh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ (Bộ KH&ĐT).

Tuy nhiên, các dự án tư nhân vẫn chủ yếu tập trung vào nguồn điện, trong khi chưa có nhiều dự án lưới điện truyền tải mang tính thương mại.

Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý và thực tiễn triển khai dự án, bao gồm việc thu xếp tài chính, hiệu quả đầu tư cũng như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo ông Hùng, cần tiếp tục nghiên cứu đặc thù của các dự án lưới điện truyền tải để có giải pháp khơi thông dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực này.

Ngoài rào cản pháp lý, ông Hùng cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu đầu tư vào ngành điện rất lớn, trung bình khoảng 13,5 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2030 và 20-26 tỷ USD/năm giai đoạn 2031-2050. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN và TKV giai đoạn 2021-2024 chỉ đạt 16,9 tỷ USD, mới đáp ứng khoảng 31% nhu cầu vốn hàng năm.

Áp lực thu xếp vốn càng tăng khi EVN và PVN phải chuẩn bị đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 theo nhiệm vụ mới được giao. Do đó, việc thu hút đầu tư tư nhân là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng và duy trì tốc độ tăng trưởng ngành điện từ 12-16%/năm.

Giải pháp thu hút đầu tư tư nhân

Để khuyến khích tư nhân tham gia vào ngành điện, ông Hùng đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, phải cải cách cơ chế giá điện để giá điện phản ánh đúng chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có lợi nhuận hợp lý khi đầu tư vào ngành điện. Giá điện cũng phải công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng về giá mua điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả doanh nghiệp điện lực và khách hàng sử dụng điện.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là phải cải cách, hoàn thiện thể chế. Hệ thống chính trị đang vào cuộc tập trung cho cải cách hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực. Nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cấp là xác định đâu là rào cản, đâu là nhu cầu quản lý và sự cần thiết phải quản lý để từ đó loại bỏ những thủ tục rườm rà, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Thanh Tùng – Giám đốc phát triển dự án CTCP Xây dựng công trình IPC – cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

"Việt Nam cần huy động nguồn vốn lớn với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, phần lớn nguồn vốn nước ngoài đến từ các kênh tín dụng xuất khẩu (ECA), nhưng hợp đồng mua bán điện vẫn chưa đủ hấp dẫn để các định chế tài chính quốc tế cấp vốn. Vì vậy, cần cải thiện điều khoản hợp đồng để thu hút dòng vốn nước ngoài tốt hơn," ông Tùng nhận định.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng. Các nhà thầu và nhà đầu tư Việt Nam có đủ năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nhưng cần thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước về cơ chế, chính sách để phát triển bền vững.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/giai-phap-nao-de-thu-hut-tu-nhan-dau-tu-vao-nganh-nang-luong/20250218062020165
Zalo